TIN THỦY SẢN

Nơi ngã ba biên giới Bờ Y

Gia đình ông Phạm Văn Đào, thôn Iệc, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) làm giàu từ mô hình VACR. Bài và ảnh: NGỌC LIÊN

Là xã động lực phát triển của huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, những năm qua, xã Bờ Y luôn tìm cách phát huy nội lực, khơi dậy sức dân trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, tạo sự khởi sắc cho vùng đất giáp biên này.

Đã thành nếp bảy năm nay, cứ vào sáng mùng 10 hằng tháng là bà con thôn Măng Tôn lại quy tụ tại sân nhà văn hóa làm lễ chào cờ. Theo Bí thư Chi bộ thôn Măng Tôn Vũ Thị Ngọc Mai, đây là hoạt động thiết thực bắt đầu từ khi triển khai, tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Từ cách hay của thôn Măng Tôn, việc làm ý nghĩa này được thực hiện trong cả xã, rồi năm 2010 nhân rộng ra toàn huyện Ngọc Hồi. Lễ chào cờ cũng là buổi họp thôn, là “kênh giao lưu” giữa cán bộ với bà con, nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của cơ sở. Từ buổi chào cờ, nhiều phong trào được phát động, như: “Hũ gạo tình thương, ống tiền tiết kiệm”, phong trào hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động xây dựng các công trình công cộng, chỉnh trang nhà cửa, đường giao thông nông thôn...

Từ khi có phong trào “Hũ gạo tình thương, ống tiền tiết kiệm”, nhiều gia đình khó khăn trong thôn được hỗ trợ tiền mua cây, con giống, phân bón; các em học sinh nghèo học giỏi, học sinh đặc biệt khó khăn được giúp đỡ, “nâng bước” đến trường,... Với tinh thần “lá lành đùm lá rách” như thế, nhiều gia đình phần nào vơi bớt khó khăn. Từ phong trào hiến đất, chợ nông thôn đầu tiên của xã Bờ Y được xây dựng rộng 2.000 m2. Nhiều công trình khác như nhà văn hóa thôn, đường sá… đều được xây lên từ công sức của người dân.

Măng Tôn là thôn trung tâm của xã Bờ Y, có trục đường chính đi cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Nhớ lại thời điểm chưa có dự án xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, đồng chí Vũ Thị Ngọc Mai cho biết, đường đi lại heo hút, sáu tháng mùa mưa thì lầy lội; kinh tế chủ yếu dựa vào trồng mì, lại bị các lái thương ép giá, sản phẩm nhiều nhưng giá thấp, đời sống bà con khó khăn. Giai đoạn 2004 - 2007, khu kinh tế cửa khẩu được đầu tư, xã cũng khẩn trương triển khai xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, như trường học, các công trình phúc lợi. Bà con trong thôn phấn khởi, không khí xây dựng nông thôn mới khẩn trương, bận rộn. Đây cũng là động lực để Bờ Y hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, dù không được chọn làm xã điểm.

Từ khi khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y được xây dựng, đường sá thuận lợi đã rút ngắn khoảng cách xã biên giới xa xôi. Tuy nhiên, điều bà con mong muốn hiện nay là dự án cửa khẩu đẩy nhanh tiến độ, thu hút được các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy, sử dụng lao động của địa phương để thanh niên không phải đi làm ăn xa.

Cách đây ba năm, trong một chuyến lên thăm khu vực kinh tế cửa khẩu Bờ Y, nhận thấy những điều kiện thuận lợi, gia đình bác Phạm Văn Đào quyết định rời TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai lên thôn Iệc, xã Bờ Y, mở trang trại. Những ngày đầu gặp không ít khó khăn, gia đình bác Đào được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn ngân hàng 300 triệu đồng để mua con giống, thức ăn chăn nuôi và phát triển mô hình kinh tế VARC. Hiện nay đàn lợn của gia đình có 120 con, ao cá rộng sáu sào, vườn cà-phê cho thu hoạch ổn định…

Sự năng động, sáng tạo của các cấp chính quyền trong triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương đã góp phần mang luồng gió mới cho đồng bào vùng cao nơi đây vượt khó khăn, bứt phá nhanh chóng. Từ thực tiễn, trình độ năng lực, kinh nghiệm vận động quần chúng của đội ngũ cán bộ từ xã xuống thôn được nâng lên rõ rệt; việc huy động các nguồn vốn lồng ghép từ nhiều dự án và các doanh nghiệp đóng chân trên địa bàn mang lại hiệu quả đáng kể. Phó Chủ tịch UBND xã Bờ Y Tống Văn Đồng chia sẻ: Bờ Y có được những đổi thay như hiện nay là do cấp ủy, chính quyền địa phương luôn thực hiện tốt quy chế dân chủ. Mọi chủ trương của xã bà con đều được biết, tham gia bàn luận và thống nhất cách làm. Bất cứ vấn đề gì bà con băn khoăn, lo ngại, chính quyền địa phương đều kiểm tra, giải quyết, để bà con an tâm tư tưởng, lao động sản xuất, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi Mai Thoan cho biết, trên cơ sở phát huy những thành quả đã đạt được, khai thác tiềm năng, thế mạnh của xã, huyện đang phối hợp với ban quản lý để giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút vào khu cửa khẩu quốc tế, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững cho Bờ Y.

Trước đây, nghe nói cửa khẩu Bờ Y xa lắm, nằm ở tận ngã ba biên giới, trung tâm tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Giờ đây lên cửa khẩu quốc tế này, thấy thật sầm uất, sôi động. Từ các đường thôn, lối xóm đến những công trình đang thi công ra tận biên giới, đâu cũng rộn ràng sắc xuân mới.

Bài và ảnh: NGỌC LIÊN Báo Nhân Dân, 12/01/2016