TIN THỦY SẢN

Nơi “nuôi cá chết“ ở Đồng Nai

Một góc phòng trưng bày của bảo tàng Nguyễn Lộc

Lần đầu tiên ở  Việt Nam, xuất hiện một loại bảo tàng mới đó là… Bảo tàng cá ở Đồng Nai. Có thể du khách sẽ không hào hứng với mô hình bảo tàng này, nhưng thực sự đó là một hoạt động ý nghĩa trong bối cảnh môi trường ô nhiễm đang tận diệt rất nhiều sinh vật.

Gìn giữ cho muôn đời sau…

Ông Lưu Văn Du, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai tâm sự: Càng ngày không khí, môi trường càng bị ô nhiễm do tác động vô tội vạ của con ngừơi, dẫn tới tình trạng  nhiều loài cá, tôm, thuỷ sinh tại Đồng Nai bị giảm sút số lượng, trong đó có không ít loài cá đã bị hoặc có nguy cơ diệt vong do môi trường sống của chúng bị đe doạ. Trước đây các loài cá ăn cực ngon, kiếm dễ dàng bao nhiêu và thậm chí còn được coi như những loài đặc sản như cá Duồng, cá Tráp, cá Tỳ bà...thì nay kiếm mỏi mắt cũng không thấy.

Bảo tàng cá khá hoành tráng với hàng trăm loài thuỷ sinh được ngâm trong các tủ kính trong suốt được ướp phooc-môn (formaline) và bảo quản trong phòng máy lạnh. Vừa giới thiệu trong lúc chúng tôi tham quan bà Lâm Thị Vân Thoa, Trưởng phòng Kiểm kê bảo quản Bảo tàng Đồng Nai kể rằng, việc thực hiện Bảo tàng cá do còn mới lạ, nên chúng tôi thực hiện mỗi năm một chút, vừa làm vừa rút kinh nghiệm để đạt đựơc hiệu quả tốt nhất…Vì vậy, loài thuỷ sinh nào có nguy cơ bị tận diệt thì ưu tiên làm trước, còn những loài tôm, cá, cua ốc…còn phổ biến thì sẽ thực hiện sau.

Nghề nuôi cá…chết

Thật bất ngờ khi vào thăm Bảo tàng cá, cứ ngỡ các loài thủy sinh này còn … sống vì mỗi loài được đặt trong một tủ kính có chứa dung dịch lỏng  trong vắt như nước và được bày trí rất cầu kỳ nên nhìn rất tự nhiên. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm (Bảo tàng Đồng Nai), người đã nhiều năm gắn bó nơi này nói: Việc nuôi cá … chết cũng công phu lắm. Nếu mình không cầu kỳ, tỉ mẩn thì các loài thủy sinh khó mà còn nguyên vẹn được hình dạng, màu sắc cũng như mùi…

Theo bà Nguyệt, từ năm 2006 Bảo tàng Đồng Nai đã tiến hành sưu tầm mẫu động vật thủy sinh. Bảo tàng cá góp phần làm phong phú nội dung nghiên cứu về thuỷ sinh cũng như  là nơi để tuyên truyền “mắt thấy tai nghe” cho người tham quan. Qua nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, tiến hành thu thập mẫu động vật thủy sinh, đến nay đã có tổng cộng 815 tiêu bản các loại thủy sản đựơc trưng bày. Trong đó, hệ cá có  62 loài, còn lại là giáp xác như tôm cua và nhuyễn thể… Bà Nguyệt cho biết, chúng tôi đã thu thập được nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao với sản lượng khai thác lớn như cá lăng, cá mú, cá chẽm, chình mun, bống tượng...

Nói về quá trình sưu tầm mẫu động vật thủy sinh ở Đồng Nai, bà Nguyệt ví von việc thực hiện không kém gì việc bảo quản…cổ vật. Công đoạn đầu tiên là thu thập các mẫu cá ở các các vùng trong tỉnh, sau đó lấy mẫu đưa về phòng thí nghiệm để xử lý, bảo quản theo đúng kỹ thuật. Đặc biệt, các mẫu cá khi thu thập về phải được bảo tồn nguyên vẹn hình dáng, từ cái vây cho đến cái vẩy, không để mẫu phẩm bị dị hình, dị vật. Ngoài ra, các mẫu đem về bảo quản phải ở độ tuổi trưởng thành nhất. Bước kế tiếp là phải xử lý tiêu bản mẫu thủy sinh sao cho nó cố định bằng cách bơm phọc môn  nguyên chất vào các vị trí đặc thù, những chỗ dễ gây thối rữa như miệng, mang, bụng… Sau đó, đặt chúng vào thùng thủy tinh tương ứng với kích thước của mẫu cá, hay tôm như chúng đang vùng vẫy, bơi lội ngoài tự nhiên sông nước. Cuối cùng là khâu xây dựng cho chúng một “hồ sơ lý lịch” với đầy đủ các thông tin khoa học như tên loài, nơi phân bổ, cân nặng, giá trị, cho đến kỹ thuật nuôi trồng…để ngừơi tham quan biết được rõ.

Trao đổi thêm với chúng tôi, bà Nguyệt nói, mặc dù việc thực hiện Bảo tàng cá còn gặp nhiều khó khăn như kinh phí, công tác nghiên cứu, bảo quản hoặc tìm ra các loài thuỷ sinh quý hiếm… Tuy nhiên, nhờ sự đam mê và mong muốn có một “thế giới thuỷ sinh Đồng Nai thu nhỏ” nên chúng tôi vẫn cố gắng duy trì thực hiện để làm sao có được một bảo tàng cá đầy đủ nhất, sinh động nhất.

Nguyễn Lộc PLVN