TIN THỦY SẢN

Người nuôi tôm cá Hà Tĩnh giằng néo lồng bè, gia cố bờ "đón" bão

Lãnh đạo UBND xã Thạch Long (Thạch Hà) kiểm tra hồ nuôi tôm xóm Đông Hà 2 vào trưa 29/8 Thu Phương – Thái Oanh

Bão Podul (cơn bão số 4) đang tiến nhanh vào phía đất liền. Hiện, người nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh đang tranh thủ thời gian, khẩn trương triển khai các phương án đảm bảo an toàn hồ nuôi, hạn chế các thiệt hại xảy ra.

Từ sáng nay, trên 70 hộ nuôi cá lồng bè xã Thạch Sơn (Thạch Hà) đã túc trực chuẩn bị vật dụng cần thiết để giằng néo lồng bè, tránh tình trạng bão lớn kéo lồng bè trôi sông. Theo đó, cha con ông Hồ Duy Sáng (xóm Sông Hải) đã tất bật đi mua dây dù, đóng cọc sâu 1,5m xung quanh bè nuôi.


Người nuôi cá lồng bè Thạch Sơn đóng cọc, dùng dây dù giằng néo lồng nuôi. Các gia đình tập trung lực lượng, đảm bảo an toan cho khu vực lồng nuôi trên sông.

Ông Sáng cho biết: “Của cải cả gia đình đổ cả vào đấy, mưa bão đến chúng tôi rất lo lắng. Đến 10h sáng nay, 8 lồng nuôi với trên 1.000 con cá chẽm đang đến độ thu hoạch đã được giằng néo chắc chắn”.

Theo người dân xóm Sông Hải, hiện cống bara Đò Điệm đã mở, từ nay đến khi bão tan, họ sẽ huy động nhân lực, “canh” lồng bè 24/24h. Một mặt, tăng cường giằng néo lồng bè khi sức nước, sức gió lớn lên, mặt khác, thường xuyên trục vớt bèo tây, tránh trường hợp bèo vây kín lồng làm cá chết do thiếu ôxy.

Thời điểm này, người nuôi tôm thôn Đông Hà 2, xã Thạch Long (Thạch Hà) cũng đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão lụt. Ông Phan Tố Hoài – Chủ tịch UBND xã Thạch Long cho biết: “Các mô hình nuôi tôm trên địa bàn hiện đang bước vào vụ thu hoạch hoặc vừa thả lứa mới, do đó, công tác phòng chống an toàn hồ nuôi cực kỳ quan trọng.

Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, chính quyền địa phương đã thành lập các đoàn công tác trực tiếp xuống các hộ nuôi để nắm bắt tình hình, tư vấn, hướng dẫn các biện pháp đảm bảo an toàn. Bên cạnh gia cố bờ bao, hạn chế sạt lở thì việc chuẩn bị máy phát điện, máy sục khí chạy bằng dầu điezen trong trường hợp mất điện (khi bão đổ bộ) là việc làm cần thiết".


Ông Nguyễn Tiến Dũng (xóm Đông Hà 2 - xã Thạch Long) kiểm tra hệ thống máy sục khí trong hồ nuôi

Không chỉ Thạch Hà, hiện tại, người nuôi trồng thủy sản tại TP. Hà Tĩnh cũng đang tất bật ứng cứu hồ tôm. Anh Nguyễn Văn Hòa – xóm Liên Hà, xã Thạch Hạ cho hay: “Chúng tôi vừa thả nuôi lứa tôm mới. Thông tin bão đổ bộ trực tiếp vào Hà Tĩnh khiến gia đình rất bất an. Hiện tại, chúng tôi tăng cường nhân lực, thay nhau bám nắm hồ nuôi để chăm sóc tốt nhất cho tôm; bổ sung viatmin vào thức ăn để giúp tôm tăng sức đề kháng. Trường hợp bão vào, mất điện, sẽ thực hiện ngay các biện pháp tạo khí cho tôm”.


Các hộ nuôi tăng cường thời gian sục khí để cung cấp ôxy và tránh hiện tượng phân tầng nước ao nuôi

Theo ghi nhận, hiện nay các vùng nuôi trồng thủy sản trên toàn tỉnh như: Cẩm Dương, Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên); Xuân Phổ, Xuân Hải, Cương Gián (Nghi Xuân); Kỳ Thọ, Kỳ Thư, Kỳ Hà (Kỳ Anh)... đều đang nỗ lực đảm bảo an toàn cho hồ nuôi.

Thực hiện gia cố lại bờ bao, sửa chữa, giằng néo lại chòi canh và các công trình phụ trợ khác; kiểm tra các chỉ số môi trường, sử dụng các chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nước cho tôm; tăng cường thời gian sục khí để cung cấp ôxy và tránh hiện tượng phân tầng nước ao nuôi; kiểm tra lại hệ thống điện để đảm bảo an toàn khi có gió bão...

Thu Phương – Thái Oanh Báo Hà Tĩnh