Ngư dân với việc tránh trú trong mùa mưa bão
Mùa mưa bão đến gần, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các địa phương đang khẩn trương chuẩn bị các phương án cần thiết để ứng phó với bão, bão mạnh, siêu bão. Trong đó, ngư dân ven biển và tàu thuyền của họ là những đối tượng rất cần các cơ quan chức năng quan tâm nhiều hơn.
Tính đến phương án phòng, chống bão cấp 13
Trong bản đồ cảnh báo ngập lụt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và kịch bản của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam xây dựng, giai đoạn 2015-2020, địa bàn Bến Tre có thể bị bão cấp 13. Theo kịch bản dự báo, Bến Tre có thể xuất hiện bão đổ bộ vào đất liền cấp 12 - 13, trên biển gió mạnh cấp 15 - 16, mực nước dâng do bão khoảng 3,2m tại bờ biển của tỉnh, thời gian ngập do nước dâng từ 2 - 4 giờ, triều cường cao 3,2m, lượng mưa khoảng 300mm, ảnh hưởng trên phạm vi toàn tỉnh, cần sơ tán, di dời trên 261 ngàn người. Trong đó, các hộ sống ven đê, gần sông, khu vực các cồn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Đường bờ biển dài 65km của Bến Tre, cùng với gần 4 ngàn tàu cá và ngư dân sẽ chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Theo ông Nguyễn Khánh Hoan - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, kịch bản phục vụ công tác phòng tránh và khắc phục hậu quả sau bão đã được cơ quan này tính sẵn và có thể sử dụng trơn tru bất cứ lúc nào khi có bão xảy ra. Các lực lượng chính là quân đội, công an và dân quân địa phương. Từng bộ phận sẽ có nhiệm vụ rõ ràng, sẵn sàng làm các phần việc quan trọng như sơ tán dân tránh bão; đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, các công trình trọng điểm; đảm bảo an ninh trật tự, giao thông; duy trì thông tin liên lạc; dự trữ vật tư, lương thực thực phẩm và phương án huy động nguồn lực, phương tiện ứng phó trên cơ sở phối hợp với các ngành có liên quan và các huyện, thành phố trên địa bàn.
Rạch Eo Lói (Thạnh Phú) khá an toàn cho tàu thuyền neo đậu khi có bão.
Cũng theo ông Hoan, kịch bản phòng, chống lụt bão của tỉnh đã được hình thành trên cơ sở đặc thù địa phương và những bài học kinh nghiệm sâu sắc sau công tác phòng tránh những cơn bão đổ bộ vào Bến Tre và các trận siêu bão trên thế giới. Trong đó, kinh nghiệm từ 2 trận bão mạnh và gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh Bến Tre là bão Linda (cấp 11, năm 1997) và bão Durian (cấp 9, năm 2006) và bài học từ công tác phòng, chống bão của Chính phủ Philippines đối với siêu bão Haiyan (cấp 17, năm 2013).
“Những kinh nghiệm, điều kiện hạ tầng đầu tư thời gian qua của tỉnh sẽ giúp giảm nhẹ đến tối thiểu về mức độ thiệt hại của người dân khi có bão mạnh xảy ra trên địa bàn và đặc biệt là vùng ven biển. Tuy nhiên, mọi nỗ lực sẽ có thể không thu kết quả như mong đợi nếu bà con vùng bị bão lụt thiếu ý thức phối hợp với lực lượng chức năng và các kỹ năng tự bảo vệ mình khi bão sắp đến”, ông Hoan khẳng định.
Đảm bảo nơi tránh trú cho tàu, thuyền
Trong khi sông Bình Châu, huyện Bình Đại và vàm Eo Lói, huyện Thạnh Phú đã có nơi tránh trú bão khá an toàn cho khoảng 2 ngàn tàu, thuyền neo đậu khi có bão đến thì ngư dân Ba Tri lại đang phập phồng bởi dự án nạo vét rạch Bắc Kỳ ở xã An Thủy vẫn chưa triển khai.
Ngư dân huyện Ba Tri đang sở hữu gần 2 ngàn tàu đánh cá, chiếm khoảng 50% số tàu thuyền hiện có của tỉnh và hiện nay cơ bản là không có nơi tránh trú an toàn nếu có bão xảy ra. Trong đó, xã An Thủy là địa bàn chiếm số lượng nhiều nhất với hơn 600 tàu. Tuy nhiên, trên thực tế xã quản lý hơn 900 tàu cá. “Do rạch Bà Hiền vốn rất hẹp lại bị bồi đắp ngày càng cạn dần nên từ lâu cảng cá Tiệm Tôm cũng chật chội đối với tàu ra vào bán cá. Chúng tôi vận động bà con mua dừa cắm cọc ở ven cửa Hàm Luông cho tàu vô ra cảng cá dễ dàng hơn nhưng bà con không đồng tình. Cũng vì vậy, số lượng tàu về bán cá ở cảng chỉ khoảng 20%, số còn lại xuống các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang. Nếu mưa bão mạnh, chúng tôi cũng không biết sắp xếp tàu thuyền thế nào cho ngư dân được an toàn! Chúng tôi rất chờ đợi nạo vét rạch Bắc Kỳ”, ông Dương Văn Chương - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết.
Dự án nạo vét rạch Bắc Kỳ, ấp An Thạnh, An Thới xã An Thủy, dài 1.700m, chiều ngang 6m, thi công bằng tàu hút bùn trong thời gian 4 tháng và sử dụng nguồn vốn cấp bù thủy lợi phí năm 2015. Tuy đây là công trình chủ yếu phục vụ nuôi trồng thủy sản nhưng vẫn đảm bảo cho số lượng lớn tàu thuyền neo đậu khi có bão.
“Chúng tôi đã hoàn thành hồ sơ thiết kế: báo cáo kinh tế kỹ thuật, báo cáo tác động môi trường kế hoạch đấu thầu… đang trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Dự kiến, sẽ thực hiện trong tháng 7-2015”, ông Hồ Thới Mỹ - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre cho biết.