Những sai lầm thường gặp nhất trong nuôi tôm
Trong thực tiễn sản xuất, nhiều hộ nuôi tôm theo đuổi mục tiêu sản lượng cao, trong khi đầu tư không đúng mức dẫn đến tôm phát triển chậm, bệnh nhiều, tỉ lệ hao hụt cao…
Chất lượng giống thấp: Chất lượng tôm giống đóng vai trò tiên quyết đến sự thành bại của vụ nuôi, nhưng đến nay nhiều người vẫn chủ quan trong khâu lựa chọn tôm giống chất lượng đưa vào sản xuất. Với những lý do ngại liên hệ với những cơ sở sản xuất giống uy tín, phải chờ đợi giống và giá thành đắt hơn 2-3 lần so với giá tôm đại trà. Để tránh thiệt hại do tôm giống kém chất lượng, cần lựa chọn tôm giống có ngoại hình đẹp, khỏe mạnh, ở những địa chỉ uy tín, đã được kiểm dịch. Nếu có điều kiện thì nên kiểm tra, nếu âm tính với những mầm bệnh nguy hiểm thì đưa vào thả nuôi.
Nuôi với mật độ quá cao: Mật độ của tôm nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng của tôm. Tôm nuôi ở mật độ thấp có tốc độ tăng trưởng, tỉ lệ sống cao hơn so với nuôi ở mật độ cao. Khi nuôi tôm với mật độ quá cao mà không đảm bảo các yếu tố kỹ thuật sẽ dẫn đến hiện tượng tôm chậm lớn, hệ số chuyển hóa thức ăn cao, hao hụt nhiều do thiếu ôxy hòa tan, là yếu tố có thể làm cho vụ nuôi bị thất bại. Nuôi tôm thẻ chân trắng thông thường nên nuôi với mật độ 60-80 con/m2, tôm sú nuôi với mật độ 15-25 con/m2.
Không tuân thủ kỹ thuật nuôi: Định hướng quy trình kỹ thuật trong nuôi tôm là việc làm hết sức quan trọng, quyết định rất lớn đến khả năng tự kháng bệnh của tôm và tác động đến môi trường nuôi. Để hạn chế những sự cố có thể xảy ra trong quá trình nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm, cần tuân thủ thực hiện các khâu kỹ thuật như chuẩn bị, cải tạo ao, phương pháp cho ăn, phòng bệnh chủ động cho tôm nuôi…
Chế độ dinh dưỡng không được quan tâm đúng mức: Trong môi trường công nghiệp với mật độ cao, hàm lượng ôxy hòa tan khó đảm bảo tối ưu thì việc hỗ trợ tiêu hóa và quá trình hấp thụ thức ăn rất quan trọng, vì nó quyết định được hệ số chuyển đổi thức ăn, quyết định chi phí nuôi tôm. Thực tế áp dụng cho thấy, việc bổ sung thêm men tiêu hóa, vi sinh sẽ tăng quá trình chuyển hóa và hấp thụ thức ăn. Cùng đó, một số sản phẩm khoáng vi lượng và các loại vitamin có tác dụng tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho tôm, là giải pháp hữu hiệu giúp phòng bệnh cho tôm nuôi. Tuy nhiên, hiện nhiều người nuôi vẫn không chú ý đến nhu cầu và chế độ bổ sung các hàm lượng dinh dưỡng cho tôm.
Lạm dụng vôi: Việc sử dụng vôi trong nuôi tôm là rất cần thiết trong cải tạo ao, duy trì chất lượng nước trong ao hoặc để khắc phục hiện tượng pH xuống thấp. Tuy nhiên, cần tuân thủ đúng liều lượng, nếu sử dụng quá nhiều hàm lượng Ca2+ tăng làm cho quá trình sinh hóa và hóa lý trong ao giảm dẫn đến giảm hàm lượng vi sinh vật có lợi, tôm kém phát triển. Khi cải tạo ao, lượng vôi bón phụ thuộc vào độ pH đất. pH đất từ 4,5-5,5 bón vôi với lượng 1,5-2,5 tấn/ha; pH từ 5,1-6 bón vôi với lượng 1-1,5 tấn/ha; pH từ 6,1-6,5 bón vôi với lượng 0,5-1 tấn/ha. Trong quá trình nuôi, để duy trì chất lượng nước, định kỳ 10 ngày/lần, bón vôi vào lúc 21-22 giờ, liều lượng 10-20 kg/1.000m3 nước, tùy theo tình hình thực tế môi trường ao nuôi để điều chỉnh, khi pH thấp hơn 7,5 cần bón vôi CaCO3 hoặc Dolomit với liều 15-20 kg/1.000m3 nước.