Nghề muối ba khía Cà Mau được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nghề muối ba khía ở huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Ngày 23/6, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau đã tổ chức lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đối với "nghề muối ba khía" của huyện Ngọc Hiển.
Nhắc đến con ba khía, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vùng đất miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là bán đảo Cà Mau. Còn nói đến ba khía muối thì không thể bỏ qua ba khía Rạch Gốc ở huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau).
Nghề muối ba khía được xem là một trong những nghề truyền thống của địa phương từ bao đời nay. Từ trước đó, người dân chủ yếu muối ba khía để dùng trong gia đình. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, món ba khía lại được nhiều người ưa chuộng, không chỉ ở miền Tây Nam Bộ mà còn nhiều vùng khác.
Khi món ăn dân dã này được ưa thích, trở thành đặc sản thì cũng là lúc nghề muối ba khía đem lại nguồn thu nhập cho rất nhiều hộ dân.
Trao công nhận "Nghề muối ba khía" ở huyện Ngọc Hiển (tỉnh Cà Mau) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: Hồng Lĩnh, Cổng TTĐT Cà Mau)
Chính vì thế, nghề ba khía muối có thể làm du lịch để phục vụ du khách muốn tìm hiểu về nghề này, cũng như thưởng thức con ba khía muối độc đáo của vùng đất Cà Mau nói riêng.
Hiện nay, nhiều điểm du lịch cộng đồng ở Cà Mau có chương trình tổ chức cho du khách đi soi, bắt con ba khía trong các vuông nuôi tôm, cua, hoặc ở kkhu vực kênh rạch bãi bồi. Đây được xem là một hoạt động trải nghiệm rất thú vị.
Trước đó, ngành chức năng tỉnh Cà Mau đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có "Nghề muối ba khía" và đã được công nhận.