TIN THỦY SẢN

Nhân rộng mô hình nuôi lươn giống ở Bến Tre

Ảnh minh họa. (Nguồn: tienphong.vn) Trần Thị Thu Hiền/TTXVN

Mô hình nuôi lươn giống đang phát triển khá mạnh tại tỉnh Bến Tre. Bước đầu mô hình này được thử nghiệm tại hộ anh Phan Văn Phương, ấp Phú Thuận, xã Phú Ngãi (huyện Ba Tri) mang lại hiệu quả kinh tế cao và đang được nhân rộng ra nhiều hộ khác .

Anh Phan Văn Phương được Thạc sỹ Nguyễn Hữu Khánh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Nha Trang) tư vấn và tập huấn kỹ thuật nuôi lươn tại tỉnh Trà Vinh. Năm 2013, sau 2 lần tập huấn kỹ thuật, anh quyết định phá bỏ hết số ổi trên diện tích 5.000m2 đất để đầu tư nuôi lươn. Anh Phương bộc bạch: “Mới đầu nuôi lươn tôi cũng gặp khó khăn vì chưa nắm bắt được kỹ thuật nên lươn bị chết nhiều. Sau được anh Hữu Khánh giải thích tôi mới biết. Từ đó, khi lươn đẻ trứng là tôi lấy bỏ vào thau đem vào nhà để lươn nở”.
Sau 2 năm nuôi lươn trải bạt, được nhiều người biết và tìm đến đặt hàng mà không đáp ứng kịp, anh Phương đã mạnh dạn mở thêm hồ nuôi lên tổng số 34 hồ (mỗi hồ diện tích 32m2). Trại của anh hiện có khoảng 3 tấn lươn các loại như lươn mới nở, lươn con ba tháng, lươn bố mẹ, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho khách hàng. Từ năm 2013 đến nay, trại nuôi lươn nhà anh Phương cung cấp ra thị trường khoảng 2 tấn lươn giống, thu về khoảng 800 triệu đồng, đồng thời cung cấp lươn cho các tỉnh Trà Vinh, Phú Yên, An Giang, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh… Thời gian tới, anh Phan Văn Phương tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi và nâng cấp hồ nuôi.

Ông Huỳnh Hữu Phước, Phó Chủ tịch xã Phú Ngãi cho biết: “Cứ vài ngày lại có đoàn khách ở nơi khác đến tham quan mô hình nuôi lươn của anh Phương. Mới đây, đoàn ở Phú Yên đã đến tham quan và đặt mua con giống".

Đầu năm 2015, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Nha Trang) phối hợp với Trung tâm Khuyến ngư Quốc gia hỗ trợ 4 hộ gia đình tại xã Phú Ngãi nuôi lươn . Mỗi hộ gia đình được hỗ trợ 30 kg lươn giống và 30% thức ăn. Công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm lươn đồng được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (Nha Trang) thực hiện thành công từ năm 2009 từ nguồn vốn của Dự án SUDA do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Từ đó đến nay, Viện đã chuyển giao công nghệ này cho nhiều địa phương trên cả nước (Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Hà Nam, Thừa Thiên - Huế...). Viện đang hỗ trợ kỹ thuật cho 3 điểm sản xuất lươn giống ở Trà Vinh và 2 điểm ở Bến Tre, t rong đó mô hình của anh Phan Văn Phương đã thành công trong việc ươm con giống.

Mô hình nuôi lươn của hộ anh Phan Văn Phương đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đ ồng thời mở ra triển vọng mô hình kinh tế mới, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Ông Huỳnh Hữu Phước, Phó Chủ tịch xã Phú Ngãi cho biết : T rên địa bàn huyện Ba Tri có hai hộ gia đình ở xã An Hiệp và Tân Mỹ đã lấy lươn giống từ trại của anh Phương về nuôi được hơn 1 tháng , hiệu quả rất tốt. Sắp tới sẽ có 4 hộ trong xã đến bắt lươn giống về nuôi và 20 hộ đã tập huấn kỹ thuật đợi có vốn sẽ tiến hành nuôi.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Khánh, để phát triển nghề nuôi lươn đồng, cần chủ động được con giống nhân tạo. Hiện nay, số lượng cơ sở sản xuất giống lươn tại Đồng bằng sông Cửu Long còn rất ít nên nghề sản xuất giống lươn có nhiều tiềm năng để phát triển. Do sức sinh sản của lươn thấp nên để có được số lượng lớn lươn giống cần có nhiều cơ sở sản xuất. Lươn đồng là đối tượng khó nuôi nên để nuôi thương phẩm hoặc sản xuất giống có hiệu quả, cần thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, có kỹ thuật viên hướng dẫn. Nghề nuôi lươn có thể phát triển ổn định ở Bến Tre và các địa phương khác nếu có cách tiếp cận phù hợp, ban đầu cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và có sự gắn kết giữa nhà nông và nhà khoa học. Chất lượng lươn giống là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững nghề nuôi lươn.

Thạc sĩ Hữu Khánh cho biết thêm, cần thận trọng trong việc thực hiện theo mô hình mới vì không phải ai thực hiện cũng thành công. Viện sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật miễn phí cho các hộ dân có nhu cầu./.

Trần Thị Thu Hiền/TTXVN Đảng Cộng Sản, 30/06/2015