TIN THỦY SẢN

Nghiên cứu chứng minh loài tôm càng đỏ là loài sống sót cuối cùng

Tôm càng đỏ gây tổn hại đáng kể tới quần thể các loài cá cũng như làm mất cân bằng chuỗi thức ăn.

Nghiên cứu của trường Đại học Queen Mary, London cho biết một trong những loài có khả năng xâm lấn mạnh nhất trên hành tinh có thể tìm kiếm nguồn thức ăn trên cạn cũng như nguồn thức ăn quen thuộc của chúng khi ở dưới nước.

Các nhà khoa học đã phân tích loài tôm càng đỏ sống tại vùng đầm lầy ở Hồ Naivasha thuộc Kenya và nhận thấy rằng khi mực nước hồ xuống thấp, những con tôm sẽ tìm kiếm nguồn thức ăn bổ sung ở trên cạn. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí PLoS ONE, số ra ngày 3/08/2012.

Trưởng nhóm nghiên cứu - Tiến sĩ Jonathan Grey, Đại học Queen Mary, London lý giải: "Tôm càng đỏ là loài động vật có khả năng sống sót đáng kinh ngạc, nghiên cứu của chúng tôi cho thấy chúng có thể trực tiếp ăn các loài thực vật sống trên cạn, cũng như thực vật thủy sinh - nghiên cứu đầu tiên đã chứng minh điều này. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với những người có ý định đưa loài động vật này đến sinh sống ở những vùng khác".

Nhóm các nhà nghiên cứu đã xem xét chế độ ăn của tôm càng đỏ thông qua một kỹ thuật gọi là kỹ thuật phân tích đồng vị ổn định, trong đó, họ đã sử dụng một tín hiệu hóa học tự nhiên trong các mô nhằm phản ánh chế độ ăn uống của loài này, từ đó xác định loại thức ăn của chúng.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tìm thấy một số lượng các cá thể tôm rời khỏi hồ nước chính và chúng đã sống sót bằng cách đào hang trong những hồ nước nhỏ còn đọng lại do dấu chân của những con hà mã để lại. Tối đến, tôm càng đỏ chui ra khỏi những dấu chân đó và ăn các loại loài thực vật trên cạn sống xung quanh.

"Nghiên cứu này là minh chứng rõ ràng rằng tôm càng đỏ sống ở đầm lầy là một loài xâm lược thành công phi thường", Tiến sĩ Grey cho biết.

Từ những năm 1960, tôm càng đỏ đầm lầy đã được đưa đến nhiều khu vực khắp Đông Phi nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp thủy sản và nỗ lực kiểm soát số lượng của những loài ốc sên mang ký sinh trùng gây bệnh giun ký sinh trên cơ thể con người.

"Trong khi loài này tỏ ra rất hữu ích khi chúng có thể chống lại nhiều loài gây hại khác sống trong hệ sinh thái, thì ngược lại, chúng cũng đang gây tổn hại đáng kể tới quần thể các loài cá cũng như làm mất cân bằng chuỗi thức ăn. Loài này ăn các loài thực vật, trứng cá, ấu trùng ruồi, ốc sên, đỉa và kể từ khi chúng ta nhận thức được rằng loài tôm càng đỏ có khả năng khai thác nguồn thức ăn bổ sung ở trên cạn, chúng có thể duy trì số lượng các cá thể ngày một đông hơn trong những điều kiện bất lợi như mực nước rút xuống thấp và ngoài ra còn có thể gây tổn hại nặng nề đến môi trường hơn chúng ta nghĩ ban đầu".

BKH&CN