TIN THỦY SẢN

Nghi vấn nhập lậu tôm giống từ Trung Quốc?

Mua bán tôm giống. Ảnh minh họa PHƯƠNG NAM

Tôm giống nhập lậu giá chỉ bằng 1/10 tôm có nguồn gốc xuất xứ nhưng rất dễ bị dịch bệnh.

Ngày 3-3, ông Trương Hữu Thông, Chủ tịch Hiệp hội Tôm giống tỉnh Bình Thuận, cho biết đã có tờ trình gửi các cơ quan chức năng yêu cầu xử lý Công ty TNHH Việt Úc (Tuy Phong, Bình Thuận) đã nhập hàng chục ngàn con tôm giống thẻ chân trắng nhưng không có hồ sơ, nguồn gốc, xuất xứ theo quy định.

Được biết từ thông tin của Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, ngày 23-1, Thanh tra Thủy sản tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra các hồ nuôi tôm thẻ chân trắng tại Công ty Việt Úc. Kết quả phát hiện hơn 20.000 con tôm có trọng lượng từ 20 đến 40 g/con không có nguồn gốc, xuất xứ. Ngoài ra còn phát hiện thêm hơn 80.000 con tôm thẻ nhỏ và tám hồ nuôi ấu trùng không có nguồn gốc, nhật ký theo dõi. Sau đó Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận có văn bản yêu cầu Công ty Việt Úc ngừng ngay việc lưu giữ tất cả tôm thẻ chân trắng để ươm nuôi thành tôm bố mẹ, giữ nguyên hiện trạng chờ xử lý.

Theo Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, tất cả thành viên trong hiệp hội đều tuân thủ theo các quy định của Bộ NN&PTNT, nhập tôm bố mẹ đảm bảo chất lượng, có chứng nhận kiểm dịch từ cơ quan thẩm quyền của nước xuất khẩu và Cục Thú y Việt Nam. Các hội viên đều nhập tôm từ Viện Hải dương học Hawaii (Mỹ) với giá 130 USD/cặp tôm bố mẹ. Trong khi đó, tôm nhập lậu thường có nguồn gốc từ Hải Nam (Trung Quốc) có giá chỉ từ 10 đến 15 USD/cặp. Giống tôm nhập lậu này đều dễ bị dịch bệnh và do nhập lậu nên không có hồ sơ nguồn gốc hay được kiểm dịch theo quy định.

Trao đổi với phóng viên, ông La Châu Trinh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, cho biết Hiệp hội Tôm giống đã nghi ngờ việc trộn lẫn tôm Trung Quốc để bán cho người nuôi nhưng ông khẳng định khó có thể xảy ra việc này. Theo ông Trinh, ngày 5-2, Tổng cục Thủy sản đã đến kiểm tra tại Công ty Việt Úc. Theo thông báo của Tổng cục Thủy sản thì Công ty Việt Úc đang lưu giữ ba đàn tôm thẻ chân trắng nhập từ Mỹ (đàn OI), Singapore (đàn SIS) và Thái Lan (đàn CP) và đang tiến hành lai chéo các quần đàn tôm nói trên. Tuy nhiên, Việt Úc đã chậm đăng ký triển khai việc lai chéo này với cơ quan quản lý có trách nhiệm. Do đó, trong khi chờ đợi được phê duyệt, Tổng cục Thủy sản yêu cầu Công ty Việt Úc không được phát tán, không được sử dụng các đàn tôm bố mẹ trên sản xuất ra tôm giống phục vụ mục đích kinh doanh.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận, họ nghi ngờ bởi ngày 23-1 khi đoàn thanh tra đến, Công ty Việt Úc đã không cung cấp được hồ sơ. Trước tình hình tôm bị dịch bệnh trên diện rộng với nghi vấn là do giống tôm ngoại lai nhập lậu gây ra, Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận cho biết sẽ tiếp tục có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc để tránh thiệt hại đối với hàng ngàn hộ dân nuôi tôm thịt.

PHƯƠNG NAM Pháp Luật TP