TIN THỦY SẢN

Nuôi cá Nhụ - Đặc sản vùng Đông Bắc

Cá nhụ thương phẩm nuôi tại Trung tâm Quốc gia giống hải sản Miền Bắc. Trần Cao - Đình Tùng

Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 phải mất hơn 10 năm theo đuổi mới có được bước thành công ban đầu trong sinh sản và nuôi thương phẩm cá nhụ.

Đó là cả một câu chuyện dài…  

Thu thập, thuần dưỡng, nhân giống

TS Trần Thế Mưu, Phó Viện trưởng RIA1, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sinh sản cá nhụ, cho biết: Cá nhụ là loài sống nổi, hoạt động mạnh, rất dễ chết trong quá trình đánh bắt. Thế nên chuyện các nhà khoa học Viện RIA1 thuần dưỡng, lưu giữ được đàn cá bố mẹ và cho sinh sản nhân tạo thành công khiến chẳng mấy người tin, ngay cả với những ngư dân lão luyện.

Tập tính sinh học của cá nhụ, còn gọi cá nhụ 4 râu, sống ngoài biển nhưng sinh sản ở các vùng nước lợ ven biển.

Bắt đầu từ năm 2008, TS Trần Thế Mưu và cộng sự bắt tay nghiên cứu, đầu tiên là thu thập đàn bố mẹ. Họ rong ruổi khắp các ao đầm vùng biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình… “Bắt được, hễ vừa đưa lên khỏi mặt nước thì phần lớn chúng chết ngay. Có con sống được thì lại chết trên đường vận chuyện hoặc đưa được về hai, ba ngày sau lại lăn ra chết. Chúng quá mẫn cảm”, Tiến sỹ Mưu kể chuyện.

Sau nhiều lần thất bại như thế, cuối cùng họ cũng rút được kinh nghiệm: Đó là luyện cá tại chỗ. Khi phát hiện cá nhụ thì không bắt ngay mà dùng lưới quây chúng lại rồi thu hẹp lưới dần dần cho chúng quen sống trong môi trường chật hẹp 2 - 3 ngày sau mới bắt.

Ban đầu các nhà khoa học dùng thêm cả biện pháp gây mê nhưng về sau thấy không cần thiết, điều quyết định là phải luyện cá thuần dần ngay từ ngoài tự nhiên trước khi vận chuyển về cơ sở nghiên cứu.

Cá nhỏ nuôi vài năm để trưởng thành, lại tiếp tục thuần dưỡng qua các thế hệ, chọn lọc ra được 100 cặp bố mẹ, các nhà khoa học RIA1 phải mất 5 năm. Có cá bố mẹ rồi lại mất thêm 3 năm nữa mới nghiên cứu sản xuất giống nhân tạo thành công.

Đến năm 2016 các nhà khoa học RIA1 đã hoàn toàn chủ động sinh sản cá nhụ giống với số lượng lớn. Điểm đặc biệt tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống (6cm) đạt rất cao, trên 25%, thậm chí có đợt đạt tới 60%. Trong khi đó tỷ lệ sống trong sản xuất giống đối với cá song dù Viện chủ công nghệ đã lâu cũng chỉ đạt 4 - 5%, cá giò 8 - 10%, cá chim 10 - 15%, cá chẽm 18%...

Trong quá trình hoàn thiện công nghệ nhân giống nảy sinh một khó khăn là việc vận chuyển cá giống không đơn giản, cá rất dễ chết khi trên đường vận chuyển. Mấu chốt được rút ra là chăm sóc trước vận chuyển, khi vận chuyển phải đóng túi kín và để yên từ 3 - 5h để cá quen môi trường đóng túi. Nay thì chúng tôi hoàn toàn yên tâm khi vận chuyển cá nhụ giống đạt tỷ lệ sống gần như 100%.

(TS Trần Thế Mưu)

Sản xuất giống tỷ lệ thành công cao nên Viện thấy không cần thiết phải lưu giữ đàn cá bố mẹ số lượng lớn như ban đầu mà chủ động giảm đàn để giảm chi phí nuôi giữ. Hiện tại một đợt sản xuất 500 ngàn đến 1 triệu con cá nhụ giống chỉ cần vài cặp bố mẹ là đủ.  

Hoàn thiện quy trình nuôi

Theo TS Trần Thế Mưu, RIA1 đã thử nghiệm nuôi cá nhụ bằng hai hình thức: Nuôi ao và nuôi lồng. Kết quả mô hình nuôi ao tỷ lệ sống cao hơn.

Đặc điểm cá nhụ hoạt động rất mạnh, trong quá trình nuôi lồng cá rất hay lao va đập vào thành lưới lồng, dễ bị thương, nuôi không hiệu quả. Nuôi ao tốt hơn nhưng điều kiện ao phải sâu, đảm bảo tỷ lệ ô xy hòa tan cao và môi trường ổn định.

Điểm thuận lợi cá nhụ nuôi được bằng thức ăn công nghiệp, chúng ăn như cá vược và nhiều loài cá biển khác. Tuy nhiên, theo Viện RIA1, cần một nghiên cứu công thức thức ăn riêng đối với cá nhụ.

Trong quá trình nuôi nhận thấy cá ăn thức ăn công nghiệp đến cỡ 6 - 7 lạng thì bắt đầu chậm lớn, đòi hỏi phải có một loại thức ăn phù hợp cho cá nhụ để đảm bảo cá tăng trưởng tốt. Khó khăn đối mặt nữa đối với nuôi cá nhụ thương phẩm là tỷ lệ sống chưa thật sự cao, cá hay bị sốc khi môi trường đột ngột thay đổi.

Theo TS Trần Thế Mưu, Đài Loan họ có khá nhiều kinh nghiệm trong nuôi cá nhụ thương phẩm. Một số mô hình nuôi cá nhụ ở Đài Loan trong ao với điều kiện ao có độ sâu ít nhất 2 - 2,5m đảm bảo ít biến động nhiệt độ nước ao nuôi. Nước nuôi được xử lý sạch, có hệ thống quạt đảm bảo lượng ô xy hòa tan.


Nhân tạo thành công giống cá nhụ.

Trên ao có hệ thống lưới lan che chắn nắng để hạn chế sự phát triển quá mức của tảo và ổn định môi trường nuôi, hơn nữa vì cá nhụ rất mẫn cảm với ánh sáng, gặp ánh sáng quá mạnh chúng có thể bị stress dẫn đến mờ mắt. Ở Đài Loan, cá nhụ nuôi 12 - 13 tháng bằng thức ăn công nghiệp chuyên dụng cá đạt khối lượng từ 0,8 – 1kg/con có thể thu hoạch để xuất khẩu.

Tập huấn cho người dân

Dù đã chủ động được hoàn toàn giống cá nhụ, quy trình nuôi cơ bản, nhưng hiện vẫn chưa có mô hình nuôi cá nhụ thực sự hoàn thiện. Mô hình nuôi thương phẩm cá nhụ trong dân còn quá mới mẻ.


Tập huấn kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cá nhụ thương phẩm.

Gần đây, tại Trung tâm Quốc gia giống hải sản Miền Bắc thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, huyện đảo Cát Hải – Hải Phòng, đã diễn ra các lớp tập huấn nuôi cá nhụ. Dự các lớp học là các chủ đầm, cán bộ kỹ thuật thủy sản các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa…

“Chúng tôi muốn giới thiệu đến người nuôi đối tượng nuôi mới có giá trị: con cá nhụ. Viện chúng tôi rất mong muốn các địa phương, doanh nghiệp, người dân nuôi biển cùng hợp tác để đưa đối tượng nuôi mới này ra sản xuất. Chỉ ra ngoài thực tiễn sản xuất mới nhanh chóng có mô hình ưu việt, từ chính kinh nghiệm người nuôi”, TS Trần Thế Mưu chia sẻ.

Hình thức kêu gọi là RIA1 sẵn sàng cung cấp miễn phí giống cá nhụ. Việc tập huấn cũng hết sức kỹ lưỡng. Nhà khoa học biết đến đâu, đã làm được những gì, hạn chế gì cần phải khắc phục đối với nuôi con cá nhụ, đều được trình bày, mở lòng hết với các học viên tham gia cùng thảo luận.

Thực tế nuôi thử nghiệm cá nhụ thương phẩm tại Trung tâm quốc gia giống thủy sản miền Bắc, đến cỡ cá 5 - 6 lạng thì khá thuận lợi, cá lớn đều, tỷ lệ sống cao. Giai đoạn sau cá khá mẫn cảm môi trường nuôi, chậm lớn, dễ bị sốc khi môi trường thay đổi đột ngột như mưa lớn nước bị phân tầng thiếu ô xy hòa tan. Theo các nhà khoa học RIA1, cần nghiên cứu tiếp để hoàn thiện quy trình nuôi tốt hơn như thiết kế ao nuôi phù hợp đồng thời nghiên cứu tối ưu sản phẩm thức ăn để cá lớn nhanh và đề kháng với môi trường tốt hơn.

Đơn vị duy nhất nhân tạo thành công giống cá nhụ

Tại Việt Nam, Viện nghiên cứu NTTS 1 là đơn vị duy nhất đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất giống nhân tạo cá nhụ. Các chỉ tiêu kỹ thuật về tỷ lệ thành thục của cá bố mẹ đạt > 90%, tỷ lệ nở của trứng > 90% và tỷ lệ sống từ cá bột lên cỡ cá giống 5 - 6cm đạt > 25%. Vào mùa sinh sản của cá nhụ, Viện có thể sản xuất giống với số lượng lớn cung cấp cho người nuôi.

Đối với nuôi cá nhụ thương phẩm, kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy, hoàn toàn có thể nuôi được cá nhụ trong ao đạt tỷ lệ sống > 50%, thời gian nuôi từ 15 - 18 tháng, khối lượng cá đạt 1kg, hệ số chuyển hóa thức ăn công nghiệp từ 2,5 - 3,2, năng suất cá nuôi đạt 1,2kg/m2.

Trần Cao - Đình Tùng NNVN