TIN THỦY SẢN

Những hình thức kinh doanh bất chấp trong thủy sản

Phải dẹp bỏ những sản phẩm kém chất lượng thì ngành thủy sản mới thực sự bền vững LỆ THỦY

Tình trạng bơm tạp chất vào tôm, mạ băng (ngâm nước) thịt cá, nhuộm màu cá trê... đã là những cách kinh doanh và chế biến thủy sản quen thuộc.

Kiểu làm ăn bất chính này không những làm xấu đi hình ảnh của mặt hàng thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng mà còn là nguyên nhân đe dọa sự tồn vong của ngành xuất nhập khẩu thủy sản nước nhà.

Những hình thức gian lận trong thủy sản Việt Nam

Mạ Băng (tăng trọng) ngâm nước thịt cá

Tỉ lệ mạ băng sản phẩm tôm vượt quá mức cho phép

Mạ băng là quá trình làm đóng băng một lớp nước trên bề mặt sản phẩm. Mục đích của việc mạ băng nhằm bảo quản thực phẩm và cho thực phẩm có màu sắc đẹp, tuy nhiên nhiều công ty lợi dụng công đoạn này làm tăng tỉ lệ nước trong thịt cá và các sản phẩm thủy sản. Theo hướng dẫn của Ủy ban Thực phẩm quốc tế (CODEX), tỉ lệ mạ băng để đạt mục tiêu công nghệ thông thường là không quá 5%.

Nhưng một vài công ty có tỷ lệ mạ băng lên tới 20-30% nước, nguyên do các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã và đang làm ăn gian dối thông qua thỏa hiệp với các đối tác nhập khẩu và mạ băng với tỉ lệ cao để làm giảm giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh.

Bơm tạp chất vào tôm

Bắt quả tang bơm tạp chất vào tôm. Nguồn TTXVN

Việc bơm tạp chất vào tôm có từ 10 năm trở lại đây nó diễn ra ngày càng phổ biến và bất chấp pháp luật. Chiều ngày 03/4, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Cà Mau kiểm tra, bắt quả tang cơ sở thu đang đưa tạp chất vào tôm sú sơ chế. Trước đó 01/04 tại Bạc Liêu cơ quan chức năng cũng bắt quả tang 20 công nhân đang bơm tạp chất vào tôm. Ngoài bơm tạp chất vào tôm, một số thương lái còn đóng đinh vào tôm để cân nặng hơn khi bán cho doanh nghiệp chế biến buộc các doanh nghiệp này phải sử dụng máy soi kim loại để loại bỏ đinh trong tôm.

Nguy hại của việc bơm tạp chất vào tôm sẽ làm giảm chất lượng tôm và những tạp chất này còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Danh tiếng con tôm Việt Nam vì thế mà mất dần.

Phù phép cua biển từ 1 thành 2kg

" Tăng trọng" cua chỉ có ở Việt Nam

Khi chuẩn bị cua để bán ra thị trường thương lái đã “phù phép” biến cua biển Cà Mau tăng trọng lượng từ 30% đến 100%. Hầu hết cua bán đều sử dụng dây Trung Quốc và sử dụng dây vải được thấm nước và bùn để buộc cua, việc này làm số tiền người mua bỏ ra lớn hơn nhiều so với giá trị của con cua và tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm  nhất là khi tôm ngâm với bùn mang nhiều mầm bệnh.

Cá trê nhuộm màu

Cá trê lai đang được nhuộm hóa chất độc hại

Trước khi thu hoạch, cá trê lai có màu trắng được cho ăn một loại hóa chất chưa rõ nguồn gốc làm cá từ màu trắng chuyển thành màu vàng tươi như cá trê đồng. Cá trê nuôi được nhuộm vàng bằng hoá chất Carophyll, vốn chỉ được dùng nhuộm cá cảnh. Người nuôi phải bỏ ra số tiền gấp 3 lần để mua cá trê lai thay vì cá trê vàng. Ngoài ra hoá chất này bị cấm sử dụng trong chăn nuôi có nghĩa là không được sử dụng trong thủy sản để cung cấp thực phẩm cho con người.

Công nghệ chế biến tôm khô, tôm tẩm màu công nghiệp

Một số hộ sản xuất tôm khô, ruốc khô sử dụng phẩm màu công nghiệp để tẩm nhằm tăng màu sắc cho tôm. Nhưng một số người đã tẩm hóa chất rẻ tiền để đẩy nhanh quá trình tạo màu của tôm, làm màu sắc tôm đẹp và để tăng độ giòn cho tôm người ta còn cho tôm ngâm trong formal, đây là một chất cực kỳ nguy hiểm với con người.

Vòng luẩn quẩn của xuất khẩu thủy sản do đâu?

Thương lái Trung Quốc thông qua các công ty xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam để thu mua thủy sản sau đó mang về tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. Một phần sẽ được xuất khẩu sang các nước thứ ba. Những sản phẩm trên vẫn gắn mác tôm Việt nhưng đã bị thương lái Trung Quốc ép bơm tạp chất, ép mạ băng tỉ lệ nước cao, nhuộm màu…và không còn đảm bảo về chất lượng. Khi nhập sang các nước khác sẽ bị trả hàng về và nguy hại hơn là cấm nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau khi sản phẩm Việt mất uy tín không thể nhập khâu sang các nước khác thì đành bán cho thương lái Trung Quốc, họ bảo sao làm vậy, giá nào cũng phải bán. Vậy lúc này người thiệt là ai???

Đầu ra khó khăn, phụ thuộc và chưa xây dựng thương hiệu tốt bên cạnh xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc chưa được quản lý chặt chẻ. Vì vậy rất cần chữ “Tâm” đồng bộ hoạt động từ người nuôi, kinh doanh đến quản lý thì mới mong ngành thủy sản phát triển.

LỆ THỦY