Nhớ cá linh của tuổi thơ
Sáng nay đi chợ sớm, thấy cá linh tươi rói, còn nhảy tanh tách trong thau mới biết mùa cá linh đã về, lòng bồi hồi nhớ ký ức tuổi thơ.
Quê tôi ở miền Tây nhưng gia đình lên Sài Gòn sinh sống đã hơn mười năm. Tuy nhiên, trong ký ức tôi vẫn vẹn nguyên những hình ảnh đẹp đẽ và trong trẻo. Vốn là vùng sông nước nên chiếc xuồng quý hơn bất cứ phương tiện gì. Ba tôi hằng ngày di chuyển quanh xóm bằng xe máy nhưng tối đến là dựng chỏng chơ ở mé vườn mặc cho sương phủ. Còn chiếc xuồng thì ông giữ rất kỹ, ông đẩy nó vô cái nhà mái lá giống như người ta cất xe hơi vào ga ra ở thành phố, đó là cái nhà che mưa che nắng cho ghe xuồng - tài sản quý giá của gia đình tôi thời đó, đi đâu xa đều phải dùng tới. Có nhà còn dùng nó làm phương tiện kinh doanh, thậm chí là nơi tá túc qua tháng ngày.
Còn nhớ những buổi sáng tinh mơ, những chiếc “chợ nổi” tấp vào mé hiên nhà, tiếng dì Hai; bà Sáu bán hàng và má tôi cười nói rổn rảng khiến tôi cũng tỉnh giấc theo. Trên chiếc ghe nho nhỏ là những bó rau tươi, ít thịt heo, bò và rất nhiều loại cá - đặc biệt là cá linh còn óng ánh vảy. Chắc chắn những ngày đó được ăn cá linh đã đời.
Cá linh thường xuất hiện vào cuối tháng 8 dương lịch và kéo dài vài tháng sau theo mùa nước nổi. Theo dân gian, tên cá linh do vua ngày xưa đặt cho để cảm kích về loài cá báo tin cho người khi đi trên sông nước. Riêng tôi chỉ biết cá linh có ba giai đoạn liên quan đến ba món ăn khác nhau. Cá linh non đầu mùa còn gọi là cá linh sữa, thân chỉ to bằng đầu đũa, đem kho mẳn với nước dừa rất ngon; cá linh giữa mùa thì to hơn chút xíu, thường được má nấu canh chua với bông điên điển, kèo nèo, so đũa; còn cuối mùa thì cá linh đã trưởng thành, lúc này thịt vẫn ngọt nhưng xương hơi nhiều, làm món chiên giòn là lý tưởng. Ba tôi rất thích cái vị nhân nhẫn đắng của cá. Riêng tôi, phải chấm với nước mắm me thì mới ăn được, vị mặn mặn chua chua cay cay của mắm me giúp khử vị đắng hiệu quả.
Giờ ở Sài Gòn, gặp cá linh như bắt được vàng, nên tôi quyết định mua thật nhiều về trữ trong tủ lạnh. Bữa đăng hình cá linh tươi lên mạng xã hội, đứa bạn đồng hương đang sống ở trời Âu mừng rơi nước mắt, nó nói bên đó không có cá linh nhưng ngắm hình của bạn bè cũng đỡ nhớ rồi...