Nuôi cá lồng trên bến Phà Lài
Bến Phà Lài (thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An) được biết đến là điểm du lịch sinh thái nổi tiếng.
Chỉ cách bến chưa đầy 1 km theo đường chim bay, nơi có nguồn nước tĩnh, sâu, trong vắt, nhiều bãi neo đậu, đồng bào dân tộc Thái nơi đây đang phát triển nghề nuôi cá lồng.
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Con Cuông cho biết, từ bến Phà Lài, ngược dòng sông Giăng có trên 5 km đường sông, giàu tiềm năng để phát triển nghề nuôi cá lồng. Hiện có rất nhiều hộ đã dựng chòi dọc sông để phát triển chăn nuôi trang trại. Nghề nuôi cá lồng chỉ thực sự phát triển vài năm trở lại đây nhưng bước đầu đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho đồng bào.
Ông Vi Văn Tuấn, một hộ nuôi cá lồng cách bến Phà Lài chưa đến 1 km cho biết: “Cá nuôi trong lồng, ăn rong rêu vớt từ sông, cây cỏ và lá chuối nên mau lớn lắm! Nhà ta làm nghề chài lưới trên sông Giăng, bắt được con to thì về bán, con nhỏ thì bỏ vào lồng. Khi nào cá lớn đến 2 -3 kg/con thì đem bán hoặc làm thức ăn! Nhà ta đang nuôi 5 lồng cá, năm vừa rồi ta cũng bán được hơn 10 triệu đồng!”.
Ngoài cá lồng, ông Tuấn nuôi 8 con trâu bò, 2 con lợn nái và 1 đàn lợn đen địa phương. Cuộc sống bên dòng sông Giăng tuy còn vất vả nhưng không đói kém, nhiều năm nay ông không phải vào rừng kiếm măng, hái lượm nữa.
“Cũng không biết là một năm bán được bao nhiêu tiền nữa. Khi nào hết tiền ta mới bán con gà, con lợn. Cá lồng thì có ai đến mua ta bán, không bán thì để ăn dần. Người Thái có nhiều ngày lễ phải dùng con cá để cúng tế lắm. Giờ con ta đang dành tiền để đóng thêm lồng, phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Giăng!”, ông Tuấn chia sẻ.
Tại bản Xiềng, ông Vi Văn Đoàn là người nuôi cá lồng sớm nhất. Năm 2008, ông bà để lại nhà cửa mặt đường cho đứa con cả để vào khu vực cách trung tâm bản chừng 2 km làm lồng nuôi cá. Thời điểm đó, ở đây đồng bào chỉ quen với việc thả lưới đánh cá kiếm sống hàng ngày. Vì thế, việc ông Đoàn đóng lồng nuôi cá nghe lạ tai lắm!
“Đồng bào nói, con cá thả ngoài sông mới mau lớn, lại không mất công nuôi, cứ đi đánh về ăn có sướng hơn không? Nhưng ta lại nói, làm lồng xong, đi đánh cá về, con lớn ta ăn, con nhỏ lại thả vào lồng, cắt cỏ cho nó ăn, đến khi lớn lại bắt làm thịt. Cứ thế mà ta làm lồng nuôi cá, nay cũng được gần 10 năm rồi. Giờ thì có nhiều hộ cùng làm theo ta”, ông Đoàn tâm sự.
Theo ông Đoàn, cá lồng trên sông Giăng mau lớn, ít nhiễm bệnh vì nguồn nước ở đây rất đảm bảo, lượng phù du trong nước, cỏ làm thức cho cá rất phong phú. Chỉ cần đồng bào chịu khó tìm nơi neo đậu an toàn phòng khi mưa lũ là có thể nuôi cá lồng thành công. “Năm lồng cá nhà ta lúc nào cũng có cá, đủ các loại kích thước. Ngoài các loại cá thông thường như trắm, trôi… thì sông Giăng có cá bọp, cá mát là đặc sản. Nhiều đoàn du lịch sau khi đến tham quan lồng cá đã hỏi mua bằng được vài con đem về nhà. Nếu phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng, du lịch trên sông Giăng cũng sẽ phát triển hơn”, ông Đoàn phấn khởi.
Năm 2013, được dự án VE 028 của Luxembourg hỗ trợ, ông Đoàn và 4 hộ nuôi cá lồng tại bản Xiềng đầu tư mua gỗ táu đóng lại toàn bộ lồng cá theo kích thước chuẩn để phát triển nghề nuôi cá lồng.
“Trước đây, lồng cá làm bằng gỗ tạp, cứ sau một năm là phải làm lại, mất công, tốn của quá. Nay đóng lồng bằng gỗ táu, 3 năm rồi mà vẫn còn tốt, cá mau lớn, đồng bào rất mừng. Ta vẫn muốn đồng bào chú trọng nghề nuôi cá lồng để phục vụ nhu cầu ăn uống hàng ngày của khách du lịch đến đây tham quan”, ông Đoàn phấn khởi.
Ngoài nuôi cá lồng, ông Vi Văn Tuấn còn nuôi thêm lợn đen địa phương
Ông Lương Đình Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Môn Sơn cho biết, hiện nay phong trào nuôi cá lồng trên sông Giăng tại xã Môn Sơn rất phát triển. Tuy nhiên, đa số vẫn đang mang tính chất tự cung, tự cấp, nguồn giống chủ yếu lấy từ sông Giăng, thiếu độ đồng đều nên chưa thể xuất bán theo hướng hàng hóa tập trung được.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ kêu gọi hỗ trợ đồng bào dưới dạng cung cấp giống cá, phát triển nuôi cá lồng đi theo hướng hàng hóa. Sản phẩm không những đáp ứng nhu cầu hàng ngày mà có thể giúp đồng bào thoát nghèo. Nếu phát triển được nghề nuôi cá lồng tại khu vực này, không những đời sống đồng bào được nâng lên mà việc phát triển du lịch sinh thái trên sông Giăng cũng sẽ thuận lợi.
Du khách đến đây có thể vừa du ngoạn phong cảnh vừa tổ chức những buổi tiệc ngay bên dòng sông Giăng với chi phí rẻ, sử dụng các đặc sản địa phương từ việc nuôi cá lồng, các sản phẩm từ trang trại chăn nuôi theo hướng an toàn", ông Hoa nói.
Theo ông Lương Đình Hoa, đồng bào vốn không am hiểu về kỹ thuật nuôi cá lồng, chi phí đầu tư một lồng cá với họ lại cao. Hi vọng trong thời gian tới, đồng bào sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước trong việc tập huấn kỹ thuật chăn nuôi.