TIN THỦY SẢN

Nhiều hộ nuôi tôm chưa thực hiện theo quy định

Toàn tỉnh Cà Mau hiện có 1.842 ha nuôi tôm siêu thâm canh của 1.740 hộ. Nguyễn Phú

Tôm thâm canh và siêu thâm canh được xem là mô hình nuôi sẽ tạo ra đột phá cho sản lượng tôm nuôi của tỉnh. Tuy nhiên, loại hình này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tạo sự bùng phát về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường nếu công tác quản lý không được thực hiện một cách nghiêm ngặt và triệt để.

Để nghề nuôi phát triển bền vững và không ảnh hưởng đến các loại hình khác, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1874/QĐ-UBND ngày 10/11/2017, quy định tạm thời về điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Đồng thời, thành lập Tổ kiểm tra 1926 nhằm kiểm tra và hướng dẫn điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn tỉnh. Qua công tác kiểm tra đột xuất thực tế tại các cơ sở nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh cho thấy, các điều kiện theo Quyết định 1874 của tỉnh chưa được tuân thủ nghiêm túc. 

Tính đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 9.620 ha nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh; trong đó, diện tích đang thả nuôi 4.948 ha. Riêng đối với loại hình nuôi tôm siêu thâm canh hiện có khoảng 1.842 ha với hơn 1.740 hộ nuôi. Theo đó, Tổ kiểm tra 1926 đã tổ chức kiểm tra ngẫu nhiên 36 đợt với 135 hộ. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 26 hộ đạt yêu cầu, tức chỉ khoảng 19,2%, còn lại 91 hộ có một số chỉ tiêu còn hạn chế, đặc biệt có 18 hộ không đạt.

Cụ thể, trên địa bàn huyện Đầm Dơi, số hộ qua kiểm tra không đạt theo yêu cầu cao nhất, với 6 hộ; 22 hộ còn hạn chế một vài tiêu chí trong tổng số 29 hộ được kiểm tra. Huyện Phú Tân có 21 hộ còn hạn chế một số chỉ tiêu, 4 hộ không đạt. Tại huyện Trần Văn Thời, trong số 18 hộ được kiểm tra chỉ có 2 hộ đạt, 12 hộ còn một số chỉ tiêu hạn chế và 4 hộ không đạt.  


Quy hoạch những vùng nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tập trung là hướng đến phát triển bền vững.

Theo đánh giá của Tổ kiểm tra 1926, qua quá trình kiểm tra thực tế cho thấy, đa phần các hộ nuôi tôm thâm canh chưa đáp ứng được yêu cầu về điều kiện nuôi theo Quyết định 1874 của UNBD tỉnh. Trong đó, hạn chế lớn nhất tập trung ở các ao công trình phụ trợ, khu chứa thải có thiết kế nhưng chưa đảm bảo về diện tích cũng như thể tích chứa, nhiều hộ chưa quan tâm và ý thức tốt việc xử lý nước thải, bùn thải. Ngoài ra, hệ thống điện hầu hết còn sử dụng trụ, cột điện tạm bợ bằng cây gỗ; một số ít có trụ, cột điện bằng bê-tông thì không đảm bảo về độ cao cũng như các điểm đấu nối chưa đảm bảo an toàn theo quy định.

Liên quan đến việc xả thải và bùn thải, một số lãnh đạo địa phương cho biết, có những hộ xây dựng các công trình phụ đúng như quy định. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi thường không tuân thủ quy trình xử lý nước và bùn trước khi thải ra môi trường; có trường hợp thải trực tiếp, nhất là nước và bùn trong quá trình xi phông ao nuôi.

Một thực tế đáng lo ngại khác là, những hộ không đảm bảo các điều kiện theo quy định được các tổ kiểm tra chỉ ra và đề nghị làm cam kết khắc phục, nhưng số hộ khắc phục còn rất hạn chế. Cụ thể, các tổ kiểm tra của các địa phương đã tiến hành kiểm tra và phát hiện 1.100 hộ có một số chỉ tiêu còn hạn chế và có 598 hộ không đạt trong tổng số 3.148 hộ được kiểm tra. Tuy nhiên, sau khi tái kiểm tra 1.562 hộ thì chỉ có 244 hộ đã khắc phục các lỗi như đã cam kết. Tiêu biểu là huyện Cái Nước, trong 931 hộ được kiểm tra có 391 hộ không đạt và 189 hộ còn hạn chế một số chỉ tiêu, tuy nhiên sau khi tái kiểm chỉ có 32 hộ đã khắc phục.

Theo Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phú Tân Phạm Văn Den, cái khó lớn nhất là diện tích ao lắng đối với những hộ đã nuôi trước khi có quy định trong việc mở rộng diện tích ao lắng theo quy định 15% diện tích ao nuôi và vấn đề về an toàn điện (chiều cao trụ điện).

Liên quan đến việc xả thải, ông Den đánh giá, việc thực hiện theo quy định của tỉnh trong quá trình nuôi của người dân còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ý thức trong việc xả thải. Một số hộ thực hiện đầy đủ quy trình nhưng lại xả thải trực tiếp ra môi trường, đây là khó khăn nhất của địa phương trong công tác quản lý và xử lý.

Mặc dù diện tích tôm nuôi thâm canh, siêu thâm canh đang phát triển nhanh, nhưng các hộ nuôi rải rác, không tập trung và số diện tích nằm ngoài quy hoạch không đủ điều kiện khá lớn. Từ đó, công tác thẩm định gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là việc vận động các hộ nuôi không đủ điều kiện chuyển hình thức nuôi.

“Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường theo dõi diễn biến, phát triển diện tích nuôi tôm trên địa bàn để kịp thời hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về điều kiện nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh đảm bảo chính xác, hiệu quả. Trong đó, tăng cường sự giám sát của hộ dân lân cận đối với những hộ nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh trong xả thải”, ông Den cho biết thêm.

Một trong những tồn tại dẫn đến việc quản lý, kiểm tra đối với loại hình nuôi tôm thâm canh và siêu thâm canh khó khăn là do còn rải rác ở nhiều nơi. Do đó, để hạn chế tình trạng xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, các địa phương sớm định hướng hoàn chỉnh quy hoạch nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh tập trung. Đồng thời, có phương án chuyển đổi hình thức nuôi hoặc chuyển đổi các đối tượng nuôi khác đối với những hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh ngoài quy hoạch, những hộ nuôi không đảm bảo điều kiện theo quy định.

Nguyễn Phú Báo Cà Mau