TIN THỦY SẢN

Người dân chủ quan với bão số 2

Nhiều người ở Hải Phòng chụp ảnh bên bờ biển chiều qua - Ảnh: P.H.S Hoàng Long - Bích Ngọc- Hải Sâm - Ngọc Minh

Trong khi hàng ngàn người đang phải di dời để tránh bão số 2 thì tại Hải Phòng, Quảng Ninh, nhiều người ra bờ biển hoặc ở lại đảo xa để đón bão, thậm chí, một số ngư dân ở Thanh Hóa còn muốn ra khơi.

Trưa hôm qua (23.6), khi gió đã mạnh lên, mưa bắt đầu lớn thì ở Đồ Sơn, Hải Phòng, nhiều người vẫn đứng chụp ảnh những con sóng cao ở ngay sát bờ kè. Thậm chí, vài gia đình còn đưa cả trẻ con ra bờ biển… xem bão.

Tại Cô Tô (Quảng Ninh) gió lớn, sóng biển đánh rất mạnh nhưng vẫn có khoảng 500 du khách ở lại đảo để… đón bão. Ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư Huyện ủy đảo Cô Tô, cho biết: số khách này đã biết có bão nhưng họ nói “muốn trải nghiệm cảm giác đón bão”.

Tại Hải Phòng: Q.Đồ Sơn chiều tối qua đã có gió cấp 7, giật cấp 8, nước biển dâng cao do bão kết hợp triều cường đã làm vỡ một đoạn kè tại khu 1 và gây ngập lụt. Q.Đồ Sơn đã lên phương án di dân đến các trường học, nhà cao tầng, UBND phường...

Huyện đảo Cát Hải đã di chuyển gần 1.800 dân lên các vùng đất cao.

Tại Nam Định: Chiều qua nhiều đoạn đê biển bị sóng tràn qua. Khoảng 14 giờ, khu vực đê phía trong bãi tắm Quất Lâm (TT.Quất Lâm, H.Giao Thủy) bị nước biển làm sạt lở khoảng 20 m. Lúc 15 giờ 30, nước dâng cao hắt qua mặt đê tại 2 điểm Gót Tràng, Cá Khoai thuộc TT.Thịnh Long, H.Hải Hậu. Tại Gót Tràng bị sập lở 150 m2 mái đá xây hai bên đường dốc từ đê biển xuống bãi.

Đến 17 giờ 30, Bộ đội biên phòng Nam Định cho biết toàn bộ 2.000 tàu thuyền với 11.200 ngư dân đã neo đậu an toàn. 50 người dân ở các lều nuôi hải sản tại cửa Ba Lạt (H.Giao Thủy) đã được đưa vào bờ.

Tại Thái Bình: 17 giờ 22 chiều qua UBND TP.Thái Bình đã tổ chức xong việc sơ tán dân tại 2 nhà chung cư xuống cấp của phường Quang Trung. Theo ông Nguyễn Hữu Rong, Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình, khó khăn lớn nhất là hiện có 3.700 ha mạ vừa gieo, 700 ha lúa mùa sớm vừa cấy. Nếu bão vào, nhiều khả năng diện tích này sẽ bị mất trắng. Chính vì vậy, trong hai ngày qua, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung huy động, chuẩn bị nhân lực, thiết bị, sẵn sàng bơm chống úng. Ngoài ra, phía ngoài đê biển có đến 2.100 ha ngao, khoảng 1.900 ha đầm bãi nuôi trồng thủy sản đều đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch có nguy cơ thiệt hại. Thái Bình có 64 km đê biển bị sóng đánh trực diện, trong đó có 2,7 km, đoạn chạy qua các xã Nam Hưng, Nam Phú (H.Tiền Hải), đang trong thời gian thi công nâng cấp.

Tại Thanh Hóa: Chiều tối qua vẫn còn nhiều tàu cá của H.Hậu Lộc neo đậu bên ngoài khu vực cửa biển, không chịu vào âu tránh trú bão. Thậm chí, nhiều chủ tàu còn muốn ra khơi khi biển động. Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ven biển phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng yêu cầu tất cả các ngư dân đang neo đậu tàu cá ở ngoài khu vực cửa biển vào sâu trong đất liền. Đặc biệt, không cho ngư dân ra khơi khi bão chưa tan.

Bão số 2 đổ bộ vào Hải Phòng

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, 20 giờ tối qua 23.6, bão số 2 đã đổ bộ vào các tỉnh Bắc bộ. Tâm bão đi vào địa phận Vĩnh Bảo - Tiên Lãng - Đồ Sơn (Hải Phòng) với cường độ mạnh cấp 8. Sau đó, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực vùng núi đông bắc. Vùng áp thấp này còn tồn tại trong ngày 24.6 trên lãnh thổ nước ta, sau đó di chuyển lên phía bắc đông bắc sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

“Chịu ảnh hưởng của tàn dư bão số 2, ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ trong 1-2 ngày tới còn có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Các tỉnh vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất”, ông Tăng nói. 

Quang Duẩn

 

Hoàng Long - Bích Ngọc- Hải Sâm - Ngọc Minh Thanh Niên