Nuôi nước trước nuôi tôm - giải pháp sinh học từ các loài cá
Trong những năm qua, khi nghề nuôi tôm gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, người dân đã biết áp dụng mô hình nuôi tôm - cá kết hợp. Đến nay, việc nuôi ghép các loài cá rồi lấy nước vào ao nuôi tôm rất phổ biến và cho hiệu quả khá cao.
Với diện tích khoảng 50ha, ông Nguyễn Văn Hoàng, ngụ ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú (Trần Đề) đã thiết kế 50 ao nuôi tôm, với diện tích 4.000m2 - 5.000m2/ao, phần diện tích còn lại ông sử dụng làm ao lắng nuôi cá rô phi. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng cho biết: “Những năm nuôi tôm khó khăn, tôm bệnh và chết hàng loạt, do thiếu vốn nên tôi chỉ thả thưa với mật độ khoảng 30 con/m2. Nước sử dụng để nuôi tôm được lấy từ ao nuôi cá rô phi sau đó bơm lọc sang ao tôm. Ban đầu tôi chỉ nuôi 3 ao theo mô hình này, qua hơn 3 tháng nuôi tôm đã đạt kích cỡ lớn nên giá bán và lợi nhuận rất cao. Chính vì vậy, tôi đã duy trì mô hình này cho đến nay và rất thành công. Trong vụ nuôi năm 2016 vừa rồi, qua 2 đợt thả nuôi 60 ao cho tổng sản lượng thu trên 160 tấn, bán được giá 130.000 đồng - 160.000 đồng/kg, thu lợi nhuận được gần 20 tỉ đồng”.
Việc dùng nước từ ao nuôi cá chẽm để nuôi tôm cũng được trang trại ông Hứa Thành Hưng, ngụ ấp Nam Chánh, xã Lịch Hội Thượng (Trần Đề) áp dụng rất thành công. Đặc biệt trong năm 2016, với tổng diện tích 27ha, thả nuôi 2 đợt với 24 ao tôm sau khi thu hoạch cho sản lượng đạt 162 tấn, sau khi trừ chi phí gia đình ông Hưng thu lãi hơn 11 tỉ đồng. Ông Hưng phấn khởi: “Từ đầu năm 2016, do ảnh hưởng của đợt nắng nóng, độ mặn tăng cao nên xung quanh đây có một số ao nuôi tôm bị thất, trong khi đó nếu các hộ nào nuôi tôm từ nước nuôi cá thì hầu hết đều trúng lớn”.
Qua tìm hiểu được biết, để “nuôi” được nước, người nuôi cần hiểu về yêu cầu chất lượng nước ban đầu và diễn biến điển hình của nó trong một vụ nuôi. Hơn nữa, đánh giá chất lượng nước bằng cảm quan chỉ hiệu quả với những người đã có nhiều năm kinh nghiệm. Nếu người nuôi mới bắt đầu nuôi tôm thì cần phải thực hiện một cách nghiêm túc các công đoạn trong quá trình cải tạo ao, dự đoán thời điểm có thể xảy ra sự cố và thường xuyên quan trắc các yếu tố môi trường quan trọng trong suốt quá trình nuôi.
Ông Võ Điền Trung Dũng, ngụ ấp Tổng Cáng, xã Liêu Tú là người có kinh nghiệm trong việc thực hiện mô hình nuôi tôm - cá kết hợp, chia sẻ: “Nước từ ao nuôi cá có độ kiềm tốt và ổn định nên tôm lớn rất nhanh. Tuy nhiên, nước thích hợp để nuôi tôm chỉ nên sử dụng lúc cá nuôi khoảng 3 tháng, nếu dùng nước từ ao cá nuôi lâu ngày hơn sau khi kiểm khuẩn Vibrio thường có mật độ cao nên nuôi tôm dễ bị bệnh. Ngoài ra, hình thức nuôi cá trong lồng hoặc lưới quây đặt trong ao tôm cũng giúp cải thiện môi trường, đặc biệt là xử lý được tảo độc xuất hiện trong ao”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, đối tượng cá được bà con nông dân áp dụng nuôi kết hợp trong ao tôm gồm nhiều loài, như: cá rô phi, cá măng, cá chẽm, cá kèo… đây là các loài cá được xem là đối tượng cải tạo xử lý môi trường, đặc biệt những trường hợp ao tôm gặp sự cố tôm chết rải rác, cá được thả vào để xử lý xác tôm chết; đồng thời xử lý tảo và rong đáy. Vì vậy, bên cạnh việc lấy nước nuôi cá để nuôi tôm thì việc thả ghép vào chung ao tôm với mật độ thích hợp có khả năng tương tác làm cho môi trường và sức khỏe tôm tốt hơn.
Ông Tăng Văn Tuối, ngụ ở ấp Cảng Buối, xã Hòa Đông (TX. Vĩnh Châu) bật mí: “Tôi chọn đối tượng cá rô phi để nuôi vì nó có khả năng thích nghi cao, lại dễ tìm. Thường thì tôi thả cá rô phi vào ao tôm với mật độ từ 20 đến 25 con/1.000m2 nhằm làm sạch môi trường trước khi thả giống tôm khoảng 7 đến 10 ngày. Khi thả ghép cá vào nuôi với tôm thì hệ số thức ăn có tăng thêm một chút và tỷ lệ sống của tôm đạt khoảng 80% - 90%, điều quan trọng nhất là tôm ít bệnh và lớn nhanh. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn cá rô phi đực thả ghép để tránh cá sinh sản nhiều trong ao nuôi tôm. Có như vậy mới mong được mùa vụ bội thu”.
Theo Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, khi áp dụng mô hình tôm - cá kết hợp thì bà con cần lưu ý: Cá rô phi nuôi trong ao lắng hoặc nuôi riêng biệt với mật độ cao, thời gian nuôi khoảng 3 tháng để nước có màu xanh đặc trưng của tảo lục; nước được đưa vào ao phải được lọc kỹ bằng túi lọc đảm bảo không có cá con và giáp xác vào ao tôm; ngoài ra cần dùng những loại thuốc diệt khuẩn không có tính diệt tảo để diệt mầm bệnh trong ao; ao lắng có thả cá rô phi được sử dụng như một bể lọc tuần hoàn trong suốt quá trình nuôi. Đối với hình thức thả ghép cá vào ao tôm thì bà con cần chọn kỹ những con cá có kích cỡ 25 - 30 gram, mật độ khoảng 20 con/1.000m2 ao nuôi, thời gian thả cá khi tôm nuôi được khoảng 1 tháng tuổi để hạn chế tôm con bị hao hụt do cá ăn…
Trong những năm gần đây, ngành Nông nghiệp tỉnh nhà đã khuyến khích người dân nuôi tôm không nên sử dụng kháng sinh để tạo ra sản phẩm tôm sạch thì việc ghép cá vào ao nuôi tôm có thể được xem là giải pháp sinh học vừa mang lại hiệu quả kinh tế bền vững vừa giúp bảo vệ tốt môi trường ao nuôi nhờ ít sử dụng thuốc và hóa chất. Hy vọng với giải pháp này, bà con nuôi tôm trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có được những mùa vụ bội thu.