TIN THỦY SẢN

Người nuôi cá tra bị đẩy ra khỏi “cuộc chơi”?

4/25 doanh nghiệp tổ chức sản xuất luôn con giống, nhằm khép kín cả chuỗi giá trị trong sản xuất cá tra. Minh Hiển

Với phương thức khép kín quy trình của chuỗi sản xuất cá tra (từ khâu nuôi cho đến chế biến xuất khẩu), nhiều người cho rằng, doanh nghiệp (DN) chế biến đang đẩy những người góp sức tạo nên “kỳ tích” cá tra ra khỏi nghề nuôi một thời lừng lẫy...

Giành quyền chủ động

Nếu năm 2012, toàn tỉnh có 1.579 hộ nuôi cá tra xuất khẩu thì nay chỉ còn 634 hộ. Tính toàn vùng ĐBSCL (từ năm 2000 đến nay), có đến hàng chục ngàn hộ ngư dân phải đành treo ao, bỏ nghề. Nguyên nhân do doanh nghiệp muốn giành quyền chủ động, quyền định đoạt giá mua nguyên liệu ở thị trường nội địa và giữa ngư dân với DN chưa có tiếng nói chung.

Từ năm 2007 trở về trước, khi DN ký được hợp đồng xuất khẩu cá tra vào các thị trường Mỹ, EU, ASEAN… việc thu gom nguyên liệu trong nước để thực hiện đơn hàng đã ký gặp nhiều khó khăn. Có thời điểm ngư dân giữ cá chờ giá (không chịu bán), trong khi hợp đồng xuất khẩu đã đến thời điểm giao hàng, buộc DN phải mua cá của ngư dân với giá cao. Ngược lại, khi ngư dân nuôi nhiều (cung vượt cầu), doanh nghiệp lại làm khó ngư dân (mua cá với giá thấp, thanh toán chậm trong vòng 3 tháng). Tình trạng “ bẻ kèo” qua lại lẫn nhau là chuyện bình thường. 

“Nếu doanh nghiệp xây dựng vùng nuôi là để chủ động về nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, dành quyền chủ động trong đàm phán giá là đúng, thì nói doanh nghiệp đang đẩy ngư dân ra khỏi “cuộc chơi” cũng không sai, bởi khép kín quy trình thì ngư dân sẽ đứng đâu, trong khi chính họ là người góp phần rất quan trọng cho thành công của ngành công nghiệp cá da trơn trong thời gian qua”- ông Trần Anh Dũng, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, nói.

Nhìn lại mối liên kết giữa DN và ngư dân cho thấy, khi giá cá nguyên liệu ở mức cao, doanh nghiệp lại “giở trò” bắt cá nhà để sản xuất. Cá trên thị trường rớt xuống mức người nuôi thua lỗ, doanh nghiệp trở lại mua cá của ngư dân. Chính việc không tôn trọng lẫn nhau là hậu quả của cuộc chia tay.

Cả hai đều thiệt

Ngư dân không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ nhà máy nên việc nuôi cá tra rất bấp bênh, thua lỗ là cầm chắc (thực tế đã chứng minh). Đối với DN, để xây dựng được vùng nuôi thì chi phí phải bỏ ra cũng không nhỏ. Bình quân mỗi héc-ta mặt nước, DN phải đầu tư khoảng 1,7 tỉ đồng, trong đó chưa kể chi phí xây dựng các tiêu chuẩn, chứng nhận  quốc tế như ASC, GlopalG.A.P, ISOO, HACCP… Đồng thời, phải tổ chức một bộ máy để quản lý vùng nuôi, điều này chưa kể đến vấn đề rất phức tạp hiện nay là kiểm soát thức ăn sao cho không bị thất thoát, bởi đã có tình trạng công nhân vùng nuôi ăn cắp thức ăn bán ra bên ngoài. Bộ máy phình to, chi phí tăng cao, sức cạnh tranh của sản phẩm sẽ kém đi là điều dễ hiểu.

Chính phủ đang khuyến khích nông dân và DN đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình HTX hoặc Tổ hợp tác. Song, những gì đã diễn ra trong chuỗi sản xuất cá tra hiện nay lại đi ngược với chủ trương trên và thiệt hại về hai phía là điều không tránh khỏi. “Để duy trì được sản xuất, DN buộc lòng phải đầu tư vùng nuôi, mặc dù công việc này rất tốn kém. Chúng tôi đành phải chịu chứ không có cách nào khác, khi mối liên kết giữa bốn nhà còn rời rạc như hiện nay”- Giám đốc một một DN, nói.

Thời gian qua, nếu nói “bội tín” là nguyên nhân dẫn đến doanh nghiệp loại nông dân ra khỏi cuộc chơi thì Nhà nước cần thể hiện vai trò “trọng tài” của mình trong liên kết bốn nhà. Cần xử thật nghiêm những ngư dân và DN “bẻ kèo” để răn đe cả hai phía. Chính ngư dân là người góp phần làm nên “kỳ tích” của con cá tra ngày hôm nay, giờ đây doanh nghiệp mới được hưởng thành quả, vì vậy đừng để ngư dân tiếp tục rời “cuộc chơi” trong thời gian tới.

Minh Hiển Báo An Giang, 29/04/2014