Nuôi cá đặc sản: Có đầu ra nhưng chưa đủ giống
Tỉnh Nghệ An đang nghiên cứu sản xuất nhiều hơn nữa các con đặc sản đưa vào nuôi trồng trong ngành Thủy sản. Hoạt động này đang kỳ vọng sẽ nâng giá trị kinh tế nuôi trồng thủy sản trên diện tích mặt nước.
Cá truyền thống khó đầu ra
Gia đình anh Phan Hồng Lĩnh ở xóm 6, xã Nam Giang (Nam Đàn) có 6 mẫu ao dùng để nuôi cá hàng hóa theo hướng thâm canh. Anh Lĩnh cho hay: Trước đây, nghề nuôi cá ao mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi thị trường tiêu thụ tốt, nhưng mấy năm gần đây, thị trường tiêu thụ các loại cá truyền thống khó khăn, giá bán thấp, khiến gia đình không chú trọng đầu tư nuôi nữa.
Theo anh Lĩnh, bây giờ “muốn giàu phải nuôi cá... đặc sản” chứ nuôi cá truyền thống không ăn thua. Vì vậy, tới đây anh sẽ dành một số diện tích ao để nuôi cá đặc sản: Trắm giòn, cá lóc, rô phi đơn tính.
Trên địa bàn huyện Nam Đàn hiện có 583 ha ao và 315 ha nuôi cá vụ 3, theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đa phần diện tích muôi cá nước ngọt của huyện là nuôi cá truyền thống. Mặc dù sản lượng đạt cao, nhưng giá trị kinh tế không cao, do những năm gần đây thị trường cung ứng nhiều loại thực phẩm mới, cá tiêu thụ khó.
Tại hội nghị tổng kết công tác thủy sản của năm 2018 vừa qua, đại diện một số địa phương cho rằng, cá truyền thống đang gặp khó về đầu ra, nhiều hộ không chú trọng nuôi cá.
Sản xuất cá giống tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Lô Khăm Kha - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tương Dương cho biết: Huyện có nhiều lợi thế để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Đó là tận dụng mặt nước của các lòng hồ thủy điện, trên các sông suối. Hàng năm Nhà nước có chính sách hỗ trợ cá giống cho người dân, đã tạo động lực để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, đáp ứng nhu cầu thực phẩm tươi sống cho người dân. Tuy nhiên, phần lớn là các loại cá truyền thống, nên giá trị kinh tế thấp. Hiện nay, nhiều hộ dân đầu tư nuôi cá lồng trên các lòng hồ, rất muốn nuôi các loại cá đặc sản để cung ứng cho thị trường, nhưng rất khó mua con giống.
Những năm qua, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống khuyến nông trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nhiều mô hình nuôi cá đặc sản: cá lăng, leo, chép giòn, trắm giòn, cua đồng... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, nhiều hộ dân tiếp tục đầu tư nuôi cá đặc sản trong ao, hồ nhỏ, cung ứng cho thị trường “khó tính” như nhà hàng, khách sạn... đặc biệt cung cấp thực phẩm tươi ngon có chất dinh dưỡng cao cho các bữa tiệc cưới.
Cá giống truyền thống là chủ yếu tại các cơ sở sản xuất cá giống trên địa bàn tỉnh hiện nay. Ảnh: Xuân Hoàng
Tìm hiểu qua một số dịch vụ chuyên phục vụ mâm cỗ cưới trên địa bàn tỉnh được biết, trước đây để chuẩn bị được món cá đặc sản trên mâm cỗ cưới rất khó khăn, vì phụ thuộc tư thương buôn bán từ các nơi, nhưng hiện nay đã có một số gia đình nuôi cá trắm giòn, chép giòn, cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, nên nhiều lúc phải đặt hàng từ các tỉnh khác về.
Hướng đến nuôi con đặc sản
Trên địa bàn tỉnh hiện có 32 cơ sở sản xuất con giống mặn, lợ và 8 cơ sở sản xuất con giống nước ngọt. Những năm vừa qua, các đơn vị, trung tâm, trạm trại sản xuất giống thủy sản nói chung đã cung cấp đủ con giống cho người nuôi, góp phần từng bước chủ động về con giống, rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao sản lượng trên cùng diện tích mặt nước, đưa nghề nuôi trồng thủy sản trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến và tiêu dùng trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Những sản phẩm con giống thủy sản giúp nghề nuôi thủy sản tại các địa phương chủ động, ổn định về số lượng, chất lượng con giống cá nước ngọt như rô phi, cá chép, trắm, trôi... vốn phổ biến trong ao hồ, mà một số đơn vị sản xuất giống thủy sản còn cho "ra lò” một số loại cá đặc sản như cá leo. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu cho người dân về đa dạng hóa đối tượng nuôi, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như: Cá lăng, cá leo, cá lóc, tôm càng xanh... được các cơ sở dịch vụ cung ứng từ địa phương khác về, làm phong phú thêm đối tượng nuôi trong ao, hồ nhỏ.
Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Tiến - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Mặc dù ngành sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu về số lượng các loại cá, tôm, cua giống cho người nuôi, nhưng vẫn còn hạn chế. Đó là các đơn vị sản xuất con giống chưa chủ động sản xuất được nhiều chủng loại giống cá đặc sản. Các loại cá truyền thống thời gian gần đây có chiều hướng giảm giá trị kinh tế.
Vì vậy, các đơn vị sản xuất, cung ứng giống thủy sản, đặc biệt là giống cá nước ngọt, cần nghiên cứu chủ động sản xuất các loại cá giống đặc sản. Ngoài cá leo đã sản xuất được tại một số đơn vị, cần chú trọng nghiên cứu thêm các giống: Cá lăng, cá lóc, tôm càng xanh, chạch... nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao của khách hàng và người tiêu dùng.
Đã có một số cơ sở sản xuất cá giống trên địa bàn tỉnh đã cho "ra lò" giống cá leo để cung ứng cho người dân nuôi. Ảnh: Xuân Hoàng
Ông Trần Hữu Tiến cho biết thêm, định hướng của ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong những năm tới: Đối với nuôi cá ao, hồ nhỏ, tập trung đẩy mạnh hình thức nuôi bán thâm canh và thâm canh, nhằm tăng năng suất, sản lượng, tăng hiệu quả kinh tế, đặc biệt tại các huyện ven biển, đồng bằng, tập trung các đối tượng nuôi: cá rô phi đơn tính, cá lóc... Đối với nuôi cá lúa, đẩy mạnh nghề nuôi cá trong ruộng lúa, gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích.
Chuyển đổi những khu ruộng trũng, ruộng ngập úng trồng 2 vụ lúa bấp bênh, năng suất thấp sang nuôi cá, tập trung các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương. Đặc biệt, đối với diện tích mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện, tập trung nuôi cá lồng theo công nghệ tiên tiến, tập trung vào một số đối tượng nuôi: cá leo, cá lăng, trắm đen, trắm giòn, chép giòn.