TIN THỦY SẢN

Nguồn lợi hải sản của Việt Nam đang suy giảm

Nguồn lợi hải sản của Việt Nam đang suy giảm. Ảnh: Internet Lê Bình

Theo ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản, nguồn lợi thủy sản nói chung, nguồn lợi hải sản nói riêng vẫn trên đà suy giảm.

Sau hơn 10 năm hiện thực hóa chiến lược biển Việt Nam, kinh tế hải sản nước ta cũng có những bước tiến lớn. Luật Thủy sản năm 2013 được ban hành, Luật Thủy sản sửa đổi mới được thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2019 tới đây đã tạo hành lang pháp lý để quản lý và thúc đẩy hoạt động nghề cá phát triển.

Cũng trong hơn 10 năm qua, hoạt động nghiên cứu hải sản, dự báo ngư trường, hỗ trợ thông tin cho ngư dân đã ngày càng sát đúng hơn. Từ chỗ, dự báo ngư trường theo tháng, theo khu vực thì nay đã dự báo theo tuần, thậm chí theo ngày và theo đối tượng đánh bắt. Hệ thống tàu cá công suất lớn đánh bắt xa bờ theo đối tượng được hình thành, sản lượng đánh bắt ngày càng tăng, giá trị kinh tế mang lại ngày càng cao.

Ông Nguyễn Văn Trung, Vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho biết: Những năm gần đây, ngành khai thác liên tục đạt những kết quả lớn. Hình thành đội tàu đánh bắt xa bờ, ngành phát triển ngày càng theo hướng bền vững, hiện đại. Riêng năm 2017 các chỉ tiêu về sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu đều đạt và vượt so với kế hoạch đã đề ra.

Trong năm 2017, cả nước có khoảng 112 nghìn tàu cá tham gia khai thác hải sản, sản lượng đạt 3,4 triệu tấn, giá trị xuất khẩu là 83.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kinh tế hải sản nước ta còn tồn tại rất nhiều hạn chế. Trong tổng số hơn 3,4 triệu tấn hải sản, nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt được 83.000 tỷ đồng là do công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu, chất lượng hải sản đánh bắt thấp. Sản lượng khai thác tăng là do số lượng tàu thuyền tham gia đánh bắt tăng cao, hiệu quả đánh bắt không tăng mà trái lại còn giảm. Áp lực khai thác cao và đã vượt qua giới hạn cho phép của nguồn lợi hải sản. Vì vậy, những năm gần đây, nguồn lợi hải sản ở các ngư trường nước ta suy giảm nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến sự phát triển bền vững của ngành khai thác hải sản...

Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản, Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT cho rằng, nguồn lợi thủy sản nói chung, nguồn lợi hải sản nói riêng vẫn trên đà suy giảm. Để bảo vệ được nguồn lợi, cần giảm sản lượng khai thác bởi sản lương khai thác hiện nay đã vượt qua trữ lượng cho phép.

Cũng chính vì nguồn lợi tại các ngư trường trong nước cạn kiệt, nhiều ngư dân đã tìm ra vùng biển quốc tế để đánh bắt, làm tăng chi phí cho mỗi chuyến biển. Một số ngư dân bất chấp hiểm nguy xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt cá trái phép. Tình trạng này nghiêm trọng đến mức EC phải ra cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam.

Ông Võ Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, thẻ vàng của EC đối vối hải sản Việt Nam đã làm giảm uy tín và gây thiệt hại không nhỏ đối với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản nước ta.

Thẻ vàng của EC đối với hải sản Việt Nam là một sự cảnh báo nhưng đồng thời là cơ hội để ngành khai thác, chế biến và xuất khẩu thủy sản nhìn lại mình trong quá trình phát triển vừa qua.

Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, đây là một cơ hội để ngành khai thác thủy sản Việt Nam tổ chức sắp xếp lại một cách bài bản, khai thác hải sản 1 cách bền vững, đáp ứng được yêu cầu của tất cả các thị trường xuất khẩu.

Ngành kinh tế hải sản cần nghiêm túc đánh giá quá trình phát triển thời gian qua, từ đó khắc phục những điểm còn hạn chế góp phần thúc đẩy kinh tế hải trình phát triển theo hướng bền vững, hiện đại, nâng cao thu nhập cho người dân ven biển như mục tiêu đã đề ra.

Lê Bình VOV