Người nuôi tôm Sóc Trăng tiến hành liên kết dịch vụ đầu vào
Năm 2016, Ngành NN&PTNT Sóc Trăng có bước tập trung lớn cho nghề nuôi tôm nước lợ thông qua các quy trình kỹ thuật nuôi an toàn và tạo mối liên kết giữa người nuôi tôm với các doanh nghiệp.
Công ty thủy sản sạch Sóc Trăng đã ký kết tiêu thụ tôm thương phẩm với 8 HTX, THT ở vùng nuôi tôm huyện Mỹ Xuyên. Giải pháp liên kết là ưu đãi về giá và người nuôi cam kết nuôi tôm an toàn. Mối liên kết này vừa tạo vùng nguyên liệu sạch cho nhà máy, vừa quyết định đến quy trình nuôi an toàn sinh học, không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm trong nuôi tôm.
Hiện nay Sở NN&PTNT đang vận động các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào cho nghề nuôi thủy sản trực tiếp ký kết cung ứng cho hộ nuôi thông qua các THT, HTX nuôi thủy sản. Sự liên kết này nhằm làm giảm chi phí đầu vào, chất lượng tôm giống, thuốc thú y thủy sản, thức ăn nuôi tôm đảm bảo hơn, bởi doanh nghiệp phân phối trực tiếp đến hộ nuôi, giảm chi phí trung gian và người nuôi giảm một phần chi phí đầu vào.
Ao nuôi của HTX Nông ngư 14-10 Bình Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên
Tại HTX nông ngư 14-10 Bình Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, Sở NN&PTNT đã có những cuộc đối thoại với người nuôi tôm, với HTX để tìm phương thức giao dịch hợp lý nhất, để đi đến ký kết trực tiếp với HTX. Người nuôi tôm sẽ được đảm bảo chất lượng con giống do Công ty Tôm giống Nam miền Trung cung cấp, được cung cấp vi sinh trả sau, được cán bộ kỹ thuật chuyển giao quy trình nuôi tận ao. Tiến sĩ Trần Đình Luân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Ngành Nông nghiệp tiếp tục bàn với hộ nuôi tôm về đầu vào, mời các đơn vị cung cấp giống, thức ăn, vi sinh, quan trọng hơn nữa là cam kết với nhà máy là sản phẩm sạch. Chúng tôi chọn hộ để thử nghiệm tại HTX mô hình nuôi áp dụng vi sinh và nuôi sạch để chúng ta có sản phẩm sạch cung cấp cho nhà máy như chuỗi liên kết đã đề ra”.
Sản phẩm vi sinh STBicilli do Trung Tâm Quan trắc Tài nguyên & Môi trường, thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường Sóc Trăng sản xuất, sẽ được chuyển giao cho nông dân, gắn với quy trình kỹ thuật nuôi tôm không sử dụng thuốc, hóa chất kháng sinh. Ngay trong tháng 10/2016, Ngành Nông nghiệp sẽ tiến hành nuôi thực nghiệm ở 7 ao trong HTX và vụ nuôi năm 2017 toàn bộ gần 14 ha của HTX sẽ đồng loạt sử dụng với sự chuyển giao trực tiếp của Trung Tâm Khuyến nông và Trung Tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng. Tiến sĩ Trần Đình Luâ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết thêm: “Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông phải làm đúng chức năng của mình. Chi cục Chăn nuôi Thú y, Chi cục Quản lý chất lượng, các đơn vị chức năng phải giúp đỡ toàn bộ chuỗi liên kết này cho hộ nuôi, làm sao bà con có quy trình tốt nhất làm ra sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu thị trường, xây dựng thương hiệu của Sóc Trăng đó là tôm sạch”.
Cán bộ tư vấn hộ nuôi tôm áp dụng vi sinh và nuôi sạch theo chuỗi liên kết
Đây là bước chuyển biến rất quan trọng đối với nghề nuôi tôm nước lợ ở Sóc Trăng, hình thành chuỗi giá trị sản xuất tôm đã được ngành triển khai bằng sự liên kết cụ thể từ vật tư đầu vào đến tôm thương phẩm, nhiệm vụ của ngành, của doanh nghiệp đã được cụ thể hóa, người nuôi tôm đồng tình cao.
Giải pháp giúp người nuôi tôm nước lợ thành công không dừng lại ở việc cải tiến quy trình, ứng dụng công nghệ tiên tiến, mà còn tính đến phương thức liên kết cung ứng dịch vụ đầu vào, liên kết bao tiêu sản phẩm, hình thành chuỗi liên kết càng hoàn thiện thì người nuôi tôm sẽ có nhiều lợi ích hơn. Dự án nâng cao chuỗi giá trị tôm bền vững sẽ làm thay đổi tư duy sản xuất tôm nước lợ tại Sóc Trăng trong thời gian tới./.