Nợ nần, phải bỏ xứ vì nạn trộm tôm
Trước khi công an xử lý nhóm trộm tôm tấn ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau, rất nhiều người khốn đốn vì nạn trộm tôm này.
Tháng 7-2020, dư luận phẫn nộ trước việc nhóm thương lái trộm tôm tấn tại ao tôm của gia đình anh Lê Duy Châu (xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, Cà Mau). Tuy nhiên, trò trộm như cướp này đã xuất hiện, tồn tại nhiều năm qua, không chỉ ở Cà Mau mà còn ở Bạc Liêu và các vùng nuôi tôm khác. Đã có vụ người dân phát hiện, bắt giữ nhưng xử lý chưa triệt để khiến tình trạng này mới kéo dài trong nhiều năm và người dân đã lập nhóm “biệt đội phòng, chống trộm tôm” tự phát để tự bảo vệ mình.
Trước khi nhóm thương lái trộm tôm tấn bị camera ghi hình, nhiều người lâm cảnh nợ nần, phải bỏ xứ vì tôm bị mất mà không biết kêu với ai. Nhiều người còn chịu tiếng oan với đại lý bán thức ăn là “thu hoạch nhiều nhưng giấu bớt”...
Định mang dao đi ăn thua đủ với thương lái
Anh Trần Huy Hoàng, ngụ xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, Cà Mau, nối nghề nuôi tôm công nghiệp của gia đình từ nhiều năm qua. Anh cũng đã nuôi thành công rất nhiều vụ.
Ngày 14-4-2020, anh gọi thương lái đến thu hoạch ao tôm ước chừng hơn 6 tấn. Thế nhưng nhóm thương lái kéo hết cả ao, cân được chỉ 1.540 kg. Anh biết chắc đã bị mất một số lượng tôm thẻ đến hơn 4 tấn nhưng không biết mất như thế nào.
Ông nội của anh Hoàng nghe kết quả thu hoạch nổi giận nói: “Bây làm ăn vậy thì nên bán đất đi móc bọc được rồi”.
Uy tín bao năm gầy dựng với gia đình, dòng họ, đặc biệt là với ông nội, nay bỗng chốc mất sạch. “Lúc đó tôi như người bị điên. Trong đầu cứ luẩn quẩn câu hỏi vì sao như vậy, nó mất đi đâu. Rồi có một tay cò mua bán tôm đến nói là tôi bị nhóm thương lái ăn trộm” - anh kể.
“Tôi đã bỏ túi một cây dao, cùng một số anh em đi tìm nhóm thương lái để bắt quả tang và sẽ bảo họ phải đền, nếu không tôi liều mạng với họ. Tôi muốn lấy lại tiền, muốn ông nội tôi hiểu và tin tưởng tôi” - anh Hoàng nói.
Còn ông Lê Văn Cảnh ở xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân (Cà Mau) bị đại lý thức ăn kiện ra tòa đòi 30 triệu đồng cũng vì nạn trộm tôm.
Ông Cảnh kể: Đại lý cung cấp thức ăn dựa trên số lượng thức ăn mà họ bán ra sẽ biết rõ ao tôm của mình đạt sản lượng bao nhiêu. “Nhưng tháng 7-2016 tôi thu hoạch được có 900 kg, mất khoảng 2,5 tấn. Tôi nói do thương lái ăn trộm, xin khất nợ nhưng đại lý không tin. Họ bảo tôi giấu bớt để không trả tiền thức ăn chứ trộm gì mà ao 3,5 tấn lại bị trộm hết 2,5 tấn... Từ đó đại lý khởi kiện tôi ra tòa” - ông Cảnh nói.
Nhiều người khác gặp phải nhóm thương lái có trò trộm tôm không chỉ mất tiền mà mất cả uy tín, mang tiếng là kẻ dối trá, thu hoạch nhiều tôm mà giấu, không trả nợ.
Ông Trần Hoàng Dạn (xã Tân Hải, huyện Phú Tân) kể: “Tháng 4-2020 tôi cũng bị trộm kiểu vậy. Có người nói tôi thu hoạch hơn 2 tấn tôm mà “nổ” 7-8 tấn. May mà có clip, mọi người mới tin tôi”.
Bỏ xứ vì không giải thích được
Trường hợp anh Lê Văn Linh ở huyện Phú Tân, Cà Mau còn thê thảm hơn. Anh và vợ con phải đi biệt xứ, bỏ lại người mẹ già chỉ vì không thể giải thích được với mọi người vì sao lượng tôm thu hoạch quá ít đến khó tin.
Cuối tháng 6-2020, chúng tôi đến nhà anh, chứng kiến cảnh tượng hoang tàn của những đầm tôm công nghiệp bỏ hoang. Bà Trần Thị Út (mẹ anh Linh) hơn 70 tuổi sống một mình thui thủi, trông giữ các thiết bị, máy móc ở đầm tôm.
Bà kể: Tháng 3-2020, Linh thu hoạch tôm. Nhóm thương lái đến mua tôm vào ban đêm, hừng sáng là mua xong, rút đi. “Con trai tôi nói là đầm tôm ước khoảng 5,5 tấn nhưng họ kéo hết lên cân được có 1,5 tấn, mất 4 tấn tôm. Rồi nó cứ đi đi lại lại trên đầm tôm hoài, nhiều ngày, như người bị tâm thần. Nó không ăn không ngủ, phờ phạc hết. Rồi vợ chồng nó bàn nhau đi làm ăn đâu đó, kiếm ít tiền về trả nợ cho đại lý thức ăn và nuôi tôm trở lại” - bà kể.
Theo người mẹ, trước khi bỏ xứ đi, anh Linh cũng đã thử đi giải thích với các chủ nợ, đại lý thức ăn nhưng không ai tin. Người ta cứ bảo anh không thiệt tình, thu hoạch nhiều mà giấu, không chịu trả nợ.
Tiền cũng hết, uy tín cũng sạch, anh đành bỏ lại mẹ già, biệt xứ. Cả xóm bây giờ không ai biết được anh đi đâu, không biết cả số điện thoại để liên lạc.
Người mẹ cũng cảnh giác với những ai đến hỏi về con trai. Bà luôn nói không biết con đi đâu, cũng không có số điện thoại liên lạc.
Dẫn chúng tôi ra ao tôm, bà cứ kể về việc bà đi ra ao tôm mỗi đêm 14 lần nên bà tin là không có ai ăn trộm tôm của con trai cho đến khi nhóm thương lái đến mua. Với 4 tấn tôm bị mất, con bà đã bị “ăn cướp” gần 500 triệu đồng.
Bà Út nhắc đến con trai càng nhiều thì càng buồn. Và bà đã khóc khi kể về những buổi chiều của mình. Sau khi đi một vòng ra đầm tôm để trông coi đồ đạc cho con trai, bà vào nhà, ra hiên ngồi ngóng vợ chồng đứa con trai cùng sấp cháu nội giờ không biết phiêu bạt nơi nào.
Cách đây một tuần, thằng Hải, cháu ngoại bà, đến thăm và bảo là bà nên kêu cậu Út (tức anh Linh) về nhà vì công an đã bắt được kẻ trộm tôm rồi. “Thằng Hải quả quyết tôm của cậu Út nó đã bị người ta ăn trộm lúc thu hoạch. Nó nói với tôi là kêu cậu về để vạch mặt bọn xấu. Chính nhóm đó đã mua tôm của cậu Út, bị Công an Đầm Dơi bắt rồi” - bà Út buồn rầu kể lại.
Nghe hoàn cảnh của bà Út, nhiều người ở các huyện khác nhau trong tỉnh Cà Mau đã rủ nhau đến thăm hỏi, hùn lại mỗi người một ít gửi biếu cho bà 500.000 đồng. Một sự chia sẻ khiến bà sụt sùi.
Mua một nửa, trộm một nửa
Tháng 7-2020, Công an huyện Đầm Dơi, Cà Mau đã khởi tố vụ án trộm cắp tài sản xảy ra tại đầm tôm của anh Lê Duy Châu ở xã Tạ An Khương của huyện này. Kết quả điều tra bước đầu, nhóm thương lái cân tôm của anh Châu khoảng 2,7 tấn nhưng cùng lúc cân đã trộm của anh khoảng 2,6 tấn. Còn theo anh Châu thì hai ao tôm của anh khoảng 8 tấn, nhóm thương lái cân được 2,7 tấn là hết sạch đầm, tức mất đến hơn 5 tấn.
Về vụ án này, công an đã khởi tố 19 người về tội trộm cắp và không tố giác tội phạm, hồ sơ đã chuyển sang VKSND huyện Đầm Dơi đề nghị truy tố 19 bị can.