TIN THỦY SẢN

Nguồn nước nuôi tôm còn nhiều rủi ro

Thu hoạch tôm ở Sóc Trăng Đức Toàn

Đến cuối tháng 6.2013, Sóc Trăng thả được 4,4 tỷ con tôm giống trên diện tích 22.239 ha, 87% kế hoạch 2013.

Trong đó có 12.643 ha nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, chiếm 57%. Tuy số tổn thất đầu vụ ít hơn năm ngoái, những chưa biết điều gì sẽ xảy ra tới cuối vụ. So với rủi ro do chất lượng con giống thì nguồn nước vẫn chứa đựng rủi ro cao do đầu tư chưa đồng bộ.

Cũng ở thời điểm này, diện tích vuông tôm đã thu hoạch khoảng 2.086 ha, trong đó có 1.343 tôm thẻ chân trắng và 742 ha tôm sú. Trong khi năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng đạt bình quân 5,1 tấn/ha thì năng suất tôm sú quảng canh cải tiến chỉ có 0,5 tấn/ha, nuôi thâm canh 3-4 tấn/ha, bán thâm canh 1,6 tấn/ha. Sản lượng tôm Sóc Trăng từ đầu năm đến nay đạt 7.735 tấn, riêng tôm thẻ chân trắng đạt 6.850 tấn, tăng gấp 3 lần so cùng kỳ.

Năm nay, lần đầu tiên Sóc Trăng nâng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng vượt lên 6.233 ha, tăng gấp 3 lần so cùng kỳ năm 2012, tập trung nhiều nhất tại thị xã Vĩnh Châu và 2 huyện Trần Đề và Mỹ Xuyên. Người nuôi có thể chuyển đổi giống tôm sú sang tôm thẻ chân trắng nhiều hơn trong tương lai nếu không được tư vấn. Tuy nhiên, nếu việc quản lý chất lượng tôm giống nhập từ ngoài tỉnh vẫn lỏng lẻo thì rủi ro sẽ “ lớn chuyện” từ con giống.

Ông Nguyễn Chí Công, PCT UBND thị xã Vĩnh Châu lo lắng, nói: “Từ nay đến cuối vụ (tháng 7), Vĩnh Châu chỉ có thể đạt 60-70% kế hoạch. Hiện nay, nhiều hộ nuôi đang rất thiếu vốn”. phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Lê Thành Trí, đề cập tới hội chứng hoại tử gan tụy cấp và tình trạng thiếu vốn của người nuôi, yêu cầu các cơ quan, ngành chuyên môn tập trung tìm biện pháp giúp các hộ nuôi tôm và phấn đấu giảm tỷ lệ thiệt hại dưới 15%.

Ông Phạm Minh Tiền, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh chia sẻ nếu quản lý tốt mật số vi khuẩn vibrio trong ao nuôi chắc chắn hạn chế hội chứng hoại tử gan tụy cấp. Nhưng bên cạnh việc khống chế mật số vibrio thì thay đổi thời tiết cũng có thể ảnh hưởng lớn tới thành – bại của vụ tôm năm nay. Do đó phải hợp tác sản xuất, kiểm tra chặt chẽ từng khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng dịch vụ tới từng vuông tôm.

Cũng theo ông Tiền, trong khi Hiệp hội nuôi tôm Mỹ Thanh (160 hội viên, quy mô 2.700 ha) chủ động hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển thủy sản thì Sóc Trăng vẫn còn 1.720 xã viên thuộc 20 HTX gặp nhiều khó khăn khi thiếu liên kết.

HTX Hòa Nghĩa, Hòa Đông, HTX lúa - tôm Hòa Lời, Ngọc Đông là những điểm sáng trong 12 HTX nuôi tôm thành công nhờ xã viên thả tôm đúng theo lịch thời vụ, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kỹ thuật, cùng quản lý nguồn nước, phòng ngừa dịch bệnh bảo vệ môi trường. Nhưng số còn lại vẫn nuôi theo kiểu “ mạnh ai nấy làm”.

Nguy cơ lớn nhất đang rơi vào qui mô nuôi nhỏ lẻ, không làm ao lắng, ao xử lý nước thải nên khi thu hoạch hay phải giải quyết ngay tình trạng bị dịch bệnh thì các chủ vuông tôm xả nước thải ra kênh, rạch khiến tình trạng phơi nhiễm lan rộng.

Điều đáng nói về mối nguy là dù đầu tư nâng cấp thủy lợi nhưng kênh cấp và thoát nước vẫn chung một dòng. Những kẽ hở trong hệ thống kỹ thuật hạ tầng do mở rộng diện tích quá nhanh đã bộc lộ bất cập, lại chậm được khắc phục.

Đức Toàn SGTT