TIN THỦY SẢN

Nhóm liên kết nuôi trồng thủy sản giúp ổn định đầu ra giá cả

Cá giống của Nhóm liên kết thủy sản do ông Bùi Hồng Ba làm trưởng nhóm luôn khỏe mạnh, có mẫu mã đẹp được khách hàng đánh giá cao. Ảnh: Nguyễn Lượng Thanh Huyền

Nhờ tham gia vào mô hình nhóm liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, hàng chục hộ dân làm nghề nuôi, ương cá giống ở xã Yên Lập (Vĩnh Tường) đã yên tâm phát triển, mở rộng quy mô để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Được thiên nhiên ưu đãi có dòng sông Phó Đáy chảy qua, cùng với diện tích đất chiêm trũng lớn, từ bao đời nay, xã Yên Lập nổi tiếng với nghề ương cá giống. Theo thống kê, toàn xã hiện có hơn 300 hộ làm nghề ương cá giống với tổng diện tích hơn 69 ha. Tuy nhiên, trước đây, hầu hết các hộ đều nuôi theo hình thức đơn lẻ, với quy mô sản xuất nhỏ nên gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn đầu tiên là vấn đề đầu ra cho thủy sản giống. Lúc đó, kênh tiêu thụ chính của bà con là qua thương lái. Song, do thu hoạch tập trung, cùng một thời điểm, đầu ra lại bấp bênh nên thường bị thương lái ép giá. Một khó khăn nữa, do nguồn nước ô nhiễm, cá thường xuyên bị bệnh, trong khi kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh của bà con còn nhiều hạn chế nên rủi ro lớn, hiệu quả kinh tế không cao.

Gia đình anh Khổng Văn Huyên, thôn Phủ Yên 1 làm nghề ương cá giống hơn 10 năm nay. Gia đình anh Huyên ương chủ yếu các loại cá truyền thống như: Trắm, chép, mè, trôi, vược... Mặc dù có nhiều năm kinh nghiệm nuôi ương cá giống, song, nhiều lúc, gia đình anh vẫn bị thua lỗ nặng. Anh Huyên cho biết: Gia đình có gần 1 mẫu chuyên ương cá giống. Những năm gần đây, do nguồn nước bị ô nhiễm, chất lượng con giống không đảm bảo, cá thường xuyên bị dịch bệnh. Trong khi, gia đình lại chưa biết nhiều đến các phương pháp phòng bệnh cho cá. Chỉ đến khi cá bắt đầu chết và nổi trên mặt ao thì mới lo chữa trị. Nhiều khi chữa trị không kịp thời, cá chết hàng loạt, gia đình thua lỗ nặng. Đó là còn chưa kể, đầu ra không ổn định, thường xuyên bị thương lái ép giá nên khi xuất bán, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được chẳng là bao”.

Nhận thức rõ những khó khăn đó, năm 2005, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Yên Lập đã liên kết, thành lập nhóm nuôi trồng thủy sản với mong muốn, sẽ cùng nhau hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về khoa học kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định. Khi mới thành lập, nhóm liên kết thủy sản có 20 hộ, với tổng diện tích sản xuất hơn 10ha.

Khi tham gia vào nhóm liên kết thủy sản, các hộ sẽ được cung ứng cá hương chất lượng mua từ Trại Sản xuất cá giống Vũ Di, xã Vũ Di (Vĩnh Tường); được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng và điều trị bệnh cho thủy sản. Không chỉ vậy, các thành viên trong nhóm liên kết còn giúp đỡ nhau để cùng nhau phát triển sản xuất và có thị trường đầu ra ổn định, tránh bị thương lái ép giá.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Hồng Ba, thôn Phủ Yên 1, Trưởng nhóm liên kết thủy sản cho biết: Trước đây, các hộ nuôi trồng thủy sản của xã thường thu hoạch ồ ạt, cùng một thời điểm. Nhiều khi xuất bán không kịp, thương lái ép giá dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi thành lập nhóm liên kết nuôi trồng thủy sản, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch nuôi cũng như thời gian thu hoạch cho từng hộ để vừa khai thác được tối đa diện tích mặt nước, vừa tránh thu hoạch tập trung và lúc nào cũng có cá giống cung ứng cho thị trường. Đến nay, giá cả và đầu ra cá giống của nhóm tương đối ổn định. Ngoài hợp tác với Trại Sản xuất cá giống Vũ Di, cá giống của nhóm còn được các thương lái trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Tuyên Quang, Hà Nội, Phú Thọ… ký kết thu mua lâu dài với giá cao hơn từ 3 - 4% so với các hộ nuôi đơn lẻ trong xã.

Có được đầu ra ổn định, các hộ đã mạnh dạn hơn trong việc đầu tư, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh, năng suất, chất lượng giống thủy sản của các thành viên trong nhóm không ngừng tăng lên, giá bán, lợi nhuận thu được cũng cao hơn. Hiện, các hộ trong nhóm sản xuất có diện tích nuôi thủy sản nhỏ nhất là từ 5 - 7 sào; trong đó, có một số hộ còn nuôi thủy sản với diện tích gần 1 ha như: Gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, Đào Văn Thoán (thôn Phủ Yên 2)… Lợi nhuận trung bình đạt từ 10 - 12 triệu đồng/sào.

Sau hơn 13 năm thành lập, đến nay, nhóm liên kết thủy sản còn mở rộng quy mô liên kết sang một số hộ ở các xã trong huyện như: Kim Xá (5 hộ), Hòa Loan (3 hộ), Bồ Sao (2 hộ), Đại Đồng (2 hộ)… đưa tổng số thành viên của nhóm lên hơn 40 hộ. Ngoài ra, nhóm còn đầu tư được 6 bể ép cá và hệ thống trang thiết bị phục vụ cho các thương lái vận chuyển cá đi xa.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình nhóm liên kết thủy sản, ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Lập cho biết: Mô hình nhóm liên kết thủy sản đã làm thay đổi cơ bản từ nhận thức đến hành động của nông dân, giúp tăng năng suất, chất lượng cá giống cũng như hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Đặc biệt, tham gia mô hình này, các hộ còn được kết nối với các đầu mối thu mua, giúp giải quyết nỗi lo “được mùa mất giá”. Nhận thấy hiệu quả của mô hình, xã khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhóm liên kết thủy sản phát triển. Từ một nhóm ban đầu của ông Bùi Hồng Ba (thôn Phủ Yên 1), đến nay, trên địa bàn xã đã có 3 nhóm liên kết thủy sản đang hoạt động hiệu quả, giúp phát huy tốt tiềm năng, lợi thế từ nghề ương cá giống của địa phương.

Thanh Huyền Báo Vĩnh Phúc