TIN THỦY SẢN

Nuôi cá lồng lãi cao

Nuôi cá lồng ở Lộc Bình, Vinh Hiền mang lại lợi nhuận kinh tế cao

Từ nguồn cá giống tự nhiên khai thác ngoài biển, người dân các xã Lộc Bình, Vinh Hiền (huyện Phú Lộc, tỉnh TT- Huế) mang về ương nuôi trong lồng, mở ra một hướng làm ăn hiệu quả trên vùng đầm phá.

Lộc biển

Ông Phan An, Chi hội trưởng Chi hội Nghề cá Lộc Bình 2, cho biết: “Không phải đến giờ cư dân vùng đầm phá mới biết nuôi cá lồng, mà trước đó cả gần chục năm, từ nguồn giống cá ngoài tự nhiên, đặc biệt là con cá vẩu- một loại thủy sản thịt thơm ngon, đã được ngư dân bắt về từ ngoài cửa biển, đem ươm giống rồi nuôi. Từ những hộ đầu tiên, khi thu hoạch, thương lái tìm về lùng mua với giá cao, thì nhiều hộ dân trong xã đã biết khai thác "lộc biển" để phát triển kinh tế gia đình”.

Vào thời điểm tháng 6 - 7 âm lịch, người dân đi khai thác thủy hải sản trên đầm phá, sát cửa biển Tư Hiền, khi cất chuôn, họ phát hiện các loại giống cá hồng, vẩu, mú lẫn vào trong các loại hải sản khác. Đặc biệt giống cá vẩu là loài thủy sản mới, hình thù như giống cá chim, có màu sáng bạc, ngư dân chưa từng nuôi.  Sau một thời gian đưa vào ương nuôi, đến khi thu hoạch, thấy loài cá vẩu thịt thơm ngon, ăn ít tanh, giá bán khá cao, có thời cao điểm từ 250.000 - 300.000 đ/kg.

Từ sự “truyền miệng” của các ngư dân, nhiều hộ gia đình khai thác cá ở Lộc Bình, Vinh Hiền đã ra biển đặt chuôn và đáy, đánh bắt loài cá giống này đưa vào lồng nuôi. Đánh bắt cá vẩu giống cũng như các loài cá khác, vào thời điểm tháng 6 - 7 âm lịch và tháng 11 âm lịch.

Tháng 11 âm lịch cá giống con sinh sản từ biển, theo nguồn nước trôi vào đầm phá có kích thước chừng 0,5 gram. Nắm được quy luật này, qua nhiều năm kinh nghiệm, khai thác cá giống đã trở thành một nghề ăn nên làm ra của ngư dân miền đầm phá.

Nghề nuôi đầy triển vọng

Anh Lê Viết Khánh (thôn Tân Bình, xã Lộc Bình), một hộ nuôi cá vẩu nhiều năm chia sẻ kinh nghiệm: “So với các loài cá hồng, mú, cá vẩu có đặc tính chịu được độ ngọt khá tốt, là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là các loài cá tươi sống băm nhỏ. Vào thời điểm mới đưa vào nuôi có thể cho ăn 4 - 5 lần/ngày. Khi cá đã đủ lớn thì số lượng lần cho ăn giảm dần, còn 2 lần/ngày. Cá nuôi khoảng 6 - 7 tháng là cho thu hoạch với trọng lượng 1,2 - 1,5 kg/con”.

Hộ anh Khánh nuôi hơn chục lồng cá vẩu, mú, hồng, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, anh còn đứng ra thu mua cá của bà con, nhập lại cho các thương lái. Theo anh, mặc dù cá vẩu có giá trị kinh tế cao hơn các loài cá nuôi trong lồng, nhưng lại rất dễ bị chết trong quá trình vận chuyển. Nếu giải quyết được khâu vận chuyển, tránh xây xát cho cá, thì mô hình nuôi cá vẩu thương phẩm sẽ phát triển mạnh hơn nữa.

Ông Mai Văn Sỹ, cán bộ phụ trách thủy sản Phòng NN-PTNT huyện Phú Lộc cho biết: “Mô hình nuôi cá lồng ở các xã Lộc Bình, Vinh Hiền đã có trước đó nhưng phát triển mạnh từ năm 2010 đến nay. Toàn huyện có 1.500 lồng nuôi (300 lồng cá nước ngọt và 1.200 lồng cá nước mặn), riêng vùng biển Tư Hiển đã tập trung 750 lồng nuôi. Sản lượng bình quân đạt 150 - 200 tấn/năm. Bình quân mỗi hộ nuôi thu lãi từ 5 - 8 triệu đ/lồng/vụ; chủ yếu là cá vẩu".

Ông Trần Văn Lân, thôn Tân Bình, xã Lộc Bình- một hộ dân nuôi cá lồng có nhiều kinh nghiệm cho biết: “Thử làm một phép tính đơn giản. Nuôi các loại cá vẩu, hồng, mú sau hơn nửa năm là cho thu hoạch đạt trọng lượng khoảng 1 - 1,5 kg/con. Hiện với giá thị trường khoảng 200.000 - 250.000 đ/kg, thì nếu thả nuôi 200 con/lồng với kích cỡ thả 60 con/kg đến khi thu hoạch sẽ cho thu nhập lãi ròng không dưới 60 triệu đồng, cao hơn nhiều lần nuôi các loại thủy sản khác”.

“Vừa qua, thông qua chương trình dự án Imola, Chi hội Nghề cá Lộc Bình 2 đã hỗ trợ cho người dân nuôi cá 1 lồng nuôi trị giá 1,2 tỷ đồng, 1 thuyền máy 80 triệu đồng và số lượng cá giống trị giá 120 triệu đồng. Lồng nuôi có chu vi 60 m, dự kiến vào cuối tháng 11 năm nay sẽ đưa vào thả nuôi”, ông Nguyễn Thái, cán bộ văn phòng xã Lộc Bình cho hay.

 

Theo nongnghiep.vn