TIN THỦY SẢN

Nông hộ nuôi cá tra ngày càng “teo tóp”

Ảnh minh họa. Nguồn: Tepbac Thành Công

Trong bối cảnh kinh tế cạnh tranh khốc liệt, hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ ngày càng mất dần vị thế của mình khi phần lớn diện tích nuôi cá tra của họ trước đây nay đã trở thành vùng nuôi cá tra nguyên liệu của doanh nghiệp. Trước tình trạng này, các hộ nuôi cá tra nhỏ chỉ còn cách liên kết sản xuất lại theo mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác và hình thành liên kết giữa bốn nhà “hộ nuôi cá, nhà máy sản xuất thức ăn, ngân hàng, nhà máy chế biến xuất khẩu” để tiếp tục tồn tại và phát triển trong thời gian tới.

Hộ nuôi cá tra dần biến mất

Trong thời kỳ “vàng son” của nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu, vai trò của các bên trong chuỗi ngành hàng cá tra đã được phân định rõ, trong đó nông dân lo nuôi cá tra, còn doanh nghiệp đảm nhận khâu chế biến cá tra và tìm thị thường xuất khẩu. Tuy nhiên, những năm gần đây khi ngành hàng cá tra “xuống dốc”, để chủ động nguyên liệu, tiết giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận thì các doanh nghiệp đua nhau thực hiện mô hình sản xuất khép kín. Điều này đã dần đẩy các hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ ra khỏi “sân chơi” mà trước đây thị trường đã “phân công” cho họ.

Theo báo cáo nghề nuôi cá tra của một số tỉnh khu vực ĐBSCL gần đây, tại Đồng Tháp (địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất nước) hiện có 1.939 ha nuôi cá tra, trong đó vùng nuôi của doanh nghiệp chiếm hơn 66% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh và diện tích nuôi cá tra gia công cho doanh nghiệp chiếm 11%, chỉ còn lại 23% diện tích là của các hộ nuôi cá tra độc lập. Tại An Giang, diện tích nuôi cá tra cả tỉnh khoảng 820-830 ha, trong đó vùng nuôi cá tra của doanh nghiệp là trên 600 ha, chiếm hơn 70% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh. Còn tại Tiền Giang, tổng diện tích nuôi cá tra là hơn 122 ha, trong đó có 57,9 ha là vùng nuôi của doanh nghiệp và 64,2 ha là của hộ nuôi, trong đó không ít  ao nuôi của hộ dân đang tạm ngừng nuôi.

Về sự thay đổi cơ cấu nghề nuôi cá tra vùng ĐBSCL, theo kết quả điều tra của Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, năm 2012, các hộ nuôi cá tra thả nuôi 1.748 ha (chiếm 48,7% tổng diện tích nuôi), còn doanh nghiệp nuôi 1.761 ha (chiếm 49,1%) và còn lại 2,2% là của Hợp tác xã. Bước sang năm 2013, số liệu của Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho thấy, tỷ trọng diện tích nuôi cá tra của hộ nuôi chỉ còn 35,5%; trong khi diện tích nuôi cá tra của doanh nghiệp lên đến 59,9% và diện tích nuôi cá tra của hợp tác xã là 4,6%. Thậm chí, theo kết quả đăng ký nuôi cá tra theo Nghị định 36/NĐ-CP đến ngày 18/7/2015 của Hiệp hội cá tra Việt Nam, diện tích đăng ký nuôi cá tra toàn vùng ĐBSCL là 1.225 ha, trong đó chỉ riêng doanh nghiệp đăng ký nuôi 1.080 ha (chiếm 88,1%), còn hộ nuôi cá tra chỉ đăng ký nuôi 145 ha (chiếm 11,9%).

Thực tế cho thấy, những hộ nuôi cá tra hiện nay còn tồn tại hầu như là những hộ nuôi quy mô lớn, có tiềm lực kinh tế và liên kết được với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Ông Nguyễn Văn Đời, ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, từ năm 2008 đến nay dù phần lớn thời gian giá cá tra nằm ở mức thấp, nông dân nuôi cá thua lỗ nhưng ông vẫn lãi đều.

“Nhờ có nhiều ao cá nuôi rải vụ, cá thu hoạch nhiều thời điểm trong năm, ao này bù lỗ cho ao kia nên hơn 10 năm nuôi cá tra tôi chưa bao giờ lỗ. Điểm mốc đáng nhớ gần đây nhất là năm 2008, tôi có ao nuôi cá tra quá lứa hàng trăm tấn cá nhưng nhờ dịp may, tôi ký được hợp đồng bán cá cho doanh nghiệp với giá 15.500 đồng/kg, trong khi giá thị trường chỉ 12.000 đồng/kg. Còn các ao nuôi cá tra khác cố gắng cầm cự đến cuối tháng 9 năm đó thì cá tra tăng vọt lên 25.000-26.000 đồng/kg và tôi thu hồi được vốn đã bỏ ra. Ngoài ra, những năm giá cá quá thấp cũng nhờ nuôi gia công cho doanh nghiệp nên tôi cũng thoát lỗ”, ông Năm Đời chia sẻ.

Sự phát triển ngược trong chuỗi

Theo Hội Nghề cá tỉnh Tiền Giang, để nuôi 01 hecta cá tra thì cần vốn đầu tư lên đến cả chục tỷ đồng nên khi giá cá tra rẻ hơn giá thành sản xuất, thị trường tiêu thụ bấp bênh thì các hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ không đủ sức cầm cự, buộc phải “treo ao”, bỏ nghề, làm thuê trên chính ao nuôi cá của mình hay nuôi gia công cho doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, xu hướng khép kín sản xuất tiếp tục được các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu chú trọng và các tổ chức này đang dần hoàn thiện, hình thành dây chuyền khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, giống, nuôi thương phẩm đến chế biến xuất khẩu và chế biến các phụ phẩm như: bột cá, dầu cá, collagen… nhằm đem lại lợi nhuận tối ưu cho doanh nghiệp. Hơn nửa, khi doanh nghiệp chủ động được phần lớn nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu thì khi thị trường tiêu thụ thu hẹp đương nhiên phải ưu tiên thu hoạch cá của doanh nghiệp, việc không tiêu thụ hay ép giá cá tra nguyên liệu của nông dân là không tránh khỏi. Đây cũng là lý do chính khiến cơ cấu sản xuất cá tra ngày càng có sự thay đổi lớn như hiện nay.

Sự phát triển của chuỗi ngành hàng cá theo hướng khép kín như hiện nay được Hiệp hội cá tra Việt Nam gọi là “sự phát triển ngược trong chuỗi”, bởi thay vì phát triển hội nhập dọc theo chuỗi để phát triển thị trường, cạnh tranh ở nước ngoài thì ngành cá hội nhập ngược trở lại trong chuỗi. Các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đua nhau mở rộng vùng nuôi, nhà máy sản xuất thức ăn cá, gia tăng cạnh tranh trong nước. Những diễn biến này đã dẫn đến thu hẹp thị trường ở nước ngoài, gia tăng cạnh tranh trong nước, suy giảm lợi nhuận toàn chuỗi ngành hàng cá tra, suy kiệt tài nguyên, gia tăng các xung đột và các doanh nghiệp quay lại đổ lỗi trong nước.

Các chuyên gia ngành cá tra cho biết, hiện nay mối liên kết sản xuất giữa hộ nuôi cá tra với doanh nghiệp chế biến cũng còn rất lỏng lẽo, nhiều bất cập. Gần đây doanh nghiệp không ký hợp đồng đầu vụ với hộ nuôi mà chỉ ký hợp đồng nguyên tắc mang tính tham khảo, đến khi mua cá của hộ nuôi, doanh nghiệp mới ký hợp đồng với giá cả cụ thể. Tuy nhiên, hợp đồng này được ký mơ hồ khi có tranh chấp xảy ra thì không có tính pháp lý và thường gây bất lợi cho người dân. Chẳng hạn, thời hạn hợp đồng trả tiền bán cá của doanh nghiệp được ghi trong hợp đồng là sau 30 ngày kể từ ngày bán cá thì 3 tháng cũng là sau 30 ngày, mà 3 năm cũng là sau 30 ngày.

Ông Trần Thanh Hồng Hải có ao nuôi cá tra diện tích 8.000m2 ở ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, năm 2013, ông nuôi gia công cho một công ty chế biến cá tra xuất khẩu, theo đó công ty sẽ cung cấp thức ăn theo hệ số 1,6 và sau thu hoạch công ty sẽ bắt toàn bộ cá với mức khoán các các chi phí con giống, thuốc men, nhân công, tiền thuê ao là 5.000 đồng/kg cá. Sau khi thu hoạch, tính ra còn lãi 2.500 đồng/kg cá nhưng  hơn 1 năm sau ông mới nhận được hết tiền bán cá.

Cần tăng cường liên kết ngang – dọc

Với vị thế ngày càng thấp, các hộ nuôi cá tra quy mô nhỏ vốn đã khó khăn lại phải tiếp tục đối diện với nhiều thách thức hơn trong chặng đường phát triển sản xuất phía trước, nhất là trong vấn đề ổn định đầu ra cho cá tra nguyên liệu và đàm phán giá cả với doanh nghiệp chế biến.

Để người nuôi cá tra độc lập tiếp tục trụ lại với nghề và phát triển bền vững trong thời gian tới, theo một chuyên gia ngành nông nghiệp Tiền Giang, giải pháp quan trọng được đưa ra là các hộ nuôi cá tra phải liên kết ngang theo mô hình hợp tác xã nhằm tạo ra nguồn cung cá tra nguyên liệu đủ lớn để kiểm soát giá bán được tốt hơn. Đồng thời, xây dựng liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà “hộ nuôi cá, nhà máy sản xuất thức ăn, ngân hàng, nhà máy chế biến xuất khẩu” để cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ con cá tra.

Mặt khác, Nhà nước cần phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, đẩy nhanh tiến độ thay thế đàn cá tra bố mẹ để tạo con giống chất lượng tốt, sạch bệnh, tăng sức đề kháng; sớm quy định giá sàn thu mua cá tra nguyên liệu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý chất lượng giống, chất lượng thức ăn, thuốc thú y dùng trong nuôi trồng thủy sản; đẩy mạnh chính sách hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi với thời gian vay trung hạn hoặc dài hạn để người nuôi cá tra có nguồn vốn tiếp tục tái sản xuất.

Thành Công Tiền Giang, 13/12/2015