TIN THỦY SẢN

Những phát hiện mới về độc tố trong thức ăn thủy sản

Trong thức ăn thủy sản tồn kho có nhiều độc tố khác ngoài Aflatoxin. Ảnh.LL TRỊ THỦY Lược dịch

Nghiên cứu giúp trả lời những bất cập về sự xuất hiện độc tố nấm mốc trong thức ăn đặc biệt dành cho ngành nuôi trồng thủy sản. Và phát hiện những nhân tố gây độc mới trên thức ăn thủy sản ngoài Aflatoxin.

Độc tố trong thức ăn thủy sản 

Độc tố trong thức ăn thủy sản là những thành phần có trong thức ăn gây hại đến sức khỏe động vật và làm suy giảm khả năng miễn dịch của chúng. Trong thức thủy sản có rất nhiều hợp chất có khả năng sinh độc nếu chúng được sinh ra từ quá trình bảo quản không đảm bảo hoặc quá hạn sử dụng. Trong đó, các độc chất được sinh ra từ thực vật đặc biệt được quan tâm do tác hại nghiêm trọng của chúng. 

Aflatoxin là độc tố do vi nấm sản sinh tự nhiên bởi một số loài nấm mốc trong giống Aspergillus, đáng chú ý nhất là Aspergillus flavus Aspergillus parasiticus. Các loại nguyên liệu thực vật thường bị nhiễm aflatoxin là ngũ cốc (ngô, kê, lúa miến, gạo, lúa mì), hạt có dầu (lạc, đậu tương, hạt hướng dương), gia vị (ớt, hạt tiêu đen, rau mùi, nghệ, gừng) và các loại quả hoặc hạt khác như hạt dẻ, dừa… Khi được sinh ra, Aflatoxin sẽ tác động đến các cơ quan nội tạng của động vật, đặc biệt là thận và gan. Làm suy giảm chức năng gan, sưng to và tạo ra các khối u trong gan thận.

 

Nhận thức được tác hại của các độc tố nấm mốc trong ngành nuôi trồng thủy sản, các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu và lấy mẫu để tìm ra tình trạng độc tố nấm mốc trong thức ăn nuôi trồng thủy sản tại Đông Nam Á. Các kết quả đã được công bố trên tạp chí Myotootoxin.

Những độc tố mới được tìm thấy

Các loại thức ăn công nghiệp dựa trên nguồn gốc thực vật trong thủy sản không phải là mới lạ, chúng có ý nghĩa đáng kể trong thập kỷ qua do sự thay thế dần dần thành phần protein có nguồn gốc động vật. Tuy nhiên điều này đã làm tăng mối quan ngại về vấn đề nhiễm độc độc tố nấm mốc.

Sự ô nhiễm của thức ăn thủy sản và thức ăn có nguồn gốc thực vật chứa độc tố nấm mốc nói chung thường bị bỏ quên. Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là phân tích nguy cơ nhiễm độc tố nấm mốc trong các thành phần thực vật phổ biến được sử dụng cho thức ăn thủy sản.

Trong khoảng thời gian một năm (tháng 1 năm 2016 - tháng 12 năm 2016), các nhà khoa học đã phân tích 175 mẫu protein thực vật khác nhau, phụ phẩm thủy sản và thức ăn trong nuôi trồng thủy sản. Các mẫu được kiểm định đối với các loại độc tố: Aflatoxin (AF) bao gồm aflatoxin B1, B2, G1 và G2; Zearalenone; Trichothecenes loại B (deoxynivalenol (DON); Nivalenol; 3-acetyldeoxynivalenol; 15-acetyldeoxynivalenol và Fusarenon X-glucoside; Fumonisin (Fumonisin B1, B2 và B3); Trichothecenes loại A (T-2 và độc tố HT-2; diacetoxyscirpenol và neosolaniol); và Ochratoxin loại A.

 

Các mẫu có nguồn gốc ở Đông Nam Á được chứng minh rằng tất cả các mẫu thức ăn thành phẩm tồn kho đều đã bị nhiễm độc tố. Mẫu ô nhiễm độc tố đối với thức ăn cho tôm và thức ăn cho cá là khác nhau, có thể phản ánh loại chất lượng nguyên liệu được sử dụng cho các loài khác nhau. Trong khi thức ăn cho tôm chủ yếu chứa Deoxynivalenol (DON), đây là một độc tố nấm mốc điển hình được tìm thấy trong lúa mì; còn thức ăn cho cá chủ yếu chứa Fumonisins, một chất độc điển hình từ bột bắp. Thức ăn cho tôm nói chung bị ô nhiễm với hàm lượng DON thấp nhưng tất cả thức ăn cho tôm đều đồng nhiễm Aflatoxin (AF). Các mẫu thức ăn cho cá thường bị nhiễm nhiều hơn so với thức ăn cho tôm. 

Những dữ liệu này cho thấy sự hiện diện độc tố nấm trong thức ăn có nguồn gốc thực vật và thức ăn thành phẩm tồn kho, các nhà khoa học khẳng định rằng Aflatoxin không phải là độc tố nấm chính trong thức ăn thủy sản.

Độc tố nấm trong thức ăn nuôi trồng thủy sản là rất khó phát hiện do đó cần nhiều nghiên cứu hơn nữa. Tuy nhiên, rõ ràng là mức độc tố tìm thấy trong thức ăn đã có ảnh hưởng tiêu cực đến ngành, ảnh hưởng đến hiệu suất tăng trưởng, hiệu suất sử dụng thức ăn và làm cho động vật thủy sản dễ bị nhiễm bệnh hơn. Mặc dù số lượng nghiên cứu này còn hạn chế và thời gian lấy mẫu ngắn, tuy nhiên nó cũng cho thấy cần tìm ra giải pháp để kiểm tra độc tố trong thức ăn thủy sản có nguồn gốc từ thực vật và độc tố chứa trong hàng tồn kho. Do đó khi sử dụng nguyên liệu thức ăn thủy sản có nguồn gốc thực vật cần kiểm tra và nghiên cứu những độc tố trong thức ăn để đảm bảo thức ăn an toàn.

TRỊ THỦY Lược dịch