TIN THỦY SẢN

Người nuôi cá tra không nên "ngủ quên trên chiến thắng"!

Cá tra giống vẫn khan hiếm, giá cá nguyên liệu đứng ở mức cao nhưng người nuôi không có vốn để tái đầu tư Thốt Nốt

Ngày 18-2, tại TP Long Xuyên, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019.

Tại đây, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết địa phương chỉ có khoảng 120 ha diện tích nuôi cá tra nhưng có đến 93 hộ nuôi cá thương phẩm và 30 hộ tham gia nuôi cá giống ở dạng nhỏ lẻ nên khó tiếp cận vốn. Các hộ nuôi chưa chịu tham gia liên kết với doanh nghiệp hoặc tham gia vào HTX.

Ông Trần Hoàng Tựu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết hiện Vĩnh Long cũng chỉ có vỏn vẹn khoảng 500 ha diện tích nuôi cá tra. Trong suốt từ năm 2005 đến năm 2016, địa phương này cũng có nhiều người dân và doanh nghiệp lâm vào cảnh phá sản do lỗ lã. Do đó, cho dù giá cá đang đứng ở mức cao nhưng nhiều hộ dân chỉ biết tiếc nuối vì không còn vốn tái đầu tư. 

"Vấn đề nan giải cho Vĩnh Long hiện nay là thiếu nguồn lao động có tay nghề tại các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu vì nhiều người đã chuyển đổi nghề khác để kiếm sống. Thậm chí, có lúc chúng tôi kêu gọi 3.000 lao động vào làm việc cho các doanh nghiệp cũng không thể tìm đâu ra. Dứt khoát không để nuôi tự phát và tổ chức sản xuất hài hòa từ khâu nuôi, chế biến, xuất khẩu. Đề nghị Bộ NN-PTNT cần sớm ban hành quy định về điều kiện sản xuất con giống để góp phần ổn định tình hình"- ông Tựu kiến nghị.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định cách nay 4 năm, khi An Giang đăng cai tổ chức hội nghị ngành hàng cá tra, nhiều nhà khoa học trở nên buồn bã rồi muốn quay lưng con cá tra vì trong bối cảnh tình hình hết sức ảm đạm. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp cứ muốn chạy đua về số lượng nên thực hiện mạ băng trên miếng phi lê trong khi không chủ động được nguồn nguyên liệu do thiếu con giống. Trong khi đó, các địa phương cũng muốn buông xuôi trong khâu quy hoạch và quản lý quy hoạch.

"Hiện nay chúng ta có rất nhiều cơ hội do có tín hiệu vui từ những thị trường lớn cùng với việc Trung Quốc cấm khai thác đánh bắt thủy sản. An Giang là tỉnh được Chính phủ chọn làm điểm thực hiện đề án giống cá tra 3 cấp nhưng cũng khó đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi cho toàn vùng cho dù đã có nhiều doanh nghiệp lớn cùng tham gia. Thị trường có tín hiệu tốt nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giống như lúa gạo hay thanh long. Do đó, các địa phương cần đa dạng hóa sản phẩm để giảm bớt áp lực cho cá tra"- ông Thư kiến nghị

Ông Võ Hùng Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam, cho biết năm 2018, giá cá tra nguyên liệu dùng cho chế biến đều đạt rất tốt trong lịch sử ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam. Nhiều người nuôi cũng đã khá hơn vì có thể kiếm vài tỉ đồng đến cả trăm tỉ đồng sau một vụ thu hoạch. Các doanh nghiệp cũng đã đầu tư mở rộng từ khâu nuôi đến chế biến. Kết quả này là do Bộ NN-PTNT cùng chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt vào chỉ đạo phát triển con giống, kiểm soát tốt về môi trường nuôi, ngoại trừ tỉnh Long An là để xảy ra việc mở rộng diện tích lớn ngoài quy hoạch.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, chỉ đạo các doanh nghiệp phải liên kết chặt chẽ với nhau để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, còn các địa phương không để người dân thả nuôi tự phát khi thấy giá cá đang đứng ở mức cao. "Chúng ta có cơ sở vững chắc để đặt mục tiêu cao hơn nữa trong năm 2019 với phương châm là được không chủ quan, không "ngủ quên trên chiến thắng" với các nhóm giải pháp để củng cố kết quả đạt được một cách chắc chắn vì ngành hàng này vốn nhiều rủi ro từ thời tiết cho đến thị trường"- ông Cường khẳng định.

Thốt Nốt Báo Lao Động