TIN THỦY SẢN

Người nuôi thủy sản điêu đứng vì môi trường ô nhiễm

Người nuôi cá ở xã đảo Long Sơn chán nản nhìn cá chết hàng loạt. LÊ ANH TUẤN

Sông, hồ ô nhiễm. Cá, tôm chết trắng lồng. Những món nợ tiền tỷ vay ngân hàng, vay người thân lơ lửng trên đầu, khiến cuộc sống của không ít hộ nuôi trồng thủy sản ở xã đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, rơi vào bế tắc...

Cá chết trắng mặt lồng

Trưa 9-9, tại nhiều lồng nuôi cá trên sông Chà Và của bà con ngư dân xã đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu, cá chết trắng hàng loạt. Anh Nguyễn Văn Tâm, mất trắng năm lồng cá, bức xúc: "Tôi nuôi năm lồng, khoảng sáu nghìn con, gồm hai loại cá chim và cá bớp. Nếu không có gì thay đổi, gần Tết sẽ xuất bán. Vậy mà không ngờ...". Còn theo chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, chỉ sau một đêm, hơn ba nghìn con cá của gia đình đều chết trắng, tình trạng này đã liên tục xảy ra trong những năm gần đây khiến người nuôi cá thiệt hại hàng tỷ đồng. Trước đó, vào tháng 6-2012, cũng trên địa bàn xã đảo Long Sơn, người nuôi cá trên sông Rạng cũng điêu đứng vì tình trạng cá chết. Theo bà Lê Thị Kim Cúc, một chủ bè nuôi cá trên sông Rạng cho biết, đầu tháng sáu năm nay, hàng loạt bè cá trên sông Rạng bị chết khiến người nuôi cá hết sức hoang mang, thiệt hại về vật chất là rất lớn. Còn ông Nguyễn Văn Hoàng, một chủ bè cá quy mô lớn cũng hết sức bức xúc: "Tình trạng ô nhiễm môi trường đã khiến cá, tôm ở đây chết hàng loạt. Có đợt, chỉ hơn một ngày, toàn bộ 50 tấn cá thịt chuẩn bị thu hoạch và 165 nghìn cá giống một tuần tuổi của gia đình tôi đã bị chết trắng, mất cả chục tỷ đồng".

Với hơn 250 lồng, bè nuôi cá và 350 ha mặt nước nuôi hàu, xã Long Sơn (TP Vũng Tàu) là một trong những xã giàu của tỉnh. Theo thống kê, hai phần ba số dân trong xã sống bằng nghề nuôi trồng thủy hải sản, số còn lại tham gia vào các dịch vụ liên quan. Trước đây, thu nhập của các hộ nuôi trồng thủy sản tương đối ổn định. Nhiều hộ đầu tư lớn đã trở thành triệu phú, tỷ phú, với thu nhập hằng năm, trừ chi phí, cả tỷ đồng. Nhưng giờ đây, người nuôi cá trong vùng đang buồn so do những khoản nợ đến kỳ chưa thể thanh toán được.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, không ít lần người nuôi cá trên sông kiến nghị các cơ quan chức năng về tình trạng cá chết hàng loạt cũng như những thiệt hại mà người nuôi đang phải gánh chịu nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Một số chủ bè cá như ông Lương Văn Hà, Lý Bửu Hồi, Lê Văn Lợi... đã phải dời bè nuôi qua các khu vực ít ô nhiễm hơn, nhưng xem ra giải pháp này không mấy hiệu quả. Một chủ bè cho biết, giai đoạn này là thời điểm chuẩn bị thu hoạch, người nuôi đã dồn hết vốn liếng đầu tư, do vậy, khi cá chết, các chủ bè gần như trắng tay.

Sông, rạch ô nhiễm nghiêm trọng

Ðầu tháng 6-2012 vừa qua, khi tình trạng cá chết trắng hàng loạt trên sông Rạng, Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá thiệt hại của các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cũng vào cuộc điều tra, khảo sát tình hình ô nhiễm nguồn nước tại tuyến sông Chà Và, sông Rạng, và sông Rạch Ván... Kết quả cho thấy, tình trạng ô nhiễm đều diễn ra hết sức nghiêm trọng. Sông Rạch Ván có hàm lượng Ni-tơ A-mô-ni vượt hàng chục lần cho phép, hàm lượng ô-xy hòa tan thấp hơn nhiều lần giá trị quy chuẩn (nguồn nước tại vị trí quan trắc không có ô-xy hòa tan). Các tuyến sông khác đều xảy ra tình trạng tương tự. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Văn Sâm, tại vị trí khu vực rạch Xóm Mới, rạch Ngọn Ông Mén, gần điểm xả thải của một số nhà máy chế biến hải sản của xã Tân Hải, huyện Tân Thành, kết quả quan trắc cho thấy hàm lượng ô-xy hòa tan thấp hơn giá trị cho phép, nước bị ô nhiễm các chất hữu cơ, đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến cá chết.

Theo nhiều hộ nuôi cá lồng bè ở Long Sơn, nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt trong những ngày qua là do các nhà máy chế biến hải sản ở Tân Hải xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường làm cho nước sông bị ô nhiễm. Nhiều loại cá tự nhiên trên sông như cá nâu, bạch tuộc... cũng chết. Một hộ nuôi cá khẳng định, từ khi có các nhà máy chế biến hải sản hoạt động tại khu vực này, năm nào người nuôi cá cũng bị thiệt hại. Riêng khu vực sông Rạng, môi trường xấu đến mức không thể nuôi được hàu, người nuôi phải đến vùng bến Ðiệp gần cửa biển mới hy vọng trụ được với nghề.

Trên thực tế, tình trạng ô nhiễm nguồn nước các sông, rạch trên địa bàn xã đảo Long Sơn do các cơ sở chế biến thủy sản tập trung tại xã Tân Hải đã diễn ra nhiều năm trở lại đây. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở này vào các khu chế biến hải sản tập trung. Tuy nhiên, việc di dời chưa thể một sớm, một chiều thực hiện được. Và, nếu các cấp chính quyền không nỗ lực giám sát việc xả thải tràn lan của các cơ sở chế biến hải sản này, thì người dân xã đảo Long Sơn nói riêng và người nuôi cá lồng bè trên các tuyến sông, rạch trong vùng nói chung vẫn tiếp tục gánh chịu những thiệt hại nặng nề, không đáng có.

LÊ ANH TUẤN báo Nhân Dân