Nhà máy thủy sản ở miền Tây gấp rút hoạt động trở lại
Sau khi các tỉnh nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp ở miền Tây nhanh chóng khôi phục sản xuất, trong đó các nhà máy thủy sản đang đẩy mạnh tiêu thụ tôm cho nông dân.
Sáng 28/9, 3 nhà máy trong chuỗi chế biến thủy sản của Công ty TNHH Kim Anh (Sóc Trăng) đón gần 1.000 công nhân vào làm việc. Số lượng này đạt gần 100% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Đại diện doanh nghiệp có 3 nhà máy đặt tại xã Đại Ngãi (huyện Long Phú), phường 7 (TP Sóc Trăng) và khu công nghiệp An Nghiệp (huyện Châu Thành) này cho biết các huyện, thị trong tỉnh Sóc Trăng cùng là vùng xanh nên các chốt kiểm soát Covid-19 đã tạo điều kiện tốt cho xe đưa, rước công nhân.
Tôm được tiêu thụ mạnh
Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Khánh Sủng (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), cho biết sau khi ngưng áp dụng sản xuất “3 tại chỗ”, công nhân các xã, phường vùng xanh đã trở lại công ty ngày một tăng dần. Hiện, thủy sản Khánh Sủng đã khôi phúc sản xuất được khoảng 70%, lượng tôm tiêu thụ gần 40 tấn mỗi ngày.
Theo ông Tuấn, nhờ địa phương nới lỏng giãn cách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vẫn chuyển hàng hóa thuận lợi nên việc thu mua tôm cho nông dân được dễ dàng. Doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất để kịp giao hàng cho đối tác và thị trường ngoài nước vẫn tiêu thụ tôm Việt Nam rất mạnh.
Tại Bạc Liêu, các huyện, thị và TP Bạc Liêu đã nới lỏng giãn cách theo Chỉ thị 15 và 19. Ông Trần Tuấn Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và xuất nhập khẩu Trang Khanh (TP Bạc Liêu), cho biết nhiều gia đình vẫn chưa cho con, em đi làm tôm để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn thu hút được khoảng 70% công nhân trở lại xưởng sản xuất.
Trước khi xảy ra dịch Covid-19, thủy sản Trang Khang tiêu thụ mỗi ngày khoảng 60 tấn tôm. Sau vài ngày khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới, doanh nghiệp đã tiêu thụ gần 40 tấn nguyên liệu mỗi ngày.
Thu hoạch tôm ở Sóc Trăng. Ảnh: Nhật Tân
Chiều 28/9, tôm thẻ loại 20 con một kg ở miền Tây được các doanh nghiệp mua với giá 230.000 đồng/kg, loại 30 con 150.000 đồng, 100 con giá 83.000 đồng/kg...
Theo ông Đỗ Ngọc Tài, Tổng giám đốc Công ty Chế biển thủy sản Tài Kim Anh (khu công nghiệp An Nghiệp, Sóc Trăng), giá tôm thẻ loại 20 con hiện nay cao hơn thời điểm trước dịch Covid-19. Tôm thẻ có các kích cỡ lớn còn lại giá cũng tăng nhanh sau khi miền Tây nới lỏng giãn cách nên người nuôi đảm bảo có lãi.
“Giá tôm như hiện nay nông dân nuôi không lỗ. Giá tôm chỉ thấp khi bùng phát dịch, bây giờ đã tăng lại vì công nhân đi làm, nhà máy đẩy mạnh mua tôm để sản xuất, chế biến xuất khẩu”, ông Tài nói.
Giữ vững chuỗi sản xuất
Ngoài Công ty Chế biến thủy sản Tài Kim Anh, ông Tài còn lãnh đạo Công ty Chế biến thủy sản Ngọc Trí tại thị xã Giá Rai, Bạc Liêu. Các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất của ông Tài đã có khoảng 85% công nhân đi làm trở lại.
Doanh nhân này cho biết những ngày qua, có rất nhiều người dân miền Tây trở về TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Dòng người từ vùng dịch tự chạy xe máy về quê khiến doanh nghiệp và địa phương lo lắng vì năng lực của các khu cách ly có hạn.
Tuy nhiên, ông Tài cho rằng những người từ TP.HCM về quê đã qua nhiều chốt tại các tỉnh nên cơ bản được lực lượng chức năng thống kê được số lượng. Khi về quê, những người này được cảnh sát dẫn đường vào các khu cách ly và có tổ giám sát Covid-19 cộng đồng nên nguy cơ lây lan dịch bệnh thấp.
Các doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn và hiện nay có được rất nhiều đơn hàng.
“Lo nhất là các tỉnh còn F0 trong cộng đồng, có nguy cơ lây lan qua địa bàn giáp ranh. Trong đó, địa phương còn xuất hiện F0 tại Sóc Trăng là Lai Hòa của Vĩnh Châu giáp Bạc Liêu và Hưng Phú của Mỹ Tú chỉ cách Long Mỹ của Hậu Giang một con sông. Vĩnh Châu có xã Lai Hòa giáp ranh Bạc Liêu, Kế Sách giáp Hậu Giang. Lưu ý thứ 2 là tài xế xe tải đường dài”, ông Tài chia sẻ.
Lo lắng của ông Tài cũng cùng quan điểm với Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp Sóc Trăng Nguyễn Thanh Trong. Tuy nhiên, với việc kiểm soát tốt dòng người từ các tỉnh, thành về quê và sự chủ động phòng, chống dịch của các doanh nghiệp nên chuỗi sản xuất của ngành thủy sản mũi nhọn ở Sóc Trăng được giữ vững.
Theo ông Trong, trước dịch Covid-19, khu công nghiệp An Nghiệp có trên 20.000 công nhân. Hiện, đã có khoảng 14.000-15.000 công nhân đi làm trở lại. Trong đó, khoảng 60% được tiêm một liều vaccine phòng Covid-19, 10% hoàn thành mũi 2.
Để an toàn phòng, chống dịch Covid-19, những công nhân mới trở vào doanh nghiệp đều được test nhanh 3 lần liên tiếp, mỗi lần cách nhau 3 ngày. Sau thời gian này, định kỳ công nhân trong khu công nghiệp An Nghiệp được xét nghiệm nCoV hàng tuần với số lượng từ 20% trở lên.
“Lúc dịch bệnh cao điểm, chúng tôi lo đứt gãy chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở Sóc Trăng đã vượt qua khó khăn và hiện nay có được rất nhiều đơn hàng. Trong lúc nhiều khu công nghiệp ở các tỉnh, thành chưa mở cửa thì khách hàng đã đổ dồn vào các doanh nghiệp Sóc Trăng. Nhận định đơn hàng năm 2022 sẽ tốt hơn năm nay”, ông Trong đánh giá.