Người phụ nữ thay đổi cuộc đời vì... nuôi tôm
Cuộc đời có những cơ duyên như tiền định. Với chị Đặng Thị Dịu, trú tại khu 7, phường Hải Hòa, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, cơ duyên đó là đất Móng Cái và… tôm. Chỉ khi đến với mảnh đất này, chị bắt đầu bén duyên với nông nghiệp và từ đó mới biết cách nuôi tôm để thay đổi cuộc sống.
Người tiên phong trong nuôi tôm ở Mũi Sủi
Ở người phụ nữ ấy, mọi người nhận thấy vừa có sự dịu dàng lại vừa mạnh mẽ, quyết đoán. Chị Dịu nhớ lại những tháng ngày khốn khó đầu tiên của mình, đó là thời điểm của 23 năm trước.
Năm 1994, trong hoàn cảnh một mình nuôi 4 con nhỏ nhưng chị Dịu đã xung phong đi khai hoang tại khu vực Mũi Sủi (hiện nay thuộc địa phận khu 7, phường Hải Hòa, TP Móng Cái), vốn là vùng cửa biển, sông nước hoang vu, chỉ toàn sú vẹt. Ngày chị đặt chân đến đây, Mũi Sủi không người, không nhà; xung quanh là mông quạnh cùng sông nước mênh mang.
Tuy nhiên, trong khốn khó, chị Dịu dặn mình phải can đảm, nghị lực và cố gắng bám trụ. Chị muốn đời mình cùng các con được sang trang; không có những nỗi sợ hãi hay chỉ biết ngồi chờ đợi...
Vậy là chị bắt tay vào dựng chòi ở, phát quang cỏ dại, lăn lác, thả lưới bắt cá, tôm. Thời gian trôi qua nhanh và mẹ con chị Dịu dần trở nên quen thuộc rồi gắn bó với nơi này.
Để mưu sinh, chị cùng gia đình be bờ, đắp đất ngăn nước mặn, bao thành khu đầm rộng và hình thành các ô nuôi tôm, cá. Mới đầu, chị lợi dụng nguồn tôm cá trong tự nhiên để nuôi quảng canh, sau này chị thả thêm con giống để nâng cao sản lượng; tiến đến chị dành riêng một số ao để tập trung nuôi tôm sú cao sản.
Năm 2000, khi phong trào nuôi tôm trong toàn tỉnh còn khá mới mẻ thì chị Đặng Thị Dịu đã có 1 ha ao nuôi tôm sú cao sản. 3 năm sau, chị Dịu mạnh dạn chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Thời điểm đó, tôm thẻ chân trắng hầu như chưa có ở phía Bắc mà chỉ mới xuất hiện tại các tỉnh thành miền Nam. Rất may mắn, chủng loại tôm có giá trị và lợi nhuận gấp nhiều lần so với tôm sú này phù hợp với môi trường nước, khí hậu nơi đây nên lớn nhanh, sức sống tốt; chất lượng tôm thơm ngon, dai thịt, được người tiêu dùng đón nhận và có thị trường tiêu thụ rất rộng mở.
Với kết quả này và từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng NN&PTNT (chi nhánh Móng Cái), chị Dịu không ngừng mở rộng diện tích nuôi tôm. Đến năm 2014, chị Dịu đã có gần 30ha nuôi tôm thẻ chân trắng, sản lượng đạt gần 50 tấn/năm.
Để chủ động về con tôm giống, tránh nguồn giống trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ, năm 2008, chị Dịu đầu tư xây dựng nhà xưởng nuôi vỗ tôm thẻ bố mẹ và nhân ương nuôi tôm giống tại chỗ; sản lượng đạt 600-700 triệu con/năm. Tháng 7-2009, Cty Thành Nam do chị Dịu làm GĐ chính thức được thành lập.
Từ đây, mô hình sản xuất của chị chuyên nghiệp hơn, tiếp cận được thị trường cũng như các bạn hàng chặt chẽ hơn, uy tín ngày càng được khẳng định và mở rộng.
Sự chăm chỉ, quyết tâm là bí quyết thành công
Được chị Dịu giới thiệu về cơ ngơi nuôi tôm của mình, ai cũng trầm trồ thán phục. Đó là những ô nuôi tôm được bê tông hóa nối dài hết tầm mắt. Ao nào cũng có những bộ máy sục khí tạo ô xy tung bọt trắng xóa, tấp nập hoạt động của những công nhân thăm nuôi, cho tôm ăn…
Toàn khu nuôi được bao bọc bởi gần 4km đường đê, được nối với nhau bằng hệ thống đường giao thông đủ rộng để xe ô tô ra thu mua tôm tận ao nuôi, hệ thống đường điện chiếu sáng và các trạm biến áp, kho lưu thức ăn, kho chứa hóa chất… đầu tư lớn, công phu.
Hiện nay, năng suất mỗi ha tôm của chị Dịu đạt trên 15 tấn/vụ, 30 tấn/năm; doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động.
Được hỏi về bí quyết thành công, chị Dịu khiêm tốn nói rằng, mình không có bí quyết gì cả mà đó chỉ là sự chăm chỉ và lòng quyết tâm: Quyết tâm thoát nghèo, quyết tâm nuôi con khôn lớn, được học hành, được đến lớp đến trường như bạn bè cùng trang lứa.
Thêm nữa, chị Dịu cũng nhận mình là người may mắn khi đã đến Mũi Sủi và đã gặp được… tôm. Nhờ tôm, cuộc sống của chị đã thay đổi và sang trang mới hoàn toàn.
Theo chị Dịu, nuôi tôm ngày càng cho thấy là mô hình sản xuất hiệu quả đối với người nông dân.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, mô hình này đối mặt với khá nhiều khó khăn, trong đón có dịch bệnh. Để vững vàng trong nghề này, người nuôi tôm cần phải học hỏi, thu nạp kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành nhằm phòng, phát hiện và chống bệnh một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng, cấp chính quyền cũng cần xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ về tiếp cận vốn vay và lãi suất ưu đãi để giúp người dân mở rộng sản xuất; học tập những kinh nghiệm của các mô hình nuôi tôm đạt chuẩn về chất lượng và sản lượng.
Giàu kinh nghiệm trong nghề nuôi tôm; là người dám tiên phong thử nghiệm, quyết liệt thực hiện ý tưởng đến cùng và gặt hái nhiều thành công là những ấn tượng khi nhắc đến chị Đặng Thị Dịu.
Với thành tích rất đáng nể trong lĩnh vực nuôi tôm, nhiều năm qua, chị Đặng Thị Dịu đã đạt được những giải thưởng uy tín, danh giá trong tỉnh và toàn quốc dành cho nông dân.
Năm 2014, chị Dịu là đại diện duy nhất của tỉnh Quảng Ninh được tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014". Năm 2015, chị được tuyên dương tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV… Và năm 2017, chị Dịu là một trong 86 nông dân tiêu biểu xuất sắc toàn quốc qua 30 năm đổi mới được tôn vinh.