TIN THỦY SẢN

Nhiều doanh nghiệp tham gia bảo tồn hệ sinh thái biển Phú Quốc

Phú Quốc với nhiều bãi biển rất đẹp. Ảnh: traveloka Sáu Nghệ

Ngày 27/6/2024, tại thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), một cuộc họp tham vấn ý kiến doanh nghiệp trong công tác bảo tồn biển Phú Quốc do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cùng Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) và Ban quản lý Khu Bảo tồn Biển (KBTB) Kiên Giang tổ chức đã thu hút đại diện 28 doanh nghiệp.

Đây là nỗ lực tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn biển của Ban quản lý KBTB Kiên Giang và các bên liên quan thông qua việc thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp, hoạt động thuộc Dự án Bảo vệ các Hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL (Dự án MDC).  

Trong cuộc họp, Dự án MDC và đại diện Ban quản lý KBTB Kiên Giang đã ghi nhận những nhu cầu, đề xuất của các doanh nghiệp; cùng thảo luận để đưa ra ý tưởng, cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý địa phương nhằm giữ gìn hệ sinh thái biển quan trọng ở Phú Quốc. Chiến lược thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan như vậy khi được triển khai cho các vùng bờ biển dễ bị tổn thương của ĐBSCL, đặc biệt tại KBTB Phú Quốc và ba cụm đảo nhỏ ở vùng biển Tây Nam là Hải Tặc, Ba Lụa, Nam Du sẽ góp phần vào mục tiêu giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, đồng thời tăng cường sức chống chịu cho hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL. 

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất Việt Nam, với hệ sinh thái đa dạng bao gồm những rạn san hô, thảm cỏ biển rộng hàng nghìn héc-ta. Những hệ sinh thái vô giá này đang đối mặt với những nguy cơ về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Các thảm cỏ biển còn được gọi là “vườn ươm của biển”, một trong những hệ sinh thái hiệu quả nhất thế giới, cung cấp môi trường sống và thức ăn cho nhiều loại động vật biển, cũng là nguồn hấp thụ carbon đáng tin cậy. Ghi nhận của cơ quan quản lý địa phương cho thấy việc khai thác thủy sản bằng lưới vét đáy hoặc lưới giã cào đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các bãi cỏ biển, bên cạnh nguyên nhân ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Các rạn san hô, một sinh cảnh biển cực kì quan trọng khác, cũng đang phải chịu số phận tương tự, chưa kể đến tác động từ việc sử dụng các ngư cụ tận diệt, thả neo tàu bừa bãi, hay các thói quen du lịch thiếu trách nhiệm. Tình trạng san hô cứng bị tẩy trắng tại Phú Quốc vẫn đang diễn ra.  

Bên cạnh đó, Phú Quốc có tốc độ phát triển kinh tế đáng kinh ngạc, hơn 4,4 nghìn doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký hơn 142 nghìn tỷ đồng, đều hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ nguồn tài nguyên biển. Vì vậy, nguy cơ mất đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển chính là thách thức mà các doanh nghiệp Phú Quốc đang đối mặt.

 San hô có dấu hiệu bị chết do các tác động từ môi trường xấu

Cuộc họp là cơ hội để giới thiệu các hoạt động của Dự án MDC đến với doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, từ đó lồng ghép vào chiến lược và chương trình phát triển bền vững của mình. Tại đây, 28 doanh nghiệp hoạt động ở Phú Quốc đã tích cực nêu lên các ý kiến, quan điểm và đề xuất về bảo tồn biển như quy hoạch khu vực và thiết kế hoạt động du lịch để không ảnh hưởng đến các rạn san hô, chia sẻ các tiêu chí môi trường để doanh nghiệp điều chỉnh hoạt động kinh doanh, góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển,v.v..

Sau cuộc họp, tất cả các doanh nghiệp tham gia đều thể hiện mong muốn đóng góp vào công tác bảo tồn biển Phú Quốc, đồng thời mong đợi nhiều hơn các hướng dẫn và phối hợp từ Ban quản lý KBTB Kiên Giang. Dự án MDC sẽ tiếp tục đóng vai trò điều phối giữa doanh nghiệp và Ban quản lý KBTB, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp để phát triển những hoạt động vì môi trường nên nền tảng mô hình kinh doanh và ý tưởng đóng góp của  từng doanh nghiệp. Kết quả buổi trao đổi là một tín hiệu đáng mừng cho việc xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp có trách nghiệm tại Phú Quốc, góp phần thúc đẩy cơ chế hợp tác công-tư trong bảo tồn đa dạng sinh học biển tại tỉnh Kiên Giang nói riêng và Việt Nam nói chung.   

Được biết, Dự án MDC do WWF-Việt Nam và IUCN hợp tác cùng các cơ quan chính phủ Việt Nam, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, ban quản lý, các đối tác phát triển và cộng đồng ngư dân nhằm giảm thiểu các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, đồng thời tăng cường sức chống chịu cho hệ sinh thái ven biển vùng ĐBSCL. Dự án được triển khai tại các vùng bờ biển dễ bị tổn thương của ĐBSCL như KBTB Phú Quốc và ba cụm đảo nhỏ ở vùng biển Tây Nam là Hải Tặc, Ba Lụa, Nam Du. 

Dự án gồm 3 hợp phần chính. Hợp phần 1: Tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn biển của Ban quản lý KBTB Kiên Giang và các bên có liên quan thông qua việc thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp. Hợp phần 2: Thúc đẩy quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi thủy sản tại ba cụm đảo Nam Du, Bà Lụa và Hải Tặc. Hợp phần 3: Bảo vệ đa dạng sinh học các hệ sinh thái thủy sinh ven biển vùng ĐBSCL, đảm bảo sinh kế của ngư dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 

Sáu Nghệ