TIN THỦY SẢN

Nuôi cá tra theo quy trình VietGAP hướng tới nền nông nghiệp bền vững

Nuôi cá tra theo quy trình VietGAP. Ảnh: tepbac.com Ngô Tuấn Tính - Trung tâm Khuyến nông An Giang

Dự án nuôi cá tra theo hướng VietGAP được thực hiện từ năm 2011 – 2013, triển khai tại các huyện Chợ Mới, Thoại Sơn và Tp. Long Xuyên. Đây là dự án rất cần thiết, áp dụng các tiêu chí của bộ tiêu chuẩn VietGAP trong thâm canh nuôi cá tra. Quá trình thực hiện dự án phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt như ao nuôi nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản của chính quyền địa phương, diện tích phải đảm bảo theo yêu cầu của mô hình, cơ sở vật chất… và phải thực hiện theo bảng hướng dẫn chi tiết áp dụng VietGAP đi kèm theo quyết định số 1617/QĐ-BNN-TCTS ngày 18/7/2011.

Nông dân tham gia dự án phải tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo cho sản phẩm khi xuất bán đến tay người tiêu dùng an toàn khi sử dụng. Con giống thả nuôi phải được mua từ các cơ sở kinh doanh giống đạt chất lượng, trước khi thả nuôi phải được kiểm tra dịch bệnh và phải có kết quả âm tính đối với các bệnh truyền nhiễm phổ biến mới được thả nuôi. Thức ăn dùng cho cá nuôi nếu là thức ăn công nghiệp phải được mua từ các công ty có uy tín chất lượng, nguồn gốc rõ ràng đồng thời cũng phải phù hợp về chất lượng và khẩu phần ăn của cá.

Bên cạnh đó, phải có hồ sơ ghi chép cụ thể về tốc độ tăng trưởng và theo dõi tỷ lệ sống của cá để có chế độ cho ăn hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của cá. Các loại thuốc, hoá chất được sử dụng tại cơ sở nuôi phải nằm trong danh mục cho phép lưu hành, phải được sự chỉ dẫn của cán bộ chuyên môn trước khi sử dụng. Ngoài ra, khi sử dụng phải chú ý đến hướng dẫn của nhà sản xuất và còn trong hạn sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng các hormone và kháng sinh để tăng trưởng hay phòng bệnh cho vật nuôi. Các chất thải từ cơ sở nuôi phải được thu gom xử lý đúng cách, tránh ô nhiễm ngược trở lại cơ sở nuôi và ảnh hướng tới nguồn nước nuôi cũng như sinh hoạt của các hộ dân gần khu vực.

Trước khi thu hoạch phải tuân thủ các quy định về việc sử dụng thuốc, hóa chất, đảm bảo chất lượng sản phẩm an toàn cho người sử dụng. Điều kiện làm việc của lao động tại cơ sở nuôi cũng phải được đảm bảo,  người lao động thường xuyên ghi chép sổ sách về tất cả các hoạt động diễn ra tại cơ sở nuôi. Các mối nguy đều được nhận diện và kiểm soát từ khi thả giống đến khi xuất bán đều được quản lý chặt chẽ, do đó vấn đề rủi ro về dịch bệnh được hạn chế đến mức thấp nhất, sản phẩm đến tay người tiêu dùng là những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe của người sử dụng.

Qua quá trình triển khai mô hình nuôi cá tra theo VietGAP đã tác động rất lớn đến nhận thức người dân vì toàn bộ qui trình nuôi như giống, thức ăn, thuốc trừ bệnh, hao hụt khi nhập giống và trong quá trình nuôi đều được ghi chép cụ thể. Từ đó, người nuôi cá tra dễ quản lý và theo dõi quá trình nuôi, giúp hạ giá thành sản phẩm và truy suất được nguồn gốc.

Phát triển mô hình ứng dụng thực hành nuôi thủy sản tốt VietGAP là bước cần thiết nhằm đưa nghề nuôi trồng thủy sản nước ta vào trong khuôn khổ, đồng thời từng bước phấn đấu đạt thêm nhiều chứng nhận khác cao hơn theo tiêu chuẩn quốc tế mà nhiều nhóm hộ nuôi trồng thuỷ sản trong cả nước đang áp dụng như SQF, GlobalGAP, MSC, ASC.... Từ đó sẽ tạo nguồn nguyên liệu sạch và ổn định cho chế biến xuất khẩu cá tra, nâng cao uy tín thương hiệu và khả năng cạnh tranh của sản phẩm cá tra trên thị trường thế giới, đáp ứng kịp thời xu thế hội nhập quốc tế WTO nhằm phát triển nghề nuôi cá tra theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và cho cộng đồng xung quanh.

Ngô Tuấn Tính - Trung tâm Khuyến nông An Giang Sở NN & PTNT An Giang, 28/11/2013