TIN THỦY SẢN

Người nuôi cá cần làm gì trong mùa mưa lũ

Bảo vệ thủy sản nuôi trong mùa mưa lũ. Hình minh họa TH

Sau đây là những biện pháp phòng bệnh bảo vệ sức khỏe đàn cá trong mùa mưa lũ.

Quản lý sức khỏe cho cá trong mùa mưa lũ

Sự thay đổi thất thường về nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa trong mùa mưa lũ là một trong những nguyên nhân làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và phát tán, đồng thời gây nên các hiện tượng sốc môi trường cho thủy sản, mầm bệnh có nhiều cơ hội xâm nhập gây bệnh.

Do đó, phải đảm bảo được môi trường ao nuôi thủy sản trong sạch như thường xuyên sử dụng bột đá, vôi bột, vôi nước bón định kỳ cho ao nuôi, liều lượng tùy theo đối tượng nuôi để diệt vi khuẩn, dịch mầm bệnh.

Hạn chế thay nước cho ao trong thời điểm nước dâng đầu mùa và nước rút cuối mùa do lúc này nguồn nước thường bị ô nhiễm từ nước sinh hoạt, nước có nhiều dư lượng thuốc BVTV trên ruộng... và tránh gây xáo động trong môi trường nuôi.

Quan sát tình trạng cá bơi lội trong ao, không bỏ qua bất kỳ dấu hiệu lạ nào bởi đó có thể là dấu hiệu của các bệnh trong giai đoạn đầu. Đối với ao nuôi sau mỗi lần thay nước phải xử lý nước bằng cách tạt vôi bột, với liều lượng 3 kg/m3 nước.

Cách tốt nhất là cần tăng cường sức đề kháng cho cá bằng cách bổ sung vitamin C trộn vào thức ăn cho tôm cá ăn hàng ngày với liều lượng khác nhau sao cho phù hợp với mỗi loại vật nuôi.

Có thể bổ sung thức ăn được lên men ủ với mùi kích thích khả năng ăn ngon, ăn nhiều và giúp tăng cường tiêu hóa và bảo vệ đường ruột cho cá.

Trong quá trình điều trị các bệnh xuất hiện trong mùa mưa lũ, men ủ thức ăn cho cá hỗ trợ để trộn cùng với các loại thuốc cho cá ăn giúp làm tăng sức đề kháng chống lại các bệnh.

Men ủ thức ăn còn giúp tiết kiệm chi phí thức ăn còn 80%, nhưng vẫn đảm bảo đàn cá tăng trọng bình thường.

Thiết kế,  củng cố ao hồ.

Nuôi thủy sản ở các vùng ao hồ, vùng trũng khác nhau thì cần các cách phòng trong mùa mưa lũ sao cho phù hợp để tránh thất thoát, thiệt hại.

Các ao nuôi cá ở vùng úng trũng thường bị ảnh hưởng khi lũ về. Bởi vậy, điều quan trọng là cần củng cố hệ thống bờ ao, bờ cống, có chiều cao hơn mức nước cao nhất ít nhất 0,4- 0,5m trở lên.

Đặt cống để chủ động xả nước trong ao, đề phòng nước tràn bờ và hệ thống lưới để chắc chắn nước dâng cao, cá sẽ không theo dòng nước thất thoát. Khi mưa lũ xảy ra, phải tiến hành kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi để ổn định môi trường, điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết.

Đối với nuôi cá hồ chứa thì nên vệ sinh tẩy dọn lồng sạch sẽ để đảm bảo nước lưu thông nhanh và môi trường trong sạch, vi khuẩn không có điều kiện để phát triển. Bà con cần quan tâm đến các lồng nuôi cá để tránh cho lồng bị nước cuốn trôi hoặc hỏng hóc các lồng.

Đối với nuôi thủy sản lồng bè thì trước mùa mưa lũ cần kiểm tra lại lồng bè, tu sửa lại những chỗ xung yếu, các dây neo, tìm vị trí an toàn để di chuyển lồng, bè vào những nơi kín gió, dòng chảy nhẹ để tránh khi bão gió lớn xô đẩy làm vỡ lồng, bè.

Nuôi cá ruộng lúa: khi cá đạt kích cỡ thương phẩm thì tranh thủ thu hoạch, tránh thất thoát sản phẩm khi có bão, lũ xảy ra. Trong trường hợp cá chưa đạt cỡ thu hoạch thì phải có phương án phòng tránh lũ lụt như gia cố lại bờ, bờ bao chắc chắn không rò rỉ và cao hơn mực nước cao nhất 0,5m để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi bố trí nhiều cống thoát nước, mương thoát nước, đặt lưới ni lon vây quanh khu vực nuôi và thường xuyên kiểm tra hệ thống cống, bờ vùng, dọn sạch đăng, mương rãnh để nước thoát nhanh; chuẩn bị máy bơm tiêu úng khi cần thiết. Phương án phòng tránh lũ lụt cần phải được tính toán cho cả vùng nuôi.

TH Báo Vĩnh Long