TIN THỦY SẢN

Người nuôi tôm vẫn “cô đơn” khi tìm, chọn mua con giống

Giống tôm thẻ chân trắng trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu. Ảnh: T. PHONG Tâm Huệ (Thực Hiện)

Đó là nhận định của bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thiếu con giống nhưng các cơ sở tại chỗ không thể đáp ứng nhu cầu, người dân phải mua giống tôm nơi khác. Câu chuyện không còn mới nhưng vẫn tiếp diễn nhiều năm qua. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục thủy sản nêu giải pháp:

Trước tiên, người nuôi phải kết nối với nhau, chọn được người uy tín để làm đại diện liên hệ với các cơ sở cung cấp con giống uy tín, chất lượng và đến tận nơi để kiểm tra quy trình sản xuất con giống. Khi đã chọn được cơ sở đảm bảo yêu cầu mới đặt hàng cho người nuôi. Cách này loại bỏ được tình trạng “bán gì mua đó” như lâu nay.

Làm được điều này cũng đồng nghĩa với hình thành được chuỗi cung cấp con giống trong nuôi trồng thủy sản mà cụ thể là giống tôm sẽ không còn là vấn đề “biết rồi, nói mãi” của ngành thủy sản.

Nghe có vẻ “đơn giản” nhưng sao nhiều năm qua, giải pháp như vừa nêu vẫn chưa được thực hiện, thưa bà?

Với vai trò là cơ quan chuyên môn, chúng tôi đã tham mưu và không ít lần về các địa phương để hướng dẫn bà con thực hiện. Khó ở chỗ là năng lực người kết nối tại cơ sở còn yếu, chưa kết nối được với các doanh nghiệp cung cấp tôm giống, chưa liên kết được người nuôi nên vẫn còn tình trạng mạnh ai nấy làm.

Vậy bà có đề xuất gì để đưa giải pháp này vào cuộc sống?

Chúng tôi cho rằng, nếu cùng lúc thực hiện quá nhiều bước sẽ khó cho người dân nên cần thực hiện từng bước một. Đầu tiên là chọn được người có thể tin cậy, am hiểu về con giống làm đại diện cho người dân để kết nối với doanh nghiệp cung cấp giống. Việc này nếu muốn làm tốt cần có sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Tốt nhất chính quyền các địa phương cần đứng ra làm đầu mối để kết nối bên mua-bên bán, như thế sẽ thuận tiện hơn rất nhiều. Sau kết nối con giống sẽ đến kết nối kỹ thuật, thức ăn,… và sau cùng là tiêu thụ để người nuôi không còn phụ thuộc vào tư thương, tránh tình trạng ép giá.


Bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản. Ảnh: PHAN THÀNH

Theo bà, lâu nay các giải pháp vừa nêu đã được thực hiện đến đâu?

Tôi nghĩ rằng, người nuôi vẫn còn khá “cô đơn” trong việc tìm, chọn mua con giống, trong khi chính quyền các địa phương chưa hỗ trợ người dân trong khâu liên kết người nuôi và kết nối với các cơ sở cung ứng con giống. Vì vậy, người dân cần được hỗ trợ nâng cao năng lực thương lượng mua giống và bán sản phẩm do mình làm ra theo quan hệ ngang bằng để nâng cao hiệu quả nuôi trồng. Và những việc này phải bắt nguồn từ cơ sở, từ người dân và chính quyền địa phương.

Nói vậy có vẻ như ngành thủy sản “vô can” trong việc này?

Không phải từ bây giờ mà rất lâu khi Nhà nước có chủ trương xã hội hoá sản xuất con giống chúng tôi đã tư vấn, tuyên truyền phối hợp với các địa phương tổ chức hướng dẫn tạo liên kết trong việc sản xuất, cung ứng con giống, cũng như tạo điều kiện để hỗ trợ một số cơ sở sản xuất con giống phát triển lĩnh vực này, song đến nay lĩnh vực sản xuất tôm giống vẫn chưa đáp ứng mong đợi dẫn đến nguồn cung không đủ cầu.

Chúng ta có thuận lợi về nguồn cầu nhưng cung không thể đáp ứng. Nguyên nhân do đâu, thưa bà?

Yếu tố đầu tiên và có vai trò quyết định chính là thời tiết. Nhiều năm qua, mùa đông Huế khá khắc nghiệt, nhiệt độ xuống thấp trong khi yêu cầu về nhiệt độ để đảm bảo con giống phát triển tốt phải từ 25 độ C trở lên. Các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn đã dùng giải pháp nâng nhiệt khi nhiệt độ hạ thấp để có thể sản xuất tôm giống nhưng hiệu quả không cao.

Yếu tố khác nữa là chi phí tiền điện khá tốn kém kéo theo giá thành tôm giống tăng lên cũng khiến nguồn cung trong tỉnh khó cạnh tranh với các tỉnh phía Nam Trung bộ, nơi có thời tiết ổn định hơn. Hơn nữa, trên địa bàn tỉnh chỉ nuôi tôm từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, nghĩa là phải sản xuất con giống từ mùa đông năm trước khi thời tiết bất lợi. Đến mùa hè thời tiết thuận lợi hơn nhưng người dân không nuôi tôm vào thời gian này nên nếu sản xuất tôm giống, các cơ sở khó kiếm thị trường tiêu thụ.

Con giống thiếu, người nuôi mua theo mối quen ngoài tỉnh nên khó kiểm tra dịch bệnh. Đây là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả nuôi tôm? Ngành có giải pháp gì để hạn chế tình trạng này?

Trước đây, tình trạng giống tôm trôi nổi kém chất lượng khá phổ biến. Hiện, vấn đề này khá đảm bảo, các cơ sở bán con giống dù ở các tỉnh khác cũng phải cạnh tranh nhau để tồn tại nên họ cũng không thể bán con giống kém chất lượng. Làm thế khách hàng sẽ tẩy chay. Hơn nữa, mỗi địa phương đều có cơ quan kiểm tra đầu ra của sản phẩm. Mình chỉ là bên nhập nên muốn kiểm tra, kiểm định chất lượng rất khó, không đảm bảo quy định. 

Qua theo dõi hiệu quả nuôi tôm mấy năm gần đây cho thấy, chất lượng tôm giống nhất là tôm thẻ chân trắng ngày càng tốt hơn. Riêng tôm sú vẫn là bài toán khó, đó là phải lấy nguồn giống từ thiên nhiên. Song tình trạng thoái hóa giống và tôm bố mẹ bị bệnh lây sang con khá phổ biến nên giống tôm ngày càng kém chất lượng, còi cọc. Đây là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng Thừa Thiên Huế. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai chương trình nghiên cứu gia cố lại con giống bố mẹ để cho ra đời giống tôm sú chất lượng hơn. Chỉ có cách này mới cải thiện được nguồn giống.

Giống tôm không đủ cầu sẽ khó đảm bảo quy hoạch mở rộng vùng nuôi, bà có nghĩ thế không?

Việc nuôi tôm trên địa bàn chủ yếu theo hình thức xen ghép, theo vụ, khi giống tôm sú chưa đảm bảo chất lượng, tôm thẻ chân trắng không được khuyến khích mở rộng vùng nuôi nếu không đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, xử lý nước thải… Do đó, tỉnh đang kêu gọi một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất tôm giống. Hiện chúng ta đang yếu khâu này, nuôi trồng, thu mua tại chỗ đã hình thành nhưng vẫn còn thiếu chuỗi nuôi khép kín từ sản xuất tôm giống đến nuôi và tiêu thụ.

Trước đây, nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng cát Ngũ Điền và một số huyện Phú Vang, Phú Lộc đều được khuyến cáo về việc gây ô nhiễm môi trường, thị trường đầu ra khó ổn định. Gần đây khi Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến thủy sản ở Phong Điền đã giải quyết phần nào đầu ra ổn định cho các hộ nuôi tôm.

Tâm Huệ (Thực Hiện) Báo Thừa Thiên Huế