Người nuôi cá nên tuân thủ khuyến cáo của nhà chuyên môn
Những ngày qua, nhiều hộ nuôi cá bè trên sông La Ngà (địa bàn huyện Định Quán) điêu đứng bởi cá chết hàng loạt. Tất cả vốn liếng, công sức đầu tư vào vụ cá trở thành công cốc, nhiều ngư dân đã trở thành những con nợ lớn.
Trước đây cá bè trên sông Đồng Nai được hàng trăm ngư dân ở các phường, xã: Tân Mai, Thống Nhất, Hiệp Hòa, Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) nuôi thả kín một khúc sông và tình trạng cá chết cũng hay xảy ra. Ngày đó, người ta “đổ lỗi” cho nước thải của một nhà máy, rồi buộc công ty này phải khắc phục, hỗ trợ... Đành rằng, nước thải của nhà máy này cũng là một phần nguyên nhân. Nhưng khi nhà máy này không còn tồn tại ở đây, không còn nguồn nước xả thải, cá bè nuôi ở khu vực này vẫn... tiếp tục chết, nhiều người mới biết còn nguyên nhân khác nữa.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng cá bè thường xuyên chết hàng loạt? Làm cách nào để không tái diễn tình trạng này? Đó là những câu hỏi đã được nhiều người đặt ra lâu nay.
Tôi có nhiều năm theo dõi lĩnh vực môi trường và cũng từng theo dõi nhiều vụ cá làng bè chết hàng loạt. Tôi nhận thấy nguyên nhân của mọi nguyên nhân trong những vụ cá chết chính là việc không tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng về mật độ và giãn bè với khoảng cách hợp lý. Ghi nhận tình trạng cá chết qua nhiều năm thấy rằng, cá chết chủ yếu lập lại vào thời điểm giao mùa giữa mùa nắng và mưa. Theo các chuyên gia môi trường, mùa nắng, mực nước thấp và sự lưu chuyển của dòng nước hạn chế, vì thế việc cung cấp oxy hòa tan cho cá không dồi dào, nếu lúc này lượng cá nuôi với mật độ cao thì tình trạng cá chết do thiếu oxy là rất dễ xảy ra. Thứ nữa, khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống, nước mưa mang theo tất cả các loại tạp chất, chất thải từ các nơi đổ xuống sông dẫn đến tình trạng nước bị ô nhiễm cục bộ, đây cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết.
Thực tế cho thấy, đến khi UBND TP.Biên Hòa tổ chức quy hoạch 2 khu vực nuôi cá bè trên sông Đồng Nai là xã Hiệp Hòa, phường Long Bình Tân và chỉ cho mỗi hộ ngư dân được nuôi 1 lồng bè với số lượng cá phù hợp với kích cỡ tiêu chuẩn, thực hiện đúng quy định khoảng cách giữa các bè; đồng thời kiên quyết cưỡng chế giải tỏa tất cả các bè nuôi phụ, nuôi chui để bảo đảm lượng bè vừa đủ an toàn cho việc khoanh nuôi thì từ đó đến nay cá không còn chết nữa.
Từ chuyện làng cá bè trên sông Đồng Nai nghĩ về làng bè trên sông La Ngà, nếu ngư dân tuân thủ các quy định trong khoanh nuôi, dù sự cố xảy ra, thiệt hại cũng không quá nặng nề. Năm nào cơ quan chức năng cũng khuyến cáo ngư dân nuôi số lượng cá với mật độ phù hợp với kích cỡ bè, hạn chế số lượng bè nuôi phát sinh, cho lượng thức ăn vừa phải để vừa tiết kiệm, vừa tránh gây ô nhiễm nước... nhưng nhiều ngư dân đã không tuân thủ dẫn đến cá ở điều kiện môi trường nước bình thường, sức đề kháng cũng đã yếu nên khi có sự thay đổi môi trường nước vào thời điểm giao mùa hoặc nước bị ô nhiễm nhẹ, cá đã chết hàng loạt.
Từ sự cố cá làng bè La Ngà chết, tôi cho rằng Nhà nước nên tổ chức quy hoạch lại số lượng lồng nuôi ở làng bè này và đề nghị bà con tuân theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, nếu không tuân thủ, khi xảy ra cá chết vì những nguyên nhân chủ quan như nuôi nhiều, nuôi dày... thì Nhà nước sẽ không hỗ trợ. Việc này nhằm nâng cao ý thức của các hộ ngư dân trong việc khoanh nuôi an toàn, tránh thiệt hại nặng nề do những nguyên nhân chủ quan.