TIN THỦY SẢN

Nuôi cá lồng vượt quy hoạch trên khu vực biển Nghi Sơn

Nghề nuôi cá lồng tại xã Hải Thanh (Tĩnh Gia) gần đây thường gặp rủi ro do không tuân thủ quy hoạch. Nhóm PV

Hàng chục năm qua, nghề nuôi cá lồng trên vùng biển Nghi Sơn đã được nhân dân các xã: Hải Thanh, Hải Bình, Bình Minh, Nghi Sơn... (huyện Tĩnh Gia) duy trì. Khi nguồn lợi hải sản tự nhiên ngày càng cạn kiệt, nhu cầu thị trường càng lớn thì hoạt động nuôi trồng thủy sản nước mặn này càng phát triển mạnh.

Tuy nhiên, môi trường ngày càng ô nhiễm dẫn đến cá nuôi thường hay xuất hiện dịch bệnh, chết nhiều khiến các chủ lồng trắng tay. Cùng với đó, sự phát triển mạnh của các hoạt động dịch vụ tại cảng biển Nghi Sơn cũng không cho phép việc gia tăng tràn lan các lồng cá, gây cản trở các phương tiện đường thủy, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Chòng chành trên chiếc thuyền gỗ nhỏ, chúng tôi được một người dân của xã Hải Thanh chở ra tiếp cận các lồng nuôi cá ở khu vực cửa biển Lạch Bạng. Chỉ cách bờ chừng một vài trăm mét, các lồng đã được định vị, nối nhau kéo dài tít tắp khắp một vùng cửa sông. Mỗi lồng rộng chừng 9 đến 10m2, được nuôi thả đủ loại con nuôi giá trị kinh tế cao, như: Cá mú, cá sủ, cá hồng mỹ, cá giò... với mật độ khá dày. Mỗi gia đình xây dựng một chòi nổi để canh cá, tạo thành “xóm lều” trên sóng nước, luôn nhộn nhịp không khí lao động. Nhiều gia đình của xã Hải Thanh còn phát triển các lồng nuôi bên tận bờ thuộc xã Bình Minh. Gặp năm suôn sẻ, mỗi gia đình có lợi nhuận hàng trăm triệu đồng, nhưng gặp dịch bệnh hay thời tiết bất thuận, người nuôi lại trắng tay, thậm chí khuynh gia bại sản, lâm cảnh nợ nần, túng bấn. Có thể nói, hiệu quả của nghề nuôi cá lồng ở đây càng trở nên không bền vững, may thì được, rủi thì chịu.

Trong câu chuyện với chúng tôi tại lồng nuôi, ông Đặng Văn Tý – một chủ lồng nuôi ở thôn Thanh Đình, xã Hải Thanh, cho biết: Cách đây khoảng 1 tháng, gia đình tôi mới bị chết 7.300 con cá vược, nghi do hoạt động xả thải làm nguồn nước ô nhiễm. Những tháng cuối năm 2018, hiện tượng cá chết rải rác xảy ra ở hầu khắp khu vực nuôi cá lồng thuộc vùng biển Nghi Sơn nói chung, xã Hải Thanh nói riêng, khiến nhiều gia đình thất thiệt nặng về kinh tế. Trong xã, gia đình ông Minh ở thôn Thanh Đình còn có số lượng cá nuôi chết nhiều nhất. Qua tìm hiểu của phóng viên, hiện tại xã Hải Thanh có 22 gia đình đang tiến hành nuôi cá lồng khu vực cửa sông, Cảng Lạch Bạng, vùng biển ven bờ. Mỗi hộ phát triển từ 30 đến 40 lồng, tổng số lồng nuôi của nhân dân trong xã khoảng 700 lồng. Tuy nhiên, đây là hoạt động nuôi tự phát, hoàn toàn không theo quy hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mật độ lồng nuôi dày đặc dẫn đến dễ gây dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường cũng như nhiều hệ lụy khác. Việc nuôi cá lồng ở đây đáng lẽ phải giải tỏa từng bước để giảm số lồng ở ven bờ, khuyến khích đưa ra biển phía gần đảo Mê.

Điều đáng nói, những chủ lồng nuôi cá khi trao đổi với chúng tôi đều tỏ ra không biết hoặc nắm rất mơ hồ về quy hoạch và những khuyến cáo này. Nhiều người còn kiến nghị được chính quyền và các ngành liên quan hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ khi rủi ro mà không biết rằng mình đang nuôi không theo khuyến cáo. Vấn đề đặt ra là việc tuyên truyền và vào cuộc của chính quyền địa phương đến đâu? Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã tìm đến UBND xã Hải Thanh đặt vấn đề làm việc. Ông Nguyễn Viết Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Thanh – người phụ trách lĩnh vực thủy, hải sản đã thẳng thừng từ chối làm việc với lý do không được chủ tịch UBND xã chỉ đạo. Khi chúng tôi kết nối điện thoại với ông Đỗ Xuân Chung, chủ tịch UBND xã và được sự chỉ đạo, nhưng ông Xuân vẫn “quyết tâm” không cung cấp thông tin!?

Ông Cao Thanh Thọ, Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, cho biết: Việc nuôi cá lồng ở khu vực ven bờ thuộc vùng biển Nghi Sơn đã không còn phù hợp nữa. Các loại nước thải, rồi hoạt động xả thải trực tiếp của khoảng 1 vạn dân xã đảo Nghi Sơn đều tống xuống khu vực vụng biển này khiến nguồn nước ngày càng ô nhiễm. Theo đó, nuôi cá lồng ắt sẽ gặp nhiều rủi ro. Từ năm 2008, chúng tôi đã có tuyên truyền không phát triển thêm lồng cá, tiến tới giảm dần việc nuôi cá trong vịnh Nghi Sơn. Năm 2014, ngành nông nghiệp đã có quy hoạch nuôi trồng thủy sản nước mặn cho khu vực này, có định hướng giảm dần để đến năm 2020 sẽ còn rất ít và đến năm 2025 không còn lồng nuôi tại đây nữa. Khoảng 10 năm qua, không biết bao nhiêu văn bản gửi về địa phương, rồi tuyên truyền qua các hội nghị, gặp gỡ nhân dân, nhưng mọi việc vẫn không được giải quyết. Toàn khu vực ven biển Nghi Sơn hiện chỉ được cho phép tồn tại 250 lồng cá, tuy nhiên nhân dân các xã trong vùng đã phát triển lên khoảng 14.000 lồng.

Riêng với các xã Hải Thanh và Hải Bình, việc chính quyền để người dân phát triển các lồng cá ngay khu vực Cảng Lạch Bạng cũng như sát nơi neo đậu tàu thuyền đã gây khó khăn cho các phương tiện đường thủy lưu thông. Định hướng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như của tỉnh đã đưa dần hoạt động nuôi cá lồng ra xa bờ để phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi thả xa bờ gây nhiều khó khăn hơn, yêu cầu lồng nuôi phải hiện đại hơn nên nhiều hộ dân gặp khó. Thực tế cũng đặt ra là, cần có chính sách hỗ trợ cụ thể để người nuôi cá lồng ở Nghi Sơn chuyển đổi nghề nghiệp hoặc đầu tư quy mô hiện đại để tiếp tục nuôi thả ở khu vực xa bờ hơn.

Nhóm PV Báo Thanh Hóa