TIN THỦY SẢN

Ngày càng nhiều người nuôi cá lồng bị thiệt hại vì ô nhiễm nguồn nước

Ô nhiễm nguồn nước sống từ hoạt động xả thải khiến môi trường bị hủy hoại, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Xuân Hòa

Nhiều nhà máy, khu công nghiệp (KCN) chưa xây dựng trạm xử lý nước thải hoặc xả thải trộm nguồn nước chưa xử lý ra môi trường, dẫn đến nhiều hệ lụy cho người nuôi cá lồng trên sông.

Người dân thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) phản ánh, gần một tuần qua, cá chết nhiều ở khu vực khe suối và hồ tự nhiên nằm trong khu vực KCN Phong Điền, thuộc Ban Quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh.

Ước chừng có ít nhất khoảng 1 tấn cá tự nhiên bị chết khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Theo tìm hiểu, khu vực cá chết tiếp nhận nước từ hệ thống nước thải của các nhà máy ở KCN Phong Điền xả ra.

Sau khi nhận được thông tin, trong các ngày 17 và 18/8, UBND thị trấn Phong Điền cùng các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra thực tế khu vực cá chết. Đồng thời, lấy mẫu nước của các hồ, suối cũng như lấy mẫu nước thải của các doanh nghiệp thải ra để phân tích, tìm hiểu nguyên nhân sự việc.

Được biết, KCN Phong Điền đã đi vào hoạt động từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải. Hệ thống xử lý nước thải của KCN này hiện đang trong quá trình xây dựng.

Trước đó, vào tháng 4/2021, tại một số xã của huyện Bá Thước (Thanh Hóa) có hiện tượng cá nuôi lồng bè của người dân chết hàng loạt. Sau khi vào cuộc kiểm tra, đoàn kiểm tra của UBND huyện này đã xác định được 2 doanh nghiệp chế biến lâm sản có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Mã.

Kết quả kiểm tra cho thấy Công ty cổ phần chế biến lâm sản Phú Thành – chế biến lâm sản và Công ty TNHH Tân Thái Thanh - là cơ sở sản xuất giấy vàng mã đã xả thải trực tiếp nước chưa qua xử lý xuống sông Mã tại địa bàn xã Thiết Kế. Đại diện 2 doanh nghiệp đã thừa nhận xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông Mã.

Trước đó, trong tháng 3/2020, Chi cục Thủy sản tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị đang phối hợp cùng các ngành chức năng tích cực điều tra, xác định rõ nguyên nhân khiến hơn 100 tấn cá của người dân tại xã Nhân Huệ, TP.Chí Linh chết trắng cả một góc sông Thái Bình. Nguyên nhân ban đầu xác định là do ô nhiễm nguồn nước từ hoạt động xả thải của các nhà máy, KCN nằm ven sông. Các vụ xả thải nêu trên đều khiến người nông dân thiệt hại nặng nề về kinh tế.

Nhằm hạn chế, giảm thiểu những tác động gây ô nhiễm nguồn nước trong công trình thủy lợi, từng bước cải thiện chất lượng nước, tiến tới đảm bảo chất lượng nguồn cấp nước đáp ứng yêu cầu của sản xuất, dân sinh, các địa phương cần triển khai các giải pháp:

Theo các chuyên gia kinh tế, môi trường đánh giá, hoạt động xả thải lén lút ra sông suối các nguồn nước không đảm bảo vẫn còn nhiều. Hậu quả của việc này sẽ khiến nguồn nước bị ô nhiễm và dẫn đến hàng loạt hệ lụy về môi trường, trong đó có việc cá của các hộ dân nuôi trên sông bị chết, gây thất thu về kinh tế cho người dân.

Để hạn chế những vụ việc đáng tiếc như những viện dẫn ở trên, theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng ở từng địa phương cần tăng cường công tác quản lý, kiên quyết xử lý triệt để, nghiêm minh theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm. Thậm chí yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm dừng sản xuất, kinh doanh để khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, cần thực hiện cơ chế giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác nước, xả nước thải vào nguồn nước. Bởi trên thực tế những hoạt động này của nước ta còn chưa rõ ràng, thiếu sự thống nhất...

Vì vậy, để tăng cường năng lực giám sát xả thải của các cơ sở sản xuất, các cơ quan liên quan cần xây dựng chính sách để người dân tham gia. Bởi người dân chính là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất trước tác hại từ môi trường.

Xuân Hòa Kinh tế & Môi trường