TIN THỦY SẢN

Ngư dân Ninh Thuận trúng lớn vụ rong sụn đầu năm

Ảnh minh họa (Internet) Công Thử

Với chi phí đầu tư nuôi trồng thấp, hiệu quả kinh tế lại cao, nghề trồng rong sụn đã và đang mở ra một hướng mới trong việc chuyển đổi đối tượng nuôi trồng thủy sản ở Ninh Thuận, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hiện nay, rong sụn được xem là cây trồng "xóa nghèo" của hàng trăm hộ ngư dân sinh sống ven biển Ninh Thuận.

Tại làng biển Lạc Tân 3, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, mới đầu vụ thu hoạch đầu năm, người dân đã trúng đậm năng suất, sản lượng lẫn giá cả. Nhiều hộ dân trồng rong sụn ở xã Phước Diêm phấn khởi cho biết đã lâu lắm rồi, người trồng rong sụn mới vui thế này. 

Năm nay sản lượng rong thu được đạt cao, trung bình 1ha diện tích mặt nước thả nuôi thu hoạch được hơn 10 tấn rong tươi, trong khi các năm trước chỉ thu được từ 7 đến 8 tấn rong tươi/ha (trồng theo kiểu căng dây), còn trồng trong lồng lưới thì năng suất đạt đến 15 tấn/ha.

Không chỉ được mùa, giá rong sụn cũng tăng lên đáng kể. Theo đó, 1kg rong tươi có giá từ 4.500-4.800 đồng, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với những vụ của năm trước. Ngoài ra, rong khô cũng có giá khá cao 22.000 đồng/kg, so với các vụ năm trước tăng khoảng 5.000-7.000 đồng/kg. Điều đáng mừng, năm nay người trồng rong không âu lo vận chuyển đến nơi tiêu thụ, mà trái lại được các thương lái đưa xe đến tận nơi nuôi trồng thu mua, vận chuyển.

Anh Nguyễn Văn Hoa ở thôn Lạc Tân 3, xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, phấn khởi cho biết, không có năm nào người trồng rong vui như năm nay, vì vừa trúng mùa vừa trúng giá. Gia đình anh Hòa bắt đầu vào vụ nuôi trồng hồi tháng 9/2013, với diện tích 1ha mặt nước, nay đang thu hoạch lứa đầu tiên của vụ nuôi. Chỉ mới thu hoạch lần đầu nhưng năng suất anh Hòa thu được khá cao. 

Hiện nay, gia đình Hòa đã có được 60 triệu đồng tiền bán rong sụn trong tay, số còn lại đang phơi khô để bán.

Là một người nuôi trồng rong sụn có tiếng ở Phước Diêm, anh Ngô Châu Hà cũng không ngờ rằng năm nay lại được mùa, được giá đến vậy. 

Anh Hà cho biết: "Tôi làm nghề nuôi trồng rong sụn hơn 6 năm rồi, nhưng không thể tin được năm nay rong lại đạt, giá lại cao vậy. Đây quả thật là điều đáng mừng đối với người dân vùng biển làm nghề trồng rong sụn. Thấy giá cao vậy, tôi cũng vận động bà con cùng nuôi khẩn trương ra biển thu hoạch bán trước Tết để có nguồn thu lo sinh hoạt gia đình trong dịp Tết này."

Theo phân tích của anh Hà, rong sụn là cây trồng rất phù hợp với đặc điểm khí hậu ở Ninh Thuận, chi phí đầu tư nuôi trồng cũng thấp, chỉ khoảng từ 35 đến 40 triệu đồng/ha/vụ, trong khi đó 1 vụ thu hoạch đến 3 lần. Nếu tính hết cả vụ thu bán, lãi thu được đạt khoảng 2/3 so với phí đầu tư nuôi trồng. 

Rong sụn được trồng theo dạng căng dây, trồng trong lồng lưới, lòng bè phao nổi và trồng trên các ao nuôi tôm, trong các đầm, vịnh kín gió. Trung bình mỗi 1ha diện tích mặt nước được trồng khoảng từ 5 tạ đến 1 tấn giống, tùy theo mật độ trồng dày hay thưa.

Vụ chính của trồng rong sụn được bắt đầu từ tháng 9 hàng năm, đây là vụ gió bấc, rong phát triển tốt. Qua hai tháng, bắt đầu thu hoạch rong lứa đầu tiên. Một năm người dân có thể thu hoạch được 3 lần và kết thúc sớm vào tháng 3 của năm sau. Rong sụn là loại rong phát triển rất nhanh, tốc độ tăng trưởng từ 3-6%/ngày, sản lượng thu hoạch khi phơi khô đạt khoảng 30 tấn/ha/vụ.

Rong sụn là loại thực vật dạng Thallus (chưa phân hóa thành thân, rễ thật sự) sống bằng quang hợp, có khả năng hấp thu các muối dinh dưỡng, chủ yếu là ni tơ và phố tpho để tổng hợp thành các chất hữu cơ nên rong sụn có tác dụng làm giảm lượng vật chất hữu cơ trong nước. 

Trồng rong sụn là một trong những giải pháp xử lý sinh học có hiệu quả nhằm cải thiện chất lượng nước tại các vùng nuôi trồng thủy hải sản. Thành phần hóa học chủ yếu của rong sụn là Carrageenan, đó là chất phụ gia tốt nhất trong công nghiệp chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, y dược./. 

Công Thử TTXVN/Vietnam+, 16/01/2014