Nỗi lo thiếu vốn sản xuất cá tra
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, XK cá tra Việt Nam 2 tháng đầu năm nay đạt 264,4 triệu USD, tăng 18,6% so với cùng kỳ năm ngoái. XK cá tra trong những tháng đầu năm vẫn tiếp đà khởi sắc. Nhiều nhà NK đã bắt đầu đặt mua khối lượng lớn cá tra với giá cao hơn khoảng 10 - 20 xen/kg nhưng nhiều DN gần như không có khả năng đáp ứng được đơn hàng vì lý do chính được đưa ra là thiếu vốn sản xuất.
Thiếu vốn là khó khăn lớn nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh cá tra tại thời điểm hiện nay, bao gồm cả người nuôi cá và DN chế biến XK. Hiện giá cá tra tại ĐBSCL chỉ còn dao động quanh mức trên dưới 24.000 - 25.000 đồng/kg, trong khi 10 ngày trước là 25.000 - 26.000 đồng/kg. Giá cá tra giảm trong khi giá chi phí đầu vào (thức ăn, thuốc…) ngày càng tăng là nỗi lo lớn đối với người nuôi cá không chỉ vào lúc này mà có lẽ sẽ còn tiếp diễn suốt trong cả năm 2012.
Bên cạnh đó, gần đây có một số ít công ty gặp khó khăn trong việc trả nợ tiền mua cá của nông dân đã tác động đến tâm lý người nuôi nên họ yêu cầu các công ty thủy sản khi mua cá phải “tiền trao” mới được “cá xúc” mang về! Trong khi đó, ngân hàng lại cũng siết chặt khâu cho vay nên DN không có đủ tiền, chỉ mua cầm chừng. Đây được đánh giá là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc làm sụt giảm giá cá tra nguyên liệu.
Một số người nuôi cho biết, tuy ngân hàng có đầu tư tài chính cho nghề nuôi cá tra nhưng không đáng kể vì chủ yếu ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn, song không thể lấy vốn ngắn hạn đầu tư cho dài hạn vì vụ nuôi cá tra bây giờ không chỉ từ 4 đến 6 tháng mà do những khó khăn trong quá trình nuôi - nhất là do thiếu tiền mua thức ăn nuôi cá (vốn vẫn đang tăng đến mức chóng mặt!) - nên nhiều khi người nuôi cá buộc cũng phải nuôi theo lối “cầm chừng” kéo dài đến 9 - 10 tháng, làm tăng thêm chi phí nuôi, ảnh hưởng đến lợi nhuận và hệ quả là có những lúc làm nản lòng cả người nuôi cá lẫn DN chế biến!
Còn DN XK cá tra cũng cho rằng khó khăn lớn nhất hiện nay của họ là tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp và chi phí sản xuất tăng cao… Theo tổng hợp của VASEP, mặc dù lãi suất đã giảm còn 14,5%/năm từ đầu năm 2012 nhưng DN rất khó vay được tiền với lãi suất này(?).
Hiện nay DN đang phải vay với mức lãi suất phổ biến từ 15 - 19%/năm, trong đó rất ít DN có thể vay được với mức lãi 15%. Với mức lãi lên đến 19 - 20%/năm thì hầu như không có DN nào dám liều lĩnh vay vốn trong tình hình thị trường XK khó khăn như hiện nay vì cho dù DN có hoạt động tốt đến đâu đi nữa thì cũng chỉ đủ để trả lãi vay và cho các chi phí khác mà không có lãi để tiếp tục phát triển.
Theo phân tích của VASEP, nhóm sản xuất và XK cá tra là nhóm có nhu cầu vay vốn lớn nhất trong năm 2012 cho các hoạt động mở rộng vùng nuôi cá tra, đảm bảo cho chế biến XK và thu mua nguyên liệu từ trong dân. Trong đó, nguồn vốn vay khẩn cấp ngay trong quý II/2012 cần từ 10 - 500 tỷ đồng để đầu tư vào vùng nguyên liệu, giống, thức ăn, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động sản xuất và chế biến.
Vốn cho hoạt động phát triển sản xuất và chế biến cần từ 10 – 300 tỷ đồng để nâng cấp nhà xưởng, đầu tư vùng nguyên liệu. VASEP cho rằng thời gian đáo hạn ngân hàng nên tạm thời giãn cho các DN đang hoạt động kinh doanh tốt nhưng bị tác động do các thị trường NK đều chậm thanh toán từ 45 - 60 ngày và do hình thức thanh toán DP ở thị trường Mỹ.
VASEP đề xuất ngân hàng nên nghiên cứu chính sách linh hoạt, phù hợp với đặc thù của ngành như cho vay ngắn hạn theo đơn hàng tùy theo mức độ và thời gian thanh toán của thị trường để giúp các DN không phải chấp nhận bán giá thấp để quay vòng vốn, đáo hạn ngân hàng. Cần thẩm định, nghiên cứu cho vay đối với các dự án khả thi của các DN về phát triển vùng nuôi, liên kết nuôi để đảm bảo nguồn cung, đủ thời gian thu hồi tiền từ XK…, giúp các DN và ngành cá tra đứng vững và phát triển.