TIN THỦY SẢN

Nhớ mẹ, nhớ bến cá cuối năm

Ngữ Yên

Cứ độ cuối năm, giá nào tôi cũng phải về quê. Trước là thăm mẹ già, sau nữa là không thể nguôi nỗi thương nhớ cái bến cá ngày cũ nằm gần như đối diện với ngôi nhà của má.

Bến cá chỉ cách nhà tôi một đường tàu, sân ga và mấy con đường cái ngang trong nội ô thị trấn Vạn Giã.

Buổi tối lên xe là coi như trút lại những tất bật của một Sài Gòn sôi động. Bắt đầu nỗi lo không biết mùa lạnh vừa rồi má có khỏe không. Và, nói ra hơi xấu hổ, chẳng thể bỏ ra ngoài nỗi nhớ những con cá tươi mới từ những chiếc ghe đi biển tối hôm trước về.

Nước mắm ngon dầm con cá liệt

Dân Sài Gòn, quanh năm ăn cá đông lạnh. Bữa nào hên thì cá còn đủ tươi, ngon miệng. Bữa xui coi như tự an ủi: thôi vài bữa về quê kiếm cá tươi bù lại. Cá Sài Gòn nói chắc là không đáng “xách dép” cho cá Vạn Giã. Nhất là cái món “nước mắm ngon dầm con cá liệt”. Cá liệt đi chưa đến Sài Gòn đã “sầu viễn xứ” nên thịt muốn ươn mất rồi.

Ngày xưa cá liệt là của người và heo. Má tôi thường mua mớ. Về nhà bà phân loại, con nào trọng trọng cho người, còn lại đem cho heo. Thời đó, cá liệt rẻ bèo nhưng nấu canh chua ngọt mà vớt ra dầm mắm bản xứ... đương nhiên là ngon, ăn quên nghỉ. Bây giờ, cá liệt cũng mắc lắm rồi. Một phần vì trái mùa. Cá liệt thường bắt được nhiều vào tháng ba nam non, tức những cơn gió “nhập khẩu” từ Lào đã hây hây thổi về. Mấy đứa em dân ở quê nghe tôi than cá liệt sao độ này mắc. Có đứa nói, bây giờ cá liệt là cá nhà giàu rồi.

Cá liệt được các bà má cho là thịt nó hiền, nên thường mua về cho những người bệnh ăn để lấy lại sức. Nó chỉ ngon nhất là nấu chua ngọt hoặc nấu canh chua đọt me. Nước vừa sôi vò lá me và bỏ con cá vào một lát rồi bắc nồi canh xuống. Đâm một dĩa mắm ớt thiệt ngon chấm cùng.

Lúc đó hãy cứ miết đầu đũa từ sát phía sau đuôi lên đến đầu. Đưa nguyên miếng phi lê ấy vào dĩa mắm. Và người ăn sẽ đốn ngộ ngay cái ngon mộc thật mộc của thịt cá. Thịt cá trắng phau, trắng như ngó lục bình. Vị ngọt của đạm từ thịt đã không chê vào đâu được. Nó ngon đến độ mà ca dao phải lụy tình:

Cá liệt mà nấu canh chua/Anh thương em dẫu quê mùa vẫn thương.

Mộc mạc là thế mà mỗi năm may ra chỉ thỏa nỗi ơ hờ thương nhớ có mỗi một lần về quê trước thăm má, sau thăm bến cá. Nói may ra vì có năm kiếm đỏ con mắt không ra một con cá liệt. Mắm ngon đành đọng trong dĩa sầu.

Chùm ruột và người xưa đã ra thiên cổ

Nắm ngoái, hên sao bữa chợ cuối năm ở bến cá Vạn Giã, tôi thấy có nhiều cá nhái. Con nào trên mình cũng bị lũng một hai lỗ. Mới nhớ lại lời ông bạn chuyên sưu tầm đá có tiếng tên Quý, đã trên 70, ở Xóm Bóng, Nha Trang cho biết, dân ở đây chuyên đi đâm cá nhái ban đêm.

Số là người dân thường đi biển một mình một ghe, đùng đèn thắp bằng ắc quy, gắn trên đầu. Họ vừa điều khiển thuyền, vừa quất đèn. Trên tay cầm cái chĩa nhiều răng, để loại trừ độ rủi ro đâm hụt. Khi nhìn thấy cá đang nổi gần mặt nước, thì cho ghe đến để đâm con mồi.

Cá nhái không gì ngon hơn là gỏi tái chan nước lèo. Cá vừa chín bằng vị ướp chua vừa chín bằng nước nóng múc từ nồi lẩu được nấu bằng xương cá nhái. Mua về, ra phi lê thịt cá, rồi xắt thành miếng mỏng, ướp chanh, khế hoặc dấm. Mà có lẽ ngon nhất là ướp bằng nước ép từ trái chùm ruột.

Ngày xưa, ba tôi hái trái chùm ruột của hai cây chùm ruột mọc nơi hông nhà bỏ lên chiếc mâm đồng, sau đó dùng một vỏ chai lăn cho chùm ruột ra hết nước. Mỗi mẻ nước cho vào cái thau nhỏ, khi nhắm đã đủ, người mới lượt bỏ hột bằng cái dừng. Nước chùm ruột vừa chua vừa chát làm cho thịt cá tái và săn lại mới vắt rắt nước.

Bây giờ hai cây chùm ruột đã ra thiên cổ. Ba tôi cũng ra thiên cổ. Cái mâm đồng không biết mất đi đâu từ độ nào. Tôi đành bằng lòng với nước chanh và khế. Miếng cá nhái tái săn lại quyện cùng vị hành tây và đậu phộng rang già giã gãy ba gãy tư. Khi ăn cái ngon hiển hiện, nhưng kỷ niệm xưa bên mâm cơm còn có ba đã đi vào nỗi buồn man mác làm không khí ngày cuối năm có phần quạnh quẽ đầy chiêm niệm. Tôi quay lên bàn thờ có tro của ba đốt nén nhang tưởng niệm.

Món gỏi cá nhái chan nước lèo là tôi học từ quê người, ở quán Hải Hòn Chồng trong một lần tình cờ. Quán chỉ làm món gỏi cá bè chan nước lèo. Tôi thấy ở đó có cá nhái, yều cầu dùng nguyên liệu này, và phát hiện ra món gỏi ngon ngọt hơn nhiều. Từ đó, ông bạn Quý chơi đá ở Nha Trang mỗi lần có dịp vào Sài Gòn đều không quên đem theo vài con để đến nhà hàng này yêu cầu làm món gỏi thết bạn bè.

Dỡ quê nhà về Sài Gòn

Mùa cuối năm có khi còn có cá hố câu con lớn bằng chiều ngang cái ổ cứng rời 1 tetrabyte, chừng bảy, tám phân. Cá hố mua là để dỡ về Sài Gòn. Cá được cắt thành từng lát cỡ bàn tay, xẻ khứa trên lát cá và ướp thật nhiều sả và muối ớt. Sả ở quê bao giờ cũng thơm hơn sả ở Sài Gòn. Nói chung, quê nghèo nhưng các loại rau vị đều nồng hương vị đọng thành nỗi thương nhớ. Cá ướp xong đem phơi hết một nắng, từ giữa sáng đến chiều, thì có thể đem về Sài Gòn chiên ăn cơm ba ngày Tết. Miếng cá còn nguyên độ tươi, thịt vừa dẻ vừa ngọt, lại đậm hương sả quê nhà. Còn gì ngon hơn một năm dài xa cách.

Những cái ngon ấy còn ấy như còn được ướp trong những luồng gió biển ban mai thơm mùi muối, mùi tanh của buổi tinh mơ ở chợ quê. Nên mỗi độ cuối năm không được về tắm lại cái khí quyển rất quê nhà ấy, có lẽ đã đến lúc buông xuôi, huốt mất hết thảy.

Quê mẹ nghèo, thường ngày Tết người dân đã ở ngoài đồng. Còn tôi trôi lênh đênh trên chuyến tàu đêm trừ tịch về lại Sài Gòn...

Ngữ Yên Báo Công Lý, 08/02/2016