TIN THỦY SẢN

Nghêu chết hàng loạt nhiều năm vẫn chưa rõ nguyên nhân

Trong ảnh: Người dân đang kiểm tra "sức khỏe" nghêu giống. Ảnh: Trung Chánh Trung Chánh

Trong nhiều năm qua, hiện tượng nghêu chết hàng loạt xuất hiện ở nhiều địa phương nuôi loại thủy sản này ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế nhưng, cho đến nay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghêu chết vẫn chưa được xác định, dù đã có nhiều nỗ lực của các nhà chuyên môn.

Tại hội thảo khởi động dự án “Phát triển toàn diện và bền vững chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam” diễn ra ở tỉnh Bến Tre vào hôm nay, 31-5, ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho biết, ở các địa phương nuôi nghêu tại ĐBSCL hàng năm đều xảy ra hiện tượng nghêu chết hàng loạt, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân. “Rõ ràng chúng ta vẫn chưa có giải pháp cải thiện được vấn đề này”, ông nhấn mạnh.

Vào năm 2013, tình trạng nghêu chết hàng loạt xuất hiện ở hầu hết các địa phương nuôi loại thủy sản này ở ĐBSCL như Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh. Chẳng hạn, ở huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã có hơn 1.300 héc ta diện tích nuôi của 180 hộ nông dân bị dịch bệnh, ước thiệt hại lên đến 300 tỉ đồng.

Liên tiếp những năm sau đó, tình trạng nghêu chết hàng loạt tiếp tục tái diễn khá phức tạp ở nhiều địa phương. Tại huyện Bình Đại và Ba Tri, tỉnh Bến Tre xuất hiện tình trạng nghêu chết trong những tháng đầu năm 2018.

Ông Phan Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Bảo Thuận, huyện Ba Tri cho biết, nghêu nuôi của hợp tác xã xuất hiện hiện tượng chết hàng loạt, nhưng chưa xác định được nguyên nhân.

Trước đó, vào năm 2011, khi hiện tượng nghêu chết hàng loạt xuất hiện ở ĐBSCL, các nhà khoa học đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân và kết quả phân tích mẫu do Phân viện thủy sản Cà Mau thực hiện xác định có sự hiện diện của ký sinh trùng đơn bào nội ký sinh Perkinsus sp với tỷ lệ cảm nhiễm dao động từ 50-80%, cường độ cảm nhiễm từ 10 - 340 bào tử Perkinsus sp trên một cá thể nghêu.

Sau đó, Chi cục Thú y Tiền Giang đã đề nghị Phân viện Thủy sản Cà Mau tiếp tục nghiên cứu mô bệnh học của các mẫu nghêu gửi xét nghiệm để xác định xem ký sinh trùng nói trên có ảnh hưởng đến cấu trúc mô của nghêu nuôi hay không để có cơ sở cho việc nhận định nguyên nhân gây chết nghêu.

Tuy nhiên, như thông tin đã nêu ở trên của ông Lựu, đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây chết nghêu hàng loạt như thời gian vừa qua.

Trình bày tại hội thảo, đại diện của Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các vùng nuôi nghêu tập trung ở các khu vực cửa sông ven biển là vùng chịu tác động rất nhiều nguồn chất thải. “Môi trường vùng nước ven bờ đã bị ô nhiễm dầu, kẽm và chất thải sinh hoạt. Các chất rắn lơ lửng như Si, NO3, NH4..., cũng ở mức đáng lo ngại”, vị này cho biết.

Trước tình hình trên, ông Lựu kỳ vọng dự án phát triển bền vững chuỗi giá trị nghêu ở Việt Nam do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ chính sẽ cải thiện được những tác động tiêu cực, giúp cho hoạt động sản xuất nghêu được bền vững hơn. Từ đó, thúc đẩy gia tăng xuất khẩu nghêu, đem lại cuộc sống ổn định hơn cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Lê Hoa, Phó giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết, nông dân sản xuất quy mô nhỏ là mắt xích đầu tiên và rất quan trọng trong chuỗi giá trị ngành nghêu. “Vì vậy, vai trò và vị thế của họ cần được nhìn nhận một cách công bằng”, bà nhấn mạnh và giải thích rằng vì không có nông dân, chuỗi giá trị sẽ không tồn tại.

Theo bà Hoa, để chuỗi giá trị có thể phát triển bền vững, sản phẩm đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng và yêu cầu của thị trường, thì việc hỗ trợ để nâng cao năng lực sản xuất của họ là hết sức cần thiết nhằm góp phần cải thiện sinh kế người dân.

Trung Chánh SGGP