Nhập viện vì bát canh cua
Cua đồng là món ăn bổ dưỡng trong ngày hè, tuy nhiên nếu ăn không đúng cách, cua đồng lại dễ biến thành chất độc. Đã có trường hợp phải nhập viện do ngộ độc cua đồng.
Ngộ độc khi ăn cua để lâu
Bà Nguyễn Thị Lừ (ở Yên Mỹ, Hưng Yên) mới đây đã bị ngộ độc thực phẩm mà nguyên nhân từ việc tiếc bát canh cua để lại từ bữa trước. Trước đó, bà hì hục mua cua về nấu canh. Tối hôm đó ăn không hết, tiếc công làm nên bà cất bát canh thừa vào trong tủ lạnh để hôm sau ăn tiếp. Ngày hôm sau, bà lấy bát canh cua ra ăn. Do trời nóng, trong khi mở nắp hộp ra canh vẫn sánh màu vàng nên bà để lạnh ăn với cà cho mát mà không đun lại.
Ăn được khoảng 30 phút, bà kêu đau bụng, chân tay bủn rủn, người lạnh toát. Dù đã uống thuốc berberin nhưng bà không đỡ mà cảm giác đau bụng mạnh hơn, đi ngoài liên tục rồi lả đi. Người nhà nhanh chóng đưa đi cấp cứu nên rất may bà đã không bị nguy hiểm đến tính mạng. Bác sỹ cho biết bà bị ngộ độc thức ăn.
“Tôi vẫn hay có thói quen để thức ăn thừa như thịt, cá, tôm… để lại ăn tiếp cho bữa sau. Thường thì tôi vẫn đun lại nhưng hôm đó bỏ canh cua ở tủ lạnh ra, trời lại đang nóng nên tôi không đun. Nghĩ ăn canh vậy không sao, nào ngờ lại đau bụng, đi ngoài rồi lả đi. Sau khi được bác sỹ cho uống thuốc và nôn ra hết thức ăn, người nhẹ hẳn và hết đau bụng”, bà Lừ kể lại.
TS Bùi Quang Tề - chuyên gia bệnh học thủy sản (nguyên Trưởng phòng Sinh học thực nghiệm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I) cho biết, canh cua giàu chất đạm, lại có vị tanh nên rất dễ bị các vi khuẩn có hại làm hỏng, gây ôi thiu sau khi tiếp xúc với môi trường. Nhất là thời tiết nắng nóng hiện nay, thức ăn lại càng dễ bị nhiễm khuẩn khi để từ hôm trước. Nếu người dùng không biết chế biến, bảo quản đúng cách rất dễ gây ngộ độc.
Khi chế biến cua đồng nên chế biến đến đâu sử dụng đến đó là tốt nhất. Việc nấu lại cua không những làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng mà còn có thể thịt cua bị biến chất, gây độc. Canh cua để lâu, khi ăn nguy cơ bị tiêu chảy, ngộ độc… là rất cao. Biểu hiện ngộ độc nhẹ thì tiêu chảy, nặng thì mất nước trụy mạch và có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Điều đáng nói, hầu hết các thủy sản đều có nhiễm ký sinh trùng. Trong đó, cua là loại đáng lo ngại nhất vì mang ký sinh trùng nguy hiểm là ấu trùng sán lá phổi Paragonimus. Ấu trùng này sống rất lâu, ngay cả ở nhiệt độ cao. Ăn cua chế biến chưa kỹ thì rất dễ bị sán ký sinh. Nếu ký sinh trùng lên não thì sẽ gây ra động kinh, ở phổi làm hại phổi gây ho khạc ra máu, tức ngực…
Bên cạnh đó, nhiều người nội trợ lại có thói quen mua cua đã được chế biến sẵn về nấu để tiết kiệm thời gian. Nhưng điều này tiềm ẩn nhiều hiểm họa bởi người bán thường không rửa kỹ và loại bỏ cua chết mà cho xay luôn. Cua chết không chỉ làm cho món ăn kém thơm ngon mà chứa độc tố gây hại. Trong cua chết có chứa độc tố axít amin histidine. Cua chết để càng lâu thì lượng độc tố này sinh ra càng nhiều.
Ăn cua đúng cách
Theo ThS. BS Doãn Thị Tường Vi - Phòng khám dinh dưỡng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội), khi ăn quả hồng không nên ăn kèm với cua. Cua rất giàu protein mà quả hồng lại chứa tanin và pectin. Tanin và pectin là những chất làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột. Khi chất tanin kết hợp với protein trong cua sẽ khiến việc tiêu hóa chậm hơn, dễ tạo đông vón thực phẩm. Chất rắn đó lâu dần sẽ lưu lại trong ruột rồi lên men và thối rữa, có thể gây buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, nặng có thể tạo thành sỏi…
Ngoài ra, mọi người cũng cần lưu ý khi ăn cua xong không nên uống trà ngay vì trà cũng có chất tanin. Khi vào cơ thể, trà sẽ làm cho một số thành phần của cua bị đóng đặc lại, không có lợi cho tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng khác, thậm chí còn dẫn đến đau bụng đi ngoài. Tốt nhất, uống trà sau khoảng 1h ăn cua.
Nhiều người cho rằng, cứ bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là không lo ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo đây là cách hiểu sai lầm, bởi sử dụng tủ lạnh không đúng cách cũng có thể gây hư hỏng thực phẩm dẫn đến ngộ độc. Nếu để thức ăn lâu trong tủ lạnh sẽ làm cho nó biến chất và không ngon. Chỉ nên để thức ăn trong tủ lạnh trong vòng từ 1 - 3 ngày.
Cần giữ các loại thực phẩm dễ ôi thiu ở nhiệt độ dưới 5oC, không để lẫn thức ăn đã nấu chín với thức ăn chưa nấu. Trước khi cho vào tủ lạnh phải bọc thực phẩm lại bằng nilon kín hoặc cho vào hộp có nắp đậy để tránh lây nhiễm lẫn nhau. Với những thức ăn dở, muốn để lại cần phải đun sôi trở lại, để nguội rồi mới cho vào hộp kín cất tủ lạnh.
Ngoài giá trị dinh dưỡng, trong Đông y, cua đồng được coi là một vị thuốc. Cua đồng vị mặn, mùi tanh, tính lạnh có tác dụng tán huyết, bổ gân cốt, khớp xương. Nhưng một số người cần tránh ăn cua đồng: Phụ nữ mang thai những tháng đầu hay thai nhi yếu không nên ăn cua đồng do cua có tính hàn sẽ dễ gây ra đau bụng, dễ bị sảy thai hoặc sinh non. Ngoài ra, người bị cảm lạnh, tiêu chảy, bệnh gout, người mới ốm dậy, người bị dị ứng và người có tiền sử cao huyết áp và tim mạch cũng không nên ăn cua đồng. Hàm lượng chất béo trong cua cao khi ăn nhiều sẽ khiến cholesterol trong máu tăng cao làm bệnh tăng nặng.