Nghịch lý thị trường cồi sò điệp
Khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, ngư dân phường Mũi Né TP. Phan Thiết liên tục “được mùa” sò điệp với sản lượng tăng cao, nhưng giá bán thì lại quá thấp.
Với sò điệp có màu đỏ ngói, người dân gọi là điệp xốp, điệp ngói, giá khoảng 3.000 - 5.000 đồng/kg. Riêng sò có vỏ màu trắng ngà ngà điểm màu hồng nhạt, gọi là điệp bay, giá khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg. Ngư dân Trần Văn Tín cho biết: “Sò điệp bay rất ít, chủ yếu là điệp xốp. Thương lái chê khi thu mua, với loại có kích thước nhỏ, giá chỉ 2.000 đồng/kg. Sau một đêm khai thác, mỗi tàu đánh bắt từ 1 - 3 tấn sò điệp, so với năm ngoái chỉ vài tạ mà giá bán 20.000 - 30.000 đồng/kg sò điệp xốp”.
Thêm vào đó, giá sò lặn cũng không cao so với sò đánh bắt giã cào, dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Chuyến biển nào lặn xuống trúng luồng sò, thì bắt được 30 – 50 kg, đôi khi chỉ 10 kg. Sản lượng sò lặn được, sẽ chia theo tỷ lệ thỏa thuận giữa chủ ghe và thợ lặn sau khi trừ chi phí. Trước đó, thời điểm tháng 1/2019, ngư dân Tuy Phong cũng “trúng đậm” sản lượng sò điệp, nhưng giá khoảng 4.000 – 6.000 đồng/kg tại bến đò khu vực thị trấn Phan Rí Cửa.
Từ số liệu và thông tin trên cho thấy, tính từ đầu năm đến nay, sản lượng sò điệp tăng cao gấp 3 - 5 lần so với chính vụ năm ngoái, nhưng giá bán năm nay giảm hẳn 70%. Mặc dù ghe tàu giã cào trúng mùa sò điệp, nhưng anh em thuyền viên chỉ kiếm được 500.000 - 700.000 đồng mỗi chuyến biển sau khi trừ chi phí, một sự chênh lệch không đáng kể.
2. Cùng thời điểm, nhiều trang mạng xã hội và một số báo chí đưa thông tin cồi sò điệp nhập khẩu Nhật hiện có giá rất cao ở thị trường thành phố Hồ Chí Minh và được nhiều người săn mua, dẫn đến tình trạng cồi sò Nhật bị “cháy hàng”. Người tiêu thụ phải đặt hàng trước, nếu không sẽ khó lòng mua được loại cồi sò này. Cụ thể, loại cồi sò điệp đông lạnh có giá dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng/kg; 8 - 10 triệu đồng/kg với cồi sò khô.
Qua khảo sát giá cồi sò điệp Bình Thuận nói riêng và hàng trong nước nói chung, bình quân 10 - 12 kg sò nguyên vỏ sẽ cạy ra được 1 kg cồi sò tươi, bán giá tại chỗ khoảng 80.000 - 100.000 đồng/kg. Sau nhiều lần qua các thương lái đến tận tay người tiêu dùng, giá cồi tươi khoảng 180.000 – 250.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ cồi to hay nhỏ. Nếu sơ chế sò điệp nửa mảnh vỏ, giá khoảng 80.000 đồng/kg. Với cồi sò khô dẻo 2 nắng, giá 350.000 đồng/kg. Như tính toán, giá cồi sò tươi và khô của Nhật cao hơn gấp 10 - 15 lần so với giá cồi sò điệp Bình Thuận. Đặc biệt, sò nguyên vỏ, chưa qua sơ chế có giá trị chỉ bằng giá mua 1 ổ bánh mì, chưa kể thương lái chê bai và không mua. Xâu chuỗi các thông tin giá cả cồi sò nhập khẩu và trong nước lại với nhau, thể hiện một nghịch lý của thị trường hải sản.
3. Được biết, các quốc gia trên thế giới có nhu cầu sử dụng sò điệp tươi và khô để nấu súp, cháo và nhiều món ăn khác. Tùy vào kích thước của sò điệp khô mà giá của chúng sẽ khác nhau. Hằng năm, các doanh nghiệp Trung Quốc nhập số lượng lớn sò điệp khô và phân phối sang quốc gia khác.
Câu chuyện được mùa mất giá vẫn tiếp diễn với ngư dân. Và nút thắt là chưa có chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến các sản phẩm sò điệp từ nguyên liệu cho đến tay người tiêu dùng. Một khi có chuỗi liên kết, thì giá bán sản phẩm của ngư dân sau thu hoạch sẽ ổn định hơn, các sản phẩm từ sò điệp sẽ vươn xa hơn ra các thị trường nước ngoài. Không chỉ ổn định về giá, mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng nhiều tàu giã cào đánh bắt sò nói riêng, hải sản nói chung dưới hình thức tận diệt nguồn lợi hải sản ven bờ biển làm hư hỏng ngư lưới khác của ngư dân. Đặc biệt, tại thời điểm này, thương lái thu mua sò điệp giá quá thấp, các ghe tàu không nên tiếp tục khai thác.