Nuôi cá rô phi VietGAP: Dễ làm, lãi cao, thị trường 'màu mỡ'
Theo đánh giá của VASEP, cá rô phi đang được coi là sản phẩm “màu mỡ” trong phát triển kinh tế. Loại cá này lớn rất nhanh, hương vị tự nhiên, thích hợp với mọi nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng tại nhiều thị trường. Ngoài chế biến làm thực phẩm, nhiều quốc gia còn dùng da cá rô phi để sản xuất túi, ví, dép xỏ ngón..., vì thế tiềm năng xuất khẩu loại cá này rất lớn.
Đây cũng là cơ sở để Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2016 – 2017” tại 7 tỉnh, thành phố.
Thay đổi tư duy nuôi thủy sản bền vững
Phát biểu tại hội thảo sơ kết dự án “Xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2016 – 2017” được tổ chức tại tỉnh Thái Bình mới đây, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, năm 2017, mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP được triển khai tại 7 tỉnh, thành phố trên diện tích 21ha với 24 hộ dân tham gia. Đáng mừng là không có hộ nào nuôi cá bị dịch bệnh.
Thu hoạch cá ở gia đình ông Ngô Văn Quang (xã Dĩnh Trì, TP.Bắc Giang) - một trong hai hộ vừa được cấp giấy chứng nhận nuôi cá rô phi thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: B.B.G
Thực tế cho thấy, dự án phát triển nuôi cá rô phi theo quy trình VietGAP bước đầu đã tạo cho người nuôi thay đổi tư duy về nuôi trồng thủy sản bền vững, nhận thức được những lợi ích thực sự thiết thực, đó là giảm chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động; giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tỷ lệ sống của cá; thời gian nuôi ngắn hơn và chất lượng sản phẩm cao hơn, dễ tiêu thụ hơn.
“Năm 2015 diện tích nuôi rô phi cả nước đạt 21.000ha; sản lượng 150.000 tấn, đáng chú ý sản phẩm cá rô phi của Việt Nam đã xuất khẩu đi 60 nước, kim ngạch trên 36 triệu USD. Theo VASEP, dự kiến năm 2017 sẽ xuất khẩu sang 68 thị trường (chủ yếu EU và Mỹ), kim ngạch đạt khoảng 45 triệu USD, tăng 32% so với năm 2016 và sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới” - ông Tiêu nhấn mạnh.
Được biết năm 2016, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã thực hiện mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại 5 tỉnh, thành gồm: Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An. Kết quả mô hình cho thấy, các chỉ tiêu đều vượt kế hoạch đề ra như tỷ lệ sống 79,8/70%; năng suất đạt 17,2 tấn/ha (tăng 15,7%); kích cỡ thu hoạch trung bình 720g/con (đề ra là 650g/con, vượt 10,3%).
Sau gần 6 tháng nuôi, mô hình đạt sản lượng 256 tấn; năng suất 17,2 tấn/ha, sau khi trừ toàn bộ chi phí, bình quân nông dân thu lãi 94,8 triệu đồng/ha, tăng ít nhất 15% so với ngoài mô hình.
Sang năm nay, trung tâm tiếp tục triển khai 7 mô hình tại 7 tỉnh, với quy mô 3ha/mô hình, mục tiêu có khoảng 70% số hộ nuôi được cấp giấy chứng nhận nuôi cá rô phi theo VietGAP.
Riêng ở Thái Bình, qua sơ kết tại 3 hộ tham gia cho thấy mô hình giúp người chăn nuôi phát triển bền vững, tạo ra sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; khả năng nhân rộng mô hình lên 20ha.
Mở ra hướng đi mới
Chia sẻ tại hội thảo, ông Ngô Duy Tuấn (xã Thái Thủy, huyện Thái Thụy, Thái Bình) cho biết, tham gia mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP, gia đình ông luôn được sự giúp đỡ của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Sau một thời gian nuôi cho thấy cá sống khỏe, lớn nhanh, nông dân không phải lo đầu ra bởi đã có doanh nghiệp liên kết bao tiêu…
Còn tại Bắc Giang, mới đây Trạm Khuyến nông TP.Bắc Giang cũng đã tổ chức nghiệm thu mô hình thí điểm nuôi cá rô phi thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Dĩnh Trì. Ông Ngô Văn Quang - 1 trong 2 hộ tham gia mô hình cho biết, gia đình ông thả cá từ tháng 5.2017 tại ao nằm trong vùng quy hoạch phát triển thủy sản của địa phương, có đủ điều kiện để cấp chứng nhận VietGAP.
Sau 6 tháng nuôi, sản lượng cá đạt trên 14,4 tấn, với giá bán 30.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí, còn lãi khoảng 70 triệu đồng. Một năm thu 2 vụ, như vậy so với mô hình nuôi cá rô phi thông thường thì lợi nhuận cao hơn từ 15 - 20%.
Ông Bùi Văn Trụ - Phó Trưởng phòng Chăn nuôi thủy sản (Trung tâm Khuyến nông Thái Bình) cho biết thêm, việc liên kết với doanh nghiệp nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm đã mở ra hướng đi mới nghề nuôi thủy sản nước ngọt tại Thái Bình, góp phần tạo sản phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Khả năng mở rộng thị trường là rất lớn, do đó dự kiến diện tích nuôi cá rô phi VietGAP trên địa bàn sẽ tăng lên khoảng 20ha.
“Đề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia tiếp tục phối hợp thực hiện mô hình ở tiểu vùng sinh thái khác trong giai đoạn 2018 - 2020 để khẳng định khả năng và hiệu quả của mô hình” - ông Trụ đề nghị.
Theo Quyết định số 1639/QĐ-BNN-TCTS ngày 5.6.2016 của Bộ NNPTNT về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cá rô phi đến năm 2020, diện tích nuôi cá rô phi của cả nước ta đạt 33.000ha; cá lồng đạt 1,5 triệu m3, sản lượng nuôi đạt 300.000 tấn, trong đó 50 - 60% được xuất khẩu.
Hiện Mỹ, Colombia và EU là 3 thị trường nhập khẩu cá rô phi lớn nhất của Việt Nam.