TIN THỦY SẢN

Cá lồng đèn: Loài cá bé nhỏ thắp sáng một vùng đại dương

Cá lồng đèn là loài cá tỏa sáng dưới đại dương bằng những ánh sáng màu xanh. Ảnh: scitechdaily.com Nguyệt Hoa

Dưới hàng trăm mét ở lòng biển tối tăm, một loài cá có kích thước “mi nhon” được đặt tên là cá lồng đèn. Loài cá này sở hữu khả năng kỳ diệu là điểm tô cơ thể bằng những ánh sáng màu xanh rực rỡ trong vùng nước sâu tối tăm của vùng biển chạng vạng.

Loài cá “mi nhon” mang khả năng phát sáng

Cá lồng đèn (tên khoa học là Symbolophorus barnard), đây là một loài cá nằm trong số các động vật có xương sống phân bố rộng rãi và đa dạng nhất với khoảng 300 loài có khả năng phát quang sinh học sống ở tầng nước sâu.

Cá lồng đèn sở hữu đầu và đôi mắt to để thu thập càng nhiều ánh sáng càng tốt trong vùng nước tối. Chúng có thân hình rất mảnh, dẹt được bao phủ bởi vảy bạc và vây tương đối nhỏ với chiều dài dao động khoảng từ 2 đến 30cm, phần lớn có chiều dài dưới 15cm.

Cũng giống như nhiều sinh vật biển trú ngụ nơi đáy đại dương sâu thẳm, cơ thể của cá lồng đèn được bao phủ bởi các tế bào quang phát sáng. Điều đặc biệt là các tia sáng này có trình tự sắp xếp khác nhau tùy theo loài, giới tính và thậm chí một loài cá đèn còn không có khả năng phát sáng.

Quá trình phát ra ánh sáng của cá lồng đèn về cơ bản cũng giống với loài đom đóm, tức là ánh sáng được phát ra bởi các cơ quan nhỏ được gọi là photophore nằm trên đầu, dưới và đuôi của chúng. Ý nghĩa của hành vi phát quang là để nhằm thu hút các con mồi, đánh lạc hướng những kẻ săn mồi có thể tấn công từ bên dưới và để báo hiệu cho các loài cá đèn lồng khác trong quá trình giao phối.

Những sự thật ít ai biết về cá lồng đèn

Cá đèn lồng được tìm thấy ở tất cả các đại dương trên thế giới ở độ sâu từ khoảng 360m đến 900m. Hầu hết các loài cá này thích ở gần bờ biển; còn lại một số khác thường có xu hướng tách ra theo độ sâu. Theo nhiều người, hành vi này có ý nghĩa rất lớn trong việc làm giảm sự cạnh tranh giữa các loài.

Cá lồng đèn thường di cư lên bề mặt vào ban đêm để kiếm ăn và tránh kẻ săn mồi. Ảnh: the-scientist.com

Ban ngày, chúng ở dưới lòng biển sâu thẳm nhưng lại đến gần bề mặt biển vào ban đêm. Theo nghiên cứu, thói quen này không chỉ giúp cá lồng đèn tìm kiếm thức ăn là các sinh vật phù du dễ dàng hơn cũng như có thể giúp cá đèn lồng tránh bị săn mồi lớn ở vùng biển nông vào ban ngày.

Cá đèn lồng được biết đến là loài cá đẻ trứng không bảo vệ. Đến mùa sinh sản (hầu như quanh năm), cá cái đẻ trứng vào cột nước theo nhóm, sau đó được cá đực thụ tinh bên ngoài. 

Giống như những loài cá “mắn đẻ” khác, cá lồng đèn có thể sinh từ 100 đến 2.000 trứng. 

Điều đáng kinh ngạc là số lượng ấu trùng cá lồng đèn nhiều đến mức có thể chiếm gần 50% tổng số ấu trùng cá được tìm thấy ở đại dương.

Ngay khi trứng nở, ấu trùng non của cá lồng đèn đã có một số lượng nhỏ tế bào quang hợp để tạo ra ánh sáng. Nhờ có kỹ năng này, từ sớm chúng đã có thể tự kiếm ăn cho đến khi trưởng thành. 

Là một trong số loài sinh vật biển sâu phổ biến nhất và chiếm tới khoảng 60-65% sinh khối biển sâu, cá lồng đèn đóng vai trò sinh thái rất quan trọng như con mồi cho các sinh vật lớn hơn: Cá ngừ, cá mập, cá voi, cá heo, cá hồi, chim cánh cụt, mực ống lớn. Tuy nhiên, chính số lượng khủng đã khiến cá đèn lồng trở thành mục tiêu hấp dẫn cho hoạt động đánh bắt thương mại ở vùng biển giữa Nam Phi và Nam Cực.

Nguyệt Hoa