Nghiên cứu thực trạng các mô hình đồng quản lý trong lĩnh vực thủy sản
Đồng quản lý là một cách tiếp cận quản lý mà ở đó chính quyền chia sẻ một số quyền hạn, trách nhiệm và chức năng quản lý nhất định trong việc quản lý nghề cá với cộng đồng sử dụng nguồn lợi như là những đối tác (Trung tâm Phát triển cộng đồng nghề cá khu vực Đông Nam Á – SEAFDEC, năm 2006)
Ở Việt Nam, đồng quản lý (ĐQL) trong lĩnh vực thủy sản được nghiên cứu từ những năm 1990 của thế kỷ 20, từ đó đến nay đã có nhiều mô hình đồng quản lý được nghiên cứu, thử nghiệm trong các lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản trên các vùng sinh thái và các địa phương khác nhau trong cả nước.
Việc triển khai các mô hình đồng quản lý bước đầu đã đem lại lợi ích tích cực, tạo cơ hội mới về việc làm, huy động nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với việc bảo vệ nguồn lợi tại địa phương. Tuy nhiên các mô hình ĐQL đã được thực hiện thí điểm trong lĩnh vực thủy sản tỏ ra kém hiệu quả và chưa phát huy được tác dụng sau khi dự án kết thúc. Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nêu trên, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản-Tổng cục Thủy sản đã chủ trì thực hiện dự án: “Điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng các mô hình đồng quản lý và đề xuất một số chính sách tăng cường mô hình đồng quản lý trong lĩnh vực thủy sản”.
Trong 2 năm (2012-2013) nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra, khảo sát tại 48 mô hình ĐQL tại 24 tỉnh, thành phố ở 7 vùng sinh thái (Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc Trung Bộ, Duyên Hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ) và đã đạt được các kết quả nghiên cứu rất có ý nghĩa, phục vụ cho sự phát triển chung của ngành thủy sản.
Bước đầu, nghiên cứu đã phân loại được các mô hình đồng quản lý theo vùng sinh thái, theo lĩnh vực, theo hình thái tổ chức. Đối với phân loại theo theo lĩnh vực đã khảo sát 48 mô hình ĐQL; Trong đó, lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản có 29 mô hình được chia làm 4 nhóm gồm nhóm mô hình tổ đội khai thác xa bờ (4/29 mô hình), nhóm mô hình khai thác và bảo vệ nguồn lợi ven bờ (10/29 mô hình), nhóm khai thác và bảo vệ nguồn lợi trên sông hồ chứa (7/29 mô hình), nhóm mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản (8/29 mô hình); Có 16 mô hình ĐQL trong lĩnh vực nuôi trồng thủy và 3 mô hình ĐQL trong lĩnh vực chế biến thủy sản.
Nghiên cứu cũng đã đưa ra được tổng quan về thực trạng các mô hình ĐQL ngành thủy sản hiện nay, đồng thời đánh giá được mức độ tham gia của chính quyền và cộng đồng trong thực hiện mô hình ở cả 3 lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản. Kết quả, điều tra, khảo sát cũng đã đánh giá được hiệu quả các mô hình thủy sản trên 3 phương diện: Hiệu quả bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, hiệu quả về mặt kinh tế, hiệu quả về mặt xã hội.
Đặc biệt, nhóm tham gia thực hiện dự án đã sử dụng phương pháp phân tích SWOT để đánh giá các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của nhóm các mô hình thủy sản. Dựa trên cơ sở đó nhóm nghiên cứu đã xây dựng được các nguyên tắc của mô hình khung và các tiêu chí xây dựng mô hình khung, từ đó nghiên cứu đã đề xuất được mô hình khung ĐQL trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản và chế biến thủy sản.
Ngoài ra một điểm nổi bật mà dự án đã thực hiện được, đó là đề xuất một số chính sách tăng cường ĐQL trong lĩnh vực thủy sản: Đề xuất bổ sung các nội dung liên quan đến cộng đồng và đồng quản lý cần phải được điều chỉnh, bổ sung trong Luật thủy sản sửa đổi, xây dựng nghị định của chính phủ về giao quyền sử dụng mặt nước phát triển thủy sản cho cộng đồng và các thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của nghị định số 33/2010/NĐ- CP ngày 31/3/ 2010, nghị định số 53/2012/NĐ-CP ngày 20/6/ 2012, xây dựng cơ chế, chính sách cho quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản. Xây dựng và trình thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định về chính sách ĐQL trong ngành thủy sản. Dựa trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu dự án đề xuất xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện các chính sách tăng cường ĐQL trong 2 năm (2014- 2015).
Nhóm nghiên cứu đang tiếp tục chỉnh sửa để hoàn thiện đề xuất về các nhóm giải pháp nhằm phát triển mô hình đồng quản lý trong lĩnh vực thủy sản, góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản trong giai đoạn tới.