Nuôi cá hồi trong bể cạn - Điều điên rồ thành sự thật
Một trang trại cách Miami (Florida, Mỹ) tầm 40 dặm về phía tây nam đã làm được điều tưởng như điên rồ - nuôi cá hồi trong bể cạn.
Trong dãy bể trong nhà ở đó, 5 triệu con cá hồi trưởng thành đang bơi miệt mài cách xa quê nhà của chúng.
Đưa cá nước lạnh đến vùng nóng
Đây là loài cá hồi Đại Tây dương, giống nổi tiếng của vùng nước lạnh tại các vịnh hẹp thuộc Nauy hoặc các hồ nước lạnh ở Scotland. Chúng không phải loài bản địa ở Florida nóng ấm, nên để đối phó với thời tiết khác biệt hoàn toàn nơi chúng sinh ra và môi trường lý tưởng để sinh trưởng, các bể cá được làm lạnh, đặt trong tòa nhà rộng lớn lắp máy lạnh và đương nhiên là cách nhiệt rất tốt.
Tòa nhà được đặt tên là Nhà Xanh, mới đi vào hoạt động giai đoạn 1 từ năm ngoái. Khi hoàn thành, nó sẽ là trại nuôi cá hồi trong bể cạn lớn nhất thế giới.
Chủ đầu tư là Công ty Atlantic Sapphire cho biết, sản lượng hiện tại của trại là 9.500 tấn/năm, còn khi trại hoạt động đủ công suất thiết kế - dự kiến vào năm 2031, sản lượng đầu ra sẽ tăng lên 222.000 tấn. Nếu đúng vậy, khoảng 41% nhu cầu cá hồi của người dân Mỹ mỗi năm, tương đương 1 tỷ suất ăn, sẽ được cung cấp ngay từ trong nước.
Atlantic Sapphire hiện là một trong những doanh nghiệp tiên phong của xu hướng đầu tư nuôi trồng thủy sản trên cạn và trong nhà. Công ty có trụ sở chính đặt tại Nauy.
“Khi chúng tôi đưa ra ý tưởng này cách đây 10 năm, nhiều người thốt lên sao điên rồ vậy”, Johan Andreassen - Giám đốc điều hành công ty tâm sự. “Lúc đó, không ai tin rằng đưa cá hồi nước lạnh lên nuôi trên cạn lại có thể làm được hoặc được thì khả thi về tài chính. Sự phát triển của công nghệ đã đánh tan mối nghi ngờ của họ”.
Johan Andreassen giới thiệu cá hồi nuôi tại Nhà Xanh. Ảnh: Atlantic Sapphire.
Cũng theo Andreassen, Atlantic Sapphire đã chứng minh thành công về công nghệ, giờ chỉ còn giải quyết sự khả thi về tài chính và quy mô có thể mở rộng đến đâu là hiệu quả.
Nuôi cá hồi trong bể cạn - Công nghệ tiên phong
Những kỹ thuật mới được trang bị cho Nhà Xanh vận hành không phải xa lạ, nhưng suất đầu tư để đảm bảo lợi nhuận thì chỉ đạt được trong vài năm gần đây. Tòa nhà được lắp đặt hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn gọi tắt là RAS, kiểm soát từ dữ liệu nhiệt độ, độ mặn, độ pH, mức oxy, dòng chảy, ánh sáng trong nước. Bể nuôi còn có cơ chế tự động loại bỏ khí CO2 và chất thải cùng nước ra một bộ lọc để xử lý và tái sử dụng.
Được nuôi trong một quy trình khép kín, cá hồi miễn nhiễm với dịch bệnh, ký sinh trùng có trong môi trường tự nhiên, vì vậy Atlantic Sapphire không cần phải dùng đến thuốc kháng sinh hay các loại thuốc khác.
“So sánh với các khu nuôi trên biển, chúng tôi đảm bảo ít sự cố dịch bệnh hơn hẳn, tỷ lệ cá chết cũng thuộc loại thấp nhất”, Neder Snir - kỹ thuật viên trưởng công ty AquaMaof ở Israel nói. Đây là công ty cung cấp công nghệ cho Atlantic Sapphire và khoảng 10 doanh nghiệp khác trên thế giới. “Chúng tôi đảm bảo người nuôi không cần dùng đến vacxin hay kháng sinh. Công nghệ này đảm bảo cô lập được dịch bệnh và kiểm soát được môi trường nuôi”.
Atlantic Sapphire đã đầu tư 400 triệu USD vào cơ sở của họ tại Mỹ trong tổng kế hoạch rót vốn đến 2 tỷ USD. Đến năm 2031, họ kỳ vọng sở hữu khu bể nuôi rộng 372.000m2 trên vùng dự án rộng 65ha.
Vì sao lại là Mỹ?
Một công ty Nauy đầu tư trang trại rộng lớn ở Florida đặt ra câu hỏi về mục đích, nhất là khi cách nuôi bị nghi hoặc không đảm bảo phúc lợi loài cá được chọn.
Theo lý giải của Atlantic Sapphire, họ đảm bảo nguồn cung gần hơn cho thị trường Mỹ thay vì đưa cá từ châu Âu sang bằng máy bay, thêm nữa là tận dụng điều kiện tự nhiên đặc hữu của bang miền nam này. Florida nằm trên đỉnh hai tầng nước - một là tầng nước ngọt gần bề mặt, hai là tầng nước mặn phía dưới.
Cá hồi cần môi trường nước ngọt trong giai đoạn sinh trưởng ban đầu, lớn hơn chúng lại cần nước mặn. Ở Nhà Xanh, hệ thống công nghệ đảm bảo đủ hai nguồn nước này. Tại đây, nước thải được bơm vào tầng đá ngầm sâu dưới tầng nước mặn tách biệt khỏi các tầng nước hữu ích nên không gây ô nhiễm cho nguồn nước chung của khu vực (chỉ ở tỷ lệ rất nhỏ so với quy định của chính quyền).
Khu bể nuôi cá hồi tại Nhà Xanh theo công nghệ của AquaMaof. Ảnh: AquaMaof.
Theo Andreassen, các chọn lựa của Atlantic Sapphire càng phát huy giá trị khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Chuỗi cung ứng ngay tại Mỹ giúp khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc và tạo sự tin tưởng về sản phẩm đầu cuối không phải đi qua nhiều công đoạn dễ lây nhiễm virus. Còn nữa là khâu vận chuyển không bị tắc nghẽn khi chi phí đường không tăng kịch trần do ảnh hưởng của dịch.
Cá hồi Atlantic Sapphire đã bắt đầu quen với người tiêu dùng Mỹ. Năm ngoái, thương hiệu “Cá hồi Nhà Xanh được bán với giá 12 USD/kg, cao hơn cá hồi tự nhiên Nauy nhập khẩu 2 lần.
Điều đó có làm các nhà nuôi và xuất khẩu cá hồi ở Nauuy và Scotland lo lắng? Ragnar Tveteras - giáo sư ngành Thương mại Đại học Stavanger (Nauy) giải thích bằng đường vòng: “Tôi nghĩ có thách thức về việc sử dụng năng lượng, về mức khí thải CO2, tuy nhiên tôi vẫn chưa có đủ dữ liệu. Nhu cầu (cá nuôi trên cạn) không khiến tôi quá bận tâm, quan trọng là giá rất có thể sẽ còn lên”.
Còn Alan Tinch, phụ trách kỹ thuật công ty dịch vụ nghề cá Benchmark Genetics ở Scotland tiên lượng sẽ có sự thay đổi từ các nhà nuôi Scotland để thích ứng tốt hơn. “Có thể họ sẽ chuyển cá ương lên trại nuôi trong nhà, khi khỏe mạnh sẽ đưa trở lại môi trường biển tự nhiên. Cá nuôi tự nhiên vẫn có chất lượng và vị trí của nó”.
Dự án Nhà Xanh cũng không hẳn xuôi chèo mát mái dù được quảng cáo là tiên phong về công nghệ. Hồi tháng 7/2020, một sự cố về chất lượng nước đã buộc công ty phải thu hoạch sớm 200.000 con cá hồi trước khi chúng đủ 20 tháng tuổi. Tháng 3 năm nay, cá cũng bị chết bất thường và ngay đầu tháng 4 là một sự cố rò rỉ khí độc làm 3 công nhân phải nhập viện.
Tổ chức Bảo vệ quyền lợi động vật PETA chỉ trích dự án Nhà Xanh cùng khoảng 40 doanh nghiệp khác đang phát triển trang trại thủy sản trên cạn, trong đó có dự án nuôi cá chẽm dự kiến ở Arizona. “Cá cũng có thể cảm nhận, suy nghĩ, có thể biết đau đớn hay vui vẻ, chúng thuộc về chính chúng chứ không phải con người”, Dawn Carr - Giám đốc dự án (thực phẩm) chay của PETA nói. “Nuôi cá thế này là độc ác”.
Nhưng Giám đốc Johan Andreassen phản bác, các tiêu chí về phúc lợi động vật, ở Nhà Xanh là hình dạng vây và tốc độ bơi, được công ty kiểm soát liên tục, đầy đủ.