Nơi cả làng để tang cá ông để cầu may
Tang ma là chuyện đặng đừng không ai muốn. Thế nhưng với những người dân làng chài Duy Hải (tỉnh Quảng Nam), thì việc "được" để tang cá “ông” (cá voi) sẽ giúp họ gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong việc bám biển mưu sinh. Ở đây, mỗi khi có một cá ông qua đời, cả làng sẽ để tang "ông" để cầu may.
Duyên kỳ ngộ
Từng được nghe kể nhiều về làng chài Duy Hải cổ, nay là xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) nổi danh là một làng chài có lịch sử bám biển lâu đời. Nức tiếng với các vị quan thủy sư đô đốc giỏi điều quân, thuộc Biển Đông như trong lòng bàn tay của mình, của triều đại phong kiến triều Nguyễn thế kỷ 18, 19 trong công cuộc đánh đuổi hải tặc trên biển, đánh đuổi các thế lực thù địch xâm phạm bờ cõi. Từ trung tâm TP.Đà Nẵng về đến Duy Hải chưa đầy 50km.
Nhiều người muốn dẫn chúng tôi về nhà ngư dân Lê Văn Cà, người đang mang "tang" cá "ông" ở địa phương. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mái tôn mới dựng lụp xụp, sân nhà toàn cát trắng vì chưa có tiền "tráng" xi măng, là một người đàn ông chỉ mặc độc chiếc quần xà lỏn, da ngăm đen đặc trưng của những ngư dân quanh năm bám biển mưu sinh. Anh Lê Văn Cà (31 tuổi, ngụ thôn 2 Thuận Trì, xã Duy Hải) vốn làm nghề lặn biển mưu sinh. Anh Cà tâm sự rằng nhà nghèo, trước chưa lấy vợ anh cũng theo tàu lớn bám biển dài ngày. Giờ không đi biển nữa vì từ ngày có gia đình riêng con nhỏ hay ốm vặt, nên anh phải thường xuyên ở nhà phụ vợ chăm con. Chính trong một chuyến đi lạch- cách (cư dân địa phương gọi những chuyến lặn biển gần bờ - PV). Anh đã gặp cá voi lụy (gần - PV) bờ, mà theo phong tục ngư dân địa phương thì khi gặp được điều này anh sẽ gặp rất nhiều thuận lợi.
Anh Cà kể lại: Sáng hôm đó khoảng hơn 10h, sau khi chuẩn bị đầy đủ mọi dụng cụ anh cùng em trai mình là Lê Văn Tường (SN 1990) cho chuyến đi lạch, theo cách gọi cho những chuyến lặn bắt ốc của cư dân địa phương. Đang lặn bắt ốc cách bờ khoảng gần trăm mét anh Cà phát hiện phía xa mình có một vùng nước đục. Hai anh em nghĩ có người đang kéo rùng (lưới), nên bèn đưa thúng lại gần lặn chung cho vui.
Khi thúng chạy lại gần cách vùng đục khoảng hơn 50m thì hai anh em không thấy ngư dân nào cả. Vùng nước đục do có một vật thể lạ màu đen tạo ra. Nhìn thấy con cá có hình dáng lạ anh Cà và em trai mình cho rằng đó là cá mập vì có hình dạng lạ nên lúc đầu còn e sợ không dám lại gần mà cho thúng đứng im quan sát. Sau một hồi lâu quan sát, khi biết đây không phải cá mập mà là cá ông đang mắc cạn, hai anh em bàn nhau tìm cách đẩy giúp "ông" ra khơi. Nhiều lần hai anh em đẩy "ông" hướng ra biển xa bờ thì "ông" lại đi theo thúng của anh Cà khi hai anh em quay thúng hướng về bến.
Hiện thân của tổ tiên và cứu nạn
Anh Lê Văn Tường em trai anh Cà tin rằng, "ông" muốn vào nghỉ ở đây. Anh bảo lúc khiêng "ông" lên bờ rất nhẹ nhưng khi gần 10 người dìu "ông" lại xuống biển thì rất nặng nên không thể đưa lại xuống. Nên đến tối ngày 21/5 sau rất nhiều nỗ lực duy trì sự sống cho ông không thành công, ban bô lão của lãng mới quyết định đưa "ông" lên bờ để chuẩn bị làm lễ tang cho "ông". Lúc này, "ông" được đưa vào một bãi đất rộng, dựng bạt che nhằm để cho mọi người có thể đến viếng ông. Sau khi mai táng cho "ông", anh Cà là người được chọn để tang “ông”.
Theo các bô lão trong làng thì phong tục táng "ông" và để tang cá "ông" của cư dân làng này không biết có từ bao giờ. Theo lão ngư Phạm Lương (82 tuổi) thì người dân vùng này vốn xuất thân từ vùng Nghệ An, Thanh Hóa theo chân vua Lê Thánh Tống chinh phạt Chăm Pa rồi ở lại định cư từ bấy giờ. Vốn sẵn nghề chài lưới nên họ tiếp tục lấy nghề biển mưu sinh. Rồi nhiều lần cư dân biển vùng này gặp nạn được cá "ông" giúp đỡ, nên họ tin rằng cá "ông" là hiện thân của tổ tiên mình đến để giúp đỡ những ngư dân gặp nạn trên biển.
Chính vì vậy người dân ở Duy Hải có một niềm tin mãnh liệt rằng, họ sẽ gặp thuận lợi khi ra khơi đánh bắt. Ngư dân ở đây từ bao đời đã truyền lại cho con cháu mình phong tục hễ ai phát hiện ra "ông" lụy bờ thì người đó may mắn sẽ được để tang ông.
Những điều cấm kỵ khi chịu tang cá “ông”
"Ông" được đưa lên bờ từ chiều ngày 21/5 nhưng theo những ngư dân địa phương kể lại thì do chưa phải ngày đẹp nên ông chưa "đi". Lễ táng "ông" được tổ chức một cách trịnh trọng. Trong suốt thời gian đó dân làng mở hội, tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống của địa phương như chơi bài chòi, đi cà kheo, biểu diễn các bài dân ca truyền thống phục vụ mọi người trong thôn. Những người già trong thôn cho biết hai mươi năm rồi "ông" mới "lụy" Duy Hải.
Theo những ngư dân địa phương thì người may mắn được để tang "ông" hôm đó là ngư dân Lê Văn Cà, người phát hiện ra "ông". Anh cho biết: "Làng mình trước cũng có nhiều người để tang "ông" lắm, nhưng 20 năm rồi giờ mới có mình may mắn được để tang “ông”". Họ để tang "ông" như để tang một thành viên trong gia đình vừa mất đi. Anh Cà người đang để tang cá "ông" cho biết: Anh cũng mặc áo tang như khi có người trong gia đình mất. Suốt thời gian để tang "ông" anh không được "ngủ" với vợ con mà phải ngủ riêng một mình. Anh không được "chui" qua dây phơi quần áo. Vì theo tín ngưỡng của ngư dân ở đây, họ tin rằng nếu làm những điều cấm kỵ trên khi đi biển, dù đi thúng hay thuyền lớn cũng đều bị lật.
Suốt thời gian để tang "ông" ngày nào anh cũng ra thắp hương chăm nom cho phần mộ của "ông", khẳng định niềm tin vào tín ngưỡng của mình cũng như của những ngư dân cả đời bám biển ở đây.
Cảnh tượng như truyện cổ tích
Thấy lạ, hai anh em bèn về làng kêu thêm người để đưa "ông" ra khơi. Hàng chục ngư dân trai tráng giúp "ông" ra biển nhưng "ông" cứ lội vào bờ. Vài lần cố gắng không thành, anh Cà thành tâm cầu xin: "Nếu ông muốn vào bờ nghỉ thì xin đi theo chúng con để chúng con tìm chỗ cho ông nghỉ". Họ dong thuyền theo con lạch hướng về phía làng Thuận Trì, "ông" cứ vậy lội theo sau thuyền của các ngư dân gần chục km. Về đến làng anh Cà khấn: Nếu "ông" thật sự muốn vào "nghỉ" ở đây thì nhảy lên bờ cho chúng tôi táng "ông" cho đàng hoàng. Thế là "ông" quay đầu ngược ra biển rồi bất ngờ phi thẳng vào bờ trong sự ngỡ ngàng của hàng chục ngư dân lúc bấy giờ.