Nhà máy nước ngọt bên dòng Ba Lai
Chúng tôi về Bình Đại vào những ngày giữa tháng tư. Nắng biển như ngày càng gay gắt hơn sau cơn mưa trái mùa vừa nhỏ giọt xuống không thấm vào đâu.
Những cánh đồng muối trắng xóa chạy dài tít tắp dọc theo xã Thạnh Phước đã được diêm dân hối hả thu hoạch mùa muối muộn. Ngoài kia là hàng trăm héc-ta nuôi tôm công nghiệp cũng đang vào chính vụ. Những cánh quạt điện, những máy nổ ầm ầm đã làm cho vùng quê biển ngày thêm sống động. Những con đường làng quê Thạnh Phước, Đại Hòa Lộc, Thạnh Trị vừa mới nâng cấp mở rộng thật thoáng mát. Những ngôi nhà tường mới mọc lên ngày càng nhiều, dòng điện tỏa sáng cả làng quê biển. Dù đang là mùa nắng hạn, nhưng năm nay, vùng “ngọt hóa” Thạnh Trị vẫn sung túc màu xanh cây trái, bởi có Dự án nước ngọt. Hệ thống đê bao quanh giữ cho vùng đất mặn bao đời nay một sự ngọt ngào của nước sản xuất và sinh hoạt, làm đổi đời đại bộ phận nông dân. Ngoài ra, người dân còn được Nhà nước đầu tư xây dựng một nhà máy nước ngọt hiện đại bên dòng sông Ba Lai.
Nhà máy gồm nhiều hạng mục công trình: trạm bơm gồm 3 máy bơm ly tâm trục ngang, công suất 810m3/h/máy; máy phát điện 800kVA, nhà xưởng, nhà điều hành. Đặc biệt, mạng lưới cấp nước dẫn đến các xã: Thới Thuận, Thạnh Phước, Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc có tổng chiều dài trên 53km, với đường kính ống từ phi 168-600mm. Ngoài dẫn nước ngọt phục vụ nuôi tôm công nghiệp, chủ động kiểm soát nồng độ mặn phục vụ nuôi tôm biển trong giai đoạn đầu thả tôm giống và các giai đoạn nuôi, Nhà máy còn cấp nước ngọt thô để pha loãng độ mặn của nước biển, phục vụ cho khoảng 66% diện tích nuôi tôm (582ha), công suất 1.350m3/h. Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Bến Tre, dự kiến Nhà máy sẽ mở rộng, với công suất 2.000m3/h, để đủ sức cung cấp nước cho 882ha diện tích nuôi tôm công nghiệp. Đặc biệt, Dự án cũng sẽ hỗ trợ cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho người dân các xã vùng ven biển, nhất là trong những tháng mùa khô hạn, góp phần hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhà máy được khởi công và đi vào hoạt động năm 2011, đã tạo sinh khí mới cho hàng ngàn người dân đất biển Bình Đại. Đây là một nhà máy có qui mô khá lớn và hiện đại, công suất 1.500m3/h, được xây dựng trên khuôn viên 6.900m2, với tổng vốn đầu tư là 110 tỷ đồng. |
Theo ông Phạm Trung Tính - Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, trong nhiều năm qua khi chưa có Nhà máy nước Ba Lai, đời sống người dân trong vùng gặp khá nhiều khó khăn. Những tháng khô hạn, có lúc giá nước sinh hoạt lên đến 60.000đ/m3, thậm chí có lúc lên đến gần 100.000đ/m3 nhưng đó chỉ là nguồn nước ngầm trên đất giồng cát hoặc nước các vùng lân cận được người dân khoan giếng rồi đem đổi. Trong khi đó, hiện nay giá nước của Nhà máy nước Ba Lai phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt chỉ với giá 4.600đ/m3, phục vụ nuôi trồng thủy sản với giá 2.850đ/m3.
Nhà máy nước Ba Lai hiện cũng chỉ cung cấp nước thô. Để chuyển thành nước sạch phục vụ cho sinh hoạt, Nhà máy cần tiếp tục đầu tư xây dựng thêm Nhà máy nước sạch tại xã Thạnh Phước. Hiện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang triến hành lập dự án, với tổng công suất khoảng 120m3/h, đáp ứng nhu cầu phục vụ nước cho khoảng trên 5.000 hộ dân ở các xã: Thạnh Phước, Thừa Đức và Thới Thuận.