Người miền Tây nuôi lươn béo mập không cần bùn
Lươn nuôi không bùn theo tiêu chuẩn VietGap nặng 200-400g mỗi con, giá bán khoảng 170.000 đồng mỗi kg.
Với địa hình nhiều kênh rạch, An Giang có nhiều lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản, trong đó có lươn của tổ hợp tác xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Phước.
Gia đình ông Nguyễn Văn Đông nuôi lươn đã 10 năm nay. Thay vì nuôi trong bùn, ông xây các bể quây bằng gạch, bên trong lót bạt và lắp đặt hệ thống bơm, thoát nước. Với mỗi m2 mặt nước nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGap, ông có thể thu trên 30kg lươn thịt.
Ông Đông cho biết, giá bán khoảng 170.000 đồng mỗi kg, cao hơn cả giá lươn thường 10.000 đồng, bởi lươn khỏe, đồng đều và không tồn dư kháng sinh chăn nuôi.
Nuôi lươn không bùn không chỉ cho hiệu quả kinh tế, mà còn giảm bớt vất vả cho người nông dân. Để tạo môi trường gần giống với tự nhiên, người nuôi xếp khoảng 200 bao cát trong bồn tạo chỗ cho lươn chui, ẩn náu. Ở giữa hoặc bên cạnh bồn, đặt lưới sắt nổi trên mặt nước để cho lươn ăn hàng ngày.
Mỗi người nuôi huấn luyện cho lươn quen với giờ ăn riêng. Tại nhà ông Đông, buổi chiều mát là thời điểm cho lươn ăn. Thức ăn gồm cám, cá nấu chín, men tiêu hóa… xay nhuyễn và nắm thành cục lớn, sau đó thả vào bồn cho lươn rỉa.
Ông cho biết, hàng ngày cho lươn ăn, rọi đèn hoặc thay nước có thể quan sát rõ tình hình phát triển và sức khỏe của chúng. So với nuôi bùn, lươn bệnh, chết trong bùn rất khó phát hiện.
Ngoài ra, mật độ nuôi bể cao hơn nuôi bùn, có thể đạt đến 250 con mỗ m2. Lươn thu hoạch sạch sẽ, được thương lái ưa chuộng.
Thời gian đầu nuôi lươn chưa có kinh nghiệm, ông Đông còn để khoảng trống trong bể quá lớn, lươn không ra ăn, nhiều con ốm chết. Dần dần, ông rút ra tỷ lệ phối trộn thức ăn, khoảng trống phù hợp, thuận lợi. Hiện, ông Đông còn ươm bán cả lươn giống. Người nuôi và thương lái vào tận nhà đặt mua lươn giống lẫn lươn thịt.
Xử lý cho trứng lươn nở. Ảnh: Bizmedia
Nhận thấy tiềm năng từ nuôi lươn, nhiều đề tài nghiên cứu chuyển giao kỹ thuật nuôi, nhân giống được thực hiện nhằm hỗ trợ nông dân. Trong đó, có dự án “Xây dựng vùng nguyên liệu nuôi lươn không bùn theo tiêu chuẩn VietGAP” bắt đầu từ tháng 10/2016 tới tháng 3 2018 do Trung tâm Giống thủy sản An Giang thực hiện.
Mục tiêu của dự án là tạo được vùng nguyên liệu lươn không bùn 120 m2 đạt tiêu chuẩn VietGAP tại TP Long Xuyên, thị xã Tân Châu, huyện Châu Thành. Khi tạo dựng thành công vùng nguyên liệu lươn VietGAP tại An Giang, chuỗi sản xuất và tiêu thụ lươn sạch sẽ hình thành, đáp ứng phân khúc thị trường khó tính và nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Ông Đông là một trong những hộ tham gia dự án. Sau 14 tháng thực hành, đánh giá thường xuyên chất lượng nước, chất lượng lươn nuôi tuân thủ đúng quy trình, tháng 3/2018, ông được cấp chứng nhận về nuôi trồng thủy sản tốt VietGAP.
Ông Đông cho biết, nuôi VietGAP tiết kiệm được 1/3 tiền thuốc, thay vào đó dùng muối và hạn chế kháng sinh, đồng thời tiết kiệm được cả chi phí thức ăn khi phối trộn đúng và đủ lượng.